Ứng dụng KHKT, đa dạng trong lựa chọn các loại giống, vụ đông giúp nhiều nông dân Hà Tĩnh trở thành “triệu phú”.
Làm giàu từ cây rau giống
Tại thôn Hồng Lĩnh (xã Vượng Lộc, Can Lộc), những năm qua, nhờ chuyên canh cây rau giống vụ đông, đời sống của người dân không ngừng đi lên. Hiện, thôn không còn hộ nghèo, nhiều gia đình thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu. Một trong những hộ nông dân tiêu biểu được xem là “triệu phú” của làng là gia đình chị Phan Thị Hồng Lộc.
Chị Lộc cho biết: “Gia đình tôi trồng 8 sào cây rau giống các loại, phục vụ sản xuất vụ đông. Hằng năm, chúng tôi bắt đầu gieo giống và thu hoạch bán ra thị trường từ cuối tháng 9 cho đến đầu tháng 2 năm sau. Canh tác theo hướng luân phiên nên trong khoảng thời gian này, chúng tôi luôn có sản phẩm để cung cấp cho người dân. Nhiều