Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã ban hành chính sách nhằm khuyến khích lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước.
Cán bộ phụ trách Chính sách - LĐTB&XH xã Cẩm Nhượng đến tuyên truyền, vận động gia đình có lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước
Theo đó, đối với lao động nước ngoài (theo visa E-9) cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện khai báo và về nước trong khoảng thời gian từ ngày 11/12/2019 đến hết ngày 30/06/2020 sẽ không bị phạt tiền, được ở lại thêm tối đa 3 tháng.
Đồng thời, khi đăng ký tự nguyện về nước, người lao động sẽ được nhận “Giấy xác nhận tự nguyện về nước” do Bộ Tư pháp Hàn Quốc cấp. Sau khi về nước từ 3 đến 6 tháng sẽ được phép nhập cảnh trở lại Hàn Quốc theo các hình thức: Nhập cảnh ngắn hạn một lần (visa C-3); lao động thời vụ (visa C-4, E-8); du học tiếng Hàn (visa D-4); doanh nghiệp đầu tư (visa D-8).
Đối với lao động còn thời hạn cư trú nhưng không làm các thủ tục chuyển đổi nơi làm việc nếu tự nguyện khai báo trong thời gian từ ngày 11/12/2019 đến 31/3 sẽ chỉ phải nộp 30% tiền phạt và được tiếp tục làm việc tại nơi đã chuyển đến hoặc có thể đăng ký tìm việc khác với Bộ Lao động - Việc làm Hàn Quốc.
Ông Võ Quang Lộc ở thôn Phúc Hải, xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên): Nếu nắm bắt được thông tin cụ thể về chính sách mới này, tôi và gia đình sẽ tiếp tục vận động con về nước.
Xã Cẩm Nhượng là một trong những xã tại Cẩm Xuyên có nhiều người đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Hiện toàn xã có khoảng 40 lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, hiện nay thân nhân của những lao động trên vẫn chưa tiếp cận được thông tin về chính sách mới được ban hành.
Ông Võ Quang Lộc ở thôn Phúc Hải, xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) có con trai đi XKLĐ tại Hàn Quốc hơn 5 năm. Anh này đã hết hạn hợp đồng lao động từ tháng 6/2019 đến nay vẫn đang cư trú bất hợp pháp tại nước bạn.
Ông Lộc cho biết: "Gia đình đã nhiều lần gọi điện vận động, khuyên nhủ con về nước. Nhưng nó nói con ở lại làm thêm vài năm nữa kiếm ít vốn mới về. Còn về chính sách mới có nhiều ưu đãi đối với lao động đang cư trú bất hợp pháp về nước trong thời gian tới, tôi vẫn chưa nắm bắt được thông tin”.
Chị Nguyễn Thị Thúy ở thôn Hải Bắc, xã Cẩm Nhượng: Sẽ vận động chồng về nước để được hưởng những chính sách ưu đãi
Chị Nguyễn Thị Thúy ở thôn Hải Bắc, xã Cẩm Nhượng - vợ của lao động Nguyễn Tiến Thắng hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc từ tháng 8/2019 cho biết, từ khi chồng đi XKLĐ Hàn Quốc, kinh tế gia đình đã ổn định hơn nhiều so với trước. Thế nhưng, dù gia đình đã động viên, nhưng chồng chị vẫn quyết định ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Cũng giống như ông Lộc, chị Thúy vẫn chưa nắm bắt được thông tin về chính sách mới này.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết, sau khi nhận được công văn của Sở LĐ-TB&XH về thông báo chính sách mới đối với lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, xã đã cho phát nội dung trên trên loa truyền thanh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên thân nhân của họ vẫn chưa tiếp cận được thông tin.
Nhiều gia đình ở xã Cẩm Nhượng có người đi XKLĐ tại Hàn Quốc có kinh tế ổn định
Hiện Cẩm Xuyên có hơn 1.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Toàn huyện có gần 200 lao động hết hạn hợp đồng phải về nước nhưng vẫn ở lại làm việc, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cẩm Xuyên, để giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, thời gian tới phòng sẽ giao cho cán bộ phụ trách lĩnh vực LĐ-TB&XH xã phối hợp với địa phương đến từng gia đình để tuyên truyền về các chích sách ưu tiên và vận động.
Đồng thời, khuyến cáo đối với những lao động cư trú bất hợp pháp không về nước theo đúng hạn sẽ bị bắt giam, trục xuất, bị cấm sang Hàn Quốc làm việc.
Tính đến hết năm 2019, Hà Tĩnh có 11.253 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, trong đó, có gần 1.300 lao động cư trú bất hợp pháp. Do có tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng cư trú bất hợp pháp không về nước trên 30% nên Hà Tĩnh có 5 địa phương: Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ và huyện Kỳ Anh bị tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS. |
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu