Lãnh đạo tỉnh trao đổi với các văn nghệ sỹ bên lề buổi gặp mặt kỷ niệm 50 năm nền văn học nghệ thuật Hà Tĩnh sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2025).
Chiến thắng 30/4/1975 đã mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất, xây dựng CNXH. Bước ngoặt vĩ đại này đã làm thay đổi mọi lĩnh vực đời sống xã hội và tác động sâu sắc đến cảm giác, cảm xúc, tư tưởng nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sỹ Hà Tĩnh, tạo nên những đặc điểm mới của văn học nghệ thuật giai đoạn 1975-2025.
Năm 1986, chính sách đổi mới đã mang tới cho mỗi văn nghệ sỹ chìa khóa để mở tung cánh cửa trong tâm hồn, tư duy, cách nhìn, cảm hứng sống và hành động của mình. Cùng với những tác động từ tình hình chính trị thế giới, trong nước, những sự kiện diễn ra trên địa bàn như: thiên tai bão lũ; sản xuất lớn; đặc biệt là sáp nhập, chia tách tỉnh... đã tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới trải nghiệm, cảm giác, cảm xúc, tư tưởng nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sỹ, làm nên những đặc điểm cơ bản của văn học, nghệ thuật (VHNT) Hà Tĩnh giai đoạn 1975-2025.
Về tổ chức, sau khi Trung ương thành lập Hội Văn nghệ Việt Bắc, Khu IV thành lập Chi hội Văn nghệ Liên khu IV, Ty Thông tin Hà Tĩnh thành lập Phân hội Văn nghệ Hà Tĩnh. Các nhà văn, nhà thơ, họa sỹ trong phân hội đã tổ chức ban vận động thành lập Hội Sáng tác văn nghệ Hà Tĩnh. Tháng 1/1969, Hội Sáng tác văn nghệ Hà Tĩnh chính thức được thành lập, trực thuộc Ty Thông tin Hà Tĩnh. Từ đó đến nay, không kể thời gian thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh (1976-1991), đã có 8 lần đại hội Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh. Đến thời điểm này, Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh có 260 hội viên thuộc 10 chuyên ngành: Văn, Thơ, Lý luận phê bình, Sân khấu và Biểu diễn, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Văn nghệ dân gian, Kiến trúc, Múa.
Về đội ngũ, có thể xếp đội ngũ sáng tác VHNT Hà Tĩnh vào 3 thế hệ nối tiếp nhau: Thế hệ thứ nhất, chủ yếu là những trí thức sinh ra và lớn lên trong chế độ cũ, có học vấn uyên thâm, gia nhập các tổ chức cách mạng, hoạt động vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Các văn nghệ sỹ thuộc thế hệ này là tấm gương sáng về nhân cách, về sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật. Thế hệ thứ hai, xuất hiện từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Văn nghệ sĩ thuộc thế hệ này, từ thân phận người dân nô lệ, chuyển sang vị thế công dân của đất nước tự do, độc lập. Do đó, họ có tư tưởng, tình cảm nhất quán, có nguyên tắc, định hướng sáng tác rõ ràng, thể hiện thiên chức của văn nghệ sỹ trước đất nước và Nhân dân.
Văn nghệ sỹ Hà Tĩnh thuộc thế hệ này được tắm mình trong dòng chảy văn học nghệ thuật yêu nước và cách mạng, gắn bó với hiện thực phong phú qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, miệt mài lao động sáng tạo, làm nên dòng VHNT về chiến tranh cách mạng, trong đó nổi bật chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chủ nghĩa nhân văn thấm đẫm bản sắc văn hóa Hà Tĩnh. Thế hệ thứ ba, xuất hiện sau Đại thắng mùa Xuân 1975. Thế hệ này là trụ cột của VHNT Hà Tĩnh giai đoạn 1975-2025. Họ sống, lao động sáng tạo trong một hiện thực phong phú và vô cùng sôi động. Đấy là hiện thực giai đoạn hậu chiến ngổn ngang với những con người chịu thua thiệt và đầy nỗi niềm; hiện thực thời bao cấp, cơ chế thị trường gian nan, thiếu thốn; hiện thực của bước đầu công cuộc xây dựng CNXH khó khăn, hiện thực thời đổi mới, hội nhập, kiến tạo quê hương, đất nước.
Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) mở rộng cánh cửa cho tự do sáng tạo VHNT. Văn nghệ sỹ Hà Tĩnh đã tiếp nhận, giữ gìn, phát huy phẩm tính, tài năng của các thế hệ đi trước, xây dựng một đời sống VHNT sinh động, giàu bản sắc. Tác phẩm của các văn nghệ sỹ giai đoạn này đa dạng về đề tài, thể loại, biên độ phản ánh được mở rộng và xuyên suốt là chất trữ tình, tinh thần lạc quan, tình yêu tha thiết cuộc đời, con người.
Không khó khăn để nhận diện và đánh giá sự quan tâm về đề tài chiến tranh được văn nghệ sỹ thể hiện dưới một góc nhìn mới trong tác phẩm của bất kỳ loại hình, thể loại nào. Hiện thực chiến tranh với tất cả sự đa diện, phong phú và phức tạp của nó đã từng bước được khám phá. Cũng như thế, dễ đọc ra cảm hứng yêu nước trong VHNT Hà Tĩnh 50 năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, thể hiện trước hết ở tình cảm của người cầm bút với quê hương, xứ sở. Ấy là tình cảm thiêng liêng, máu thịt, cho thấy sự gắn bó giữa con người với nguồn cội một cách hết sức mật thiết. Từ tình cảm sâu đậm thiêng liêng ấy, VHNT Hà Tĩnh xoáy sâu vào đời sống riêng tư của mỗi con người, mà trước hết là cái riêng của chính chủ thể sáng tạo. Với đời thường, với số phận riêng của mỗi cá nhân trong cộng đồng là nét mới của VHNT Hà Tĩnh 50 năm qua.
Với bất cứ nền văn học nghệ thuật nào, những thành công và hạn chế bao giờ cũng gắn với các loại hình, thể loại tác phẩm. Nhìn một cách khái quát, các loại hình, thể loại VHNT Hà Tĩnh giai đoạn này đều có những thành tựu và hạn chế nhất định. Ở văn xuôi, tiểu thuyết dù được coi là xương sống, nhưng phát triển thể loại này đang rất nan giải. Đòi hỏi tư tưởng độc đáo, tài năng, vốn sống, kỹ thuật, cùng một quá trình lao động khổ ải, miệt mài của nhà văn trong viết tiểu thuyết, còn là những sự thiếu hụt ở giới cầm bút địa phương. Từ 1975-2025, ngoài những tiểu thuyết của các nhà văn quê Hà Tĩnh xa xứ viết về đất và người Hà Tĩnh trong chiến tranh, trong xây dựng cuộc sống, tiểu thuyết của các cây bút Hà Tĩnh hầu như vắng bóng trên văn đàn.
Khác với tiểu thuyết, truyện ngắn đã và đang là thể loại chủ công trong văn xuôi Hà Tĩnh. Truyện ngắn Hà Tĩnh khá phong phú về hiện thực phản ánh, đem đến cho người đọc một sự hình dung rõ nét về vùng đất và con người Hà Tĩnh trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, chống thiên tai và xây dựng, kiến tạo quê hương. Về mặt bút pháp nghệ thuật, truyện ngắn Hà Tĩnh đã cố gắng bắt kịp với nhịp độ đổi mới của thể loại này trong văn học nước nhà. Những cách tân đã bước đầu thu được hiệu quả rõ nét. Trong bức tranh tổng thể của văn xuôi, không thể không nói đến những tập truyện viết cho thiếu nhi. Cũng như tình hình chung của văn học cả nước, bộ phận này trong văn học Hà Tĩnh còn mỏng về đội ngũ và tác phẩm, chưa đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc nhỏ tuổi.
Cùng với truyện ngắn, mảng ký cũng để lại khá nhiều dấu ấn. Với ưu thế của thể loại, ký Hà Tĩnh đã bám sát thực tế, phản ánh nhanh, kịp thời các mặt của đời sống. Tuy nhiên, ký Hà Tĩnh vẫn còn lẫn những tác phẩm nặng tính báo chí, thiếu vắng những trang viết giàu chất văn học.
