Nhiều “ô-sin” và chủ nhà ở Hà Tĩnh chưa biết việc bị phạt tiền nếu không ký hợp đồng

(Baohatinh.vn) - Nhiều “ô-sin” Hà Tĩnh không biết việc phải thực hiện ký kết hợp đồng với chủ nhà và cũng không muốn ký hợp đồng vì sợ bị ràng buộc về thời gian thỏa thuận trên hợp đồng.

Nhiều “ô-sin” và chủ nhà ở Hà Tĩnh chưa biết việc bị phạt tiền nếu không ký hợp đồng

Hầu hết những người giúp việc gia đình không ký hợp đồng lao động và chưa đóng BHXH, BHYT theo quy định mới.

Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1/3/2020 về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” có hiệu lực từ ngày 15/4/2020 quy định, người sử dụng lao động (chủ nhà) và người giúp việc đều phải thực hiện ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản nếu không muốn bị phạt cảnh cáo.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, nhiều chủ nhà và người giúp việc vẫn chưa nắm được thông tin về những quy định này.

Bà N.T.V ở xã Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) năm nay đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn đi làm giúp việc gia đình. Bà V cho biết, khi nhận lời làm giúp việc, bà và chủ nhà chỉ thỏa thuận bằng miệng về các yêu cầu công việc như trông trẻ, dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu nướng... với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Cuối tuần bà được nghỉ 1 ngày để về quê thăm gia đình. Những ngày gia đình có việc, bà có thể xin phép để chủ nhà sắp xếp cho tranh thủ về quê…

Khi được hỏi quy định của pháp luật về việc ký hợp đồng với người giúp việc bằng văn bản, bà V. cho hay, không biết về quy định này, bởi từ trước đến nay, đi làm giúp việc cho nhiều gia đình, chưa bao giờ bà ký hợp đồng với chủ nhà mà chỉ thỏa thuận bằng miệng với nhau. Bản thân bà cũng không muốn ký hợp đồng vì không muốn bị ràng buộc về thời gian thỏa thuận trên hợp đồng.

Với kinh nghiệm của mình, bà cho rằng giúp việc cho gia đình nào lương cao, tính tình chủ nhà thoải mái, quý người, công việc phù hợp thì bà muốn gắn bó lâu dài. “Ngược lại, nếu gia đình chủ nhà không “hợp” thì tôi cũng chỉ làm một thời gian rồi xin nghỉ việc để chuyển nơi khác”, bà N.T.V chia sẻ.

Cũng giống như bà N.T.V, chị T.T.S ở xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên) năm nay gần 40 tuổi đã có thâm niên vài năm làm nghề giúp việc gia đình.

Nhiều “ô-sin” và chủ nhà ở Hà Tĩnh chưa biết việc bị phạt tiền nếu không ký hợp đồng

Chị T.T.S đã có thâm niên vài năm làm giúp việc gia đình.

Hiện nay, chị T.T.S đang giúp việc cho một gia đình ở phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh, tiền lương mỗi tháng chị nhận được 5 triệu đồng không kể ăn uống.

Chị T.T.S cho biết: “Tôi nhận giúp việc gia đình cho chủ nhà nhưng không hay biết phải ký hợp đồng lao động hay việc chủ nhà phải trả tiền đóng BHXH, BHTY. Chủ nhà là người tốt nên tôi vẫn tiếp tục làm việc cho họ và gắn bó lâu dài”.

Không những người giúp việc mà ngay chủ nhà khi thuê người giúp việc cũng không nắm được quy định này. Theo tìm hiểu, hầu hết gia đình có thuê giúp việc tại thành phố Hà Tĩnh đều không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản mà chỉ là thỏa thuận miệng giữa các bên. Nhiều người cho biết, họ chưa nắm được quy định phải ký hợp đồng với người giúp việc mà họ thuê.

Chị N.T.H, phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh cho biết: Qua giới thiệu từ người quen, tôi thuê người giúp việc gần 2 năm nay. Tôi và người giúp việc không ký hợp đồng lao động. Hằng tháng tôi trả lương người giúp việc 5 triệu đồng, chưa kể các khoản phụ phí sinh hoạt khác.

“Còn quy định chủ nhà phải ký hợp đồng lao động và trả tiền đóng BHXH, BHYT cho người giúp việc thì tôi chưa từng nghe”, chị N.T.H chia sẻ.

Nhiều “ô-sin” và chủ nhà ở Hà Tĩnh chưa biết việc bị phạt tiền nếu không ký hợp đồng

Ký hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động (chủ nhà) và người giúp việc gia đình sẽ giúp bảo vệ quyền lợi cho cả hai bên trước pháp luật nếu tranh chấp xảy ra.

Giúp việc gia đình là một nghề chuyên nghiệp, được quy định trong Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP, quy định chi tiết về lao động là người giúp việc gia đình là điều cần thiết.

Quy định về xử phạt cảnh cáo, phạt tiền liên quan đến hành vi vi phạm quy định về lao động là người giúp việc gia đình đã thể hiện bước tiến quan trọng giúp bảo vệ quyền lợi cho người giúp việc gia đình trước pháp luật nếu tranh chấp xảy ra. Đồng thời, tạo điều kiện cho người giúp việc gia đình được đóng BHXH và BHYT như các nghề khác.

Tuy nhiên, để các quy định này được áp dụng trong thực tiễn cuộc sống, đòi hỏi phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để chủ nhà và người giúp việc hiểu rõ và thực hiện, tránh tình trạng vi phạm do chủ quan, thiếu hiểu biết pháp luật.

Điều 29, Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định:

1. Phạt cảnh cáo đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a. Không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình;

b. Không trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:

a. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người giúp việc gia đình;

b. Không trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.