Với 500m2 đất, gia đình chị Lê Thị Hồng, thôn Nam Hải, xã Kỳ Hải luôn có thu nhập ổn định từ việc sản xuất các loại rau. Từng là mảnh vườn tạp, không có thu nhập, được địa phương tuyên truyền, vận động và hướng dẫn phát triển kinh tế vườn, chị Hồng đã mạnh dạn xóa bỏ những cây không có giá trị, cải tạo lại khuôn viên, xây dựng hệ thống tưới nước khoa học, hợp lý, đúng quy trình kỹ thuật để sản xuất rau sạch bán ra thị trường.
Hiện, mô hình vườn rau sạch của gia đình chị Hồng cho thu nhập bình quân khoảng 300 nghìn đồng/ngày. Ngoài làm rau sạch, gia đình còn chăn nuôi gà.
Chị Hồng cho biết: “Trước đây, tôi cũng như nhiều người dân địa phương chưa chú trọng phát triển kinh tế vườn, nên dù làm đủ thứ để kiếm sống mà vẫn chật vật. Từ khi thực hiện chủ trương của địa phương, cải tạo vườn tạp để trồng rau và các sản phẩm hàng hoá tại nhà, gia đình vừa có thu nhập tốt lại ổn định”.
Ông Trần Bá Toàn - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Hải cho biết: “Tận dụng thế mạnh về đất đai và lao động sẵn có, chúng tôi khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để nâng cao thu nhập. Từ những mô hình vườn mẫu, sức lan tỏa của kinh tế vườn được lan rộng, phát huy hiệu quả. Trên địa bàn xã hiện có 680 vườn các loại, trong đó có 18 vườn mẫu cấp tỉnh, cấp huyện và 57 vườn mẫu cấp xã, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/vườn/năm, chủ yếu là cây rau hàng hoá với tổng diện tích gần 20 ha”.
Vụ xuân và vụ hè thu 2024, năng suất lúa sau chuyển đổi đạt trên 56 tạ/ha, đưa năng suất lúa bình quân toàn xã lên 54 tạ/ha (trước đây chỉ đạt dưới 50 tạ/ha). Đây là kết quả của quá trình tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sản xuất đồng ruộng manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, năng suất thấp sang tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa tại địa bàn 2 thôn Thượng Hải và Nam Hải, với 94 ha.
Cùng với đẩy mạnh quy hoạch, cải tạo ruộng đất, thâm canh tăng năng suất cây lúa, Kỳ Hải chú trọng chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ: Hiện nay xã có 2 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, toàn xã có hơn 145 nhà hàng, cửa hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh…
Toàn xã cũng đã khai thác được 114 ha/128 ha diện tích mặt nước để đưa vào nuôi các loại thuỷ sản như: tôm, cá, cua, mang về gần 16 tỷ đồng/năm; góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của xã lên 60,58 triệu đồng/năm (tăng 74% so với đầu nhiệm kỳ); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 1,08%.
Là xã khó khăn về tiêu chí giao thông, những năm gần đây, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự góp sức của người dân, hệ thống giao thông của Kỳ Hải được phát triển và hoàn thiện.
Hệ thống đường trục xã, liên xã trên địa bàn hiện được cứng hóa 5.2km/5.2km, được lắp biển báo giao thông; bố trí 29 cụm gờ giảm tốc tại các nhánh nút giao từ đường trục xã giao nhau với đường trục thôn trở lên; 100% số đường trục thôn, ngõ thôn được cứng hóa, có hệ thống điện chiếu sáng, được trồng cây bóng mát...
Đặc biệt, Kỳ Hải đã làm được 13 tuyến đường nội đồng với tổng chiều dài trên 9.000m, nền rộng 5m; trong đó bê tông hoá 8.960 m, đạt 98,9%.
Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Hải Trần Bá Toàn chia sẻ: "Năm 2023, Kỳ Hải được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2024 xã có 5/5 thôn đạt danh hiệu văn hóa; 5/5 thôn đạt khu dân cư kiểu cư kiểu mẫu; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 97,25% trở lên; gia đình thể thao 57,73% trở lên... Những kết quả này phản ánh sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương. Đây cũng là động lực để Kỳ Hải vững tin hướng đến mục tiêu đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu trong năm 2024".