Dẫu có một số hạn chế, nhưng nhìn lại chặng đường đã qua, văn xuôi Hà Tĩnh có nhiều thành quả đáng ghi nhận. “Dường như nguồn mạch trữ tình vốn lúc nào cũng dào dạt trên đất Lam Hồng, vẫn không chút nào vơi cạn khi chuyển sang thế kỷ XX, XXI để làm nên dấu ấn của xứ Nghệ, trong đó không phải tinh tế lắm cũng nhận ra dấu ấn riêng của Hà Tĩnh, dải đất trải từ bờ Nam sông Lam đến chân Đèo Ngang. Nơi đã làm nên sự khởi động và đưa lên đỉnh cao dòng văn trữ tình - lãng mạn” (Giáo sư Phong Lê)
Giai đoạn 1975-2025, lực lượng sáng tác thơ ở Hà Tĩnh đông đảo và có nhiều thành tựu. Trong số các hội viên thuộc loại hình văn học, hội viên chuyên ngành thơ chiếm tỷ lệ cao với nhiều thế hệ kế tiếp nhau. Thơ Hà Tĩnh 50 năm qua đã hòa nhịp được với nền thơ cả nước. Bắt rễ trên vùng đất giàu truyền thống văn hóa, thơ Hà Tĩnh vừa tiếp nối nguồn mạch truyền thống, vừa có những cách tân theo hướng hiện đại.
Điều đáng mừng là thơ đã trở về với tiếng nói riêng tư, thầm kín nhất của mình. Ý thức cá nhân của chủ thể sáng tạo đã được đề cao, mở ra cho thơ hướng phát triển đúng đắn, phù hợp với đặc trưng thể loại. Nếu trước đây, trữ tình chính trị, trữ tình công dân giữ vị trí độc tôn, thì giờ đây, trữ tình riêng tư đã có chỗ đứng chính đáng trong thơ. Ý kiến khẳng định: “Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến tâm hồn con người Việt Nam mở rộng tất cả các chiều kích như lúc này” (Lời giới thiệu tuyển tập 100 bài thơ hay, NXB Trẻ, 1993) cũng hoàn toàn đúng với tình hình thơ Hà Tĩnh 50 năm qua. Cũng như Huy Cận từng nhận xét: “Phải chăng thơ Hà Tĩnh đằm thắm tình quê hương, sâu nặng tình đời và canh cánh bên lòng thân phận con người ở quê nhà và trong lòng thời đại. Chắc hẳn thơ Hà Tĩnh đã tiếp thu được tinh thần nhân bản sâu đậm của giống nòi”.
Về nghiên cứu, lý luận, phê bình, Hà Tĩnh khá thành công ở mảng nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian, di sản Hán Nôm. Trước sự phong phú, đa dạng, giàu bản sắc của di sản văn hóa, đội ngũ hoạt động văn hóa Hà Tĩnh đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian có giá trị, góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa quê hương. Tuy nhiên, Hà Tĩnh không có nhiều người gắn bó với nghiệp nghiên cứu, phê bình. Họ chủ yếu hoạt động nghiệp dư, không có kế hoạch dài hơi, không bắt kịp thực trạng sáng tác trong địa phương mình cũng như tình hình văn học trong nước và quốc tế. Vì thế, không để lại được nhiều tác phẩm có giá trị, nhất là ở lĩnh vực văn học.
Loại hình âm nhạc đã tạo được bản sắc riêng nhờ phát triển trên nền âm nhạc dân gian. Từ ca từ, giai điệu, khúc thức, âm nhạc Hà Tĩnh đã phản ánh được những nét nổi bật của thiên nhiên khắc nghiệt, hiện thực nghèo khó, sức dẻo dai, bền bỉ, cùng tình cảm nồng nàn, sâu lắng của Nhân dân Hà Tĩnh trong hàn gắn vết thương chiến tranh, chống thiên tai, chống đói nghèo, kiến tạo, xây dựng cuộc sống mới. Ở đây cần nói tới vai trò của các nghệ nhân dân gian, các câu lạc bộ dân ca ví, giặm và quần chúng nhân đã tạo nên một đời sống âm nhạc trong cộng đồng dân cư đa dạng, phong phú có sức lan tỏa mạnh mẽ. Có thể nói, âm nhạc đương đại Hà Tĩnh thời gian gần đây đã mở rộng chiều kích tâm hồn người Hà Tĩnh trước vận hội kỷ nguyên mới, kỷ nguyên sáng tạo, hội nhập, phát triển, thịnh vượng.
Loại hình sân khấu, biểu diễn cũng đã khẳng định được bản sắc của quê hương trên cơ sở khai thác thổ sản dân ca ví giặm. Những năm đầu sau chiến tranh chống Mỹ, loại hình kịch nói nở rộ với những kịch bản phản ánh những tiêu cực xã hội thời hậu chiến, những góc khuất của con người… Nhưng do nhiều điều kiện về đội ngũ diễn viên, về cơ sở vật chất, nên hầu hết chỉ dừng lại ở kịch bản, không có điều kiện dàn dựng, công diễn phục vụ công chúng.
Theo dòng chảy của thời gian và với nhu cầu đời sống cùng cảm hứng sáng tạo của văn nghệ sỹ, từ những năm 1980, dân ca ví - giặm Nghệ Tĩnh được tiếp thu, phát triển, trở thành một loại hình nghệ thuật diễn xướng có giá trị, mang đậm bản sắc quê hương: Tổ khúc dân ca, trích đoạn dân ca, hoạt cảnh dân ca, ca kịch ngắn, kịch hát dân ca với các làn điệu hò, ví giặm, ngâm thơ, nói vần, hát sử trống quân, hát sắp, ngâm vỉa… đã tạo nên một đời sống văn hóa tinh thần đặc sắc, rộng khắp trên mọi miền quê.
Với thế mạnh của loại hình và truyền thống nhiếp ảnh thời chống Mỹ, ảnh thời sự, nghệ thuật Hà Tĩnh, sau năm 1975, đã tạo nên một bức tranh phong phú, chân thực, sinh động về con người và đất nước. Với tính ưu việt của loại hình, ảnh Hà Tĩnh đã khắc họa khá sâu đậm chân dung con người và cuộc sống quê hương Hà Tĩnh qua các thời kỳ lịch sử: thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, bước đầu xây dựng CNXH; thời kỳ đổi mới; thời kỳ thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh; thời kỳ trở lại đơn vị hành chính tỉnh Hà Tĩnh với những khó khăn và quyết tâm, khát vọng đổi mới xây dựng quê hương và thời kỳ hội nhập, phát triển bền vững. Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, ảnh nghệ thuật và ảnh thời sự Hà Tĩnh đã góp phần quan trọng trong khắc họa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đời sống, con người Hà Tĩnh.
Phát triển chậm nhất trong đời sống VHNT Hà Tĩnh là mỹ thuật. Trước năm 1975, do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, tác phẩm nặng về tuyên truyền, đường biên giữa tranh cổ động với tranh nghệ thuật của mỹ thuật Hà Tĩnh mờ nhòe. Sau năm 1975, nhất là từ ngày Hội Văn nghệ Hà Tĩnh ra đời, các tác giả mỹ thuật mới được quy tụ và cũng từ đấy, các thế hệ họa sỹ nối tiếp nhau xuất hiện. Ngoài những tác phẩm về đề tài chiến tranh với góc khai thác mới của các họa sỹ bước ra từ các cuộc chiến tranh, các họa sỹ xuất hiện sau năm 1975 được đào tạo cơ bản, có cách nhìn mới hiện thực cuộc sống, mỹ thuật Hà Tĩnh có bước phát triển về đội ngũ, về chất lượng tác phẩm. Tuy vậy, so với mặt bằng chung, mỹ thuật Hà Tĩnh nghèo chất liệu, chưa đa dạng bút pháp, chủ đề, thiếu tác phẩm gây được ấn tượng mạnh trong công chúng.
50 năm, sau ngày thống nhất đất nước (1975-2025), các thế hệ văn nghệ sỹ Hà Tĩnh đã xây dựng được một nền VHNT dày dặn. Hàng trăm tác phẩm trên các lĩnh vực đã phản ảnh sinh động cuộc sống và tâm hồn người Hà Tĩnh qua các giai đoạn lịch sử. Đội ngũ và tác phẩm VHNT Hà Tĩnh là một sự nối dài, càng về sau càng dày dặn, càng đông đảo, hội nhập cùng VHNT nước nhà, vững vàng bước vào thời kỳ mới - thời kỳ được định danh là “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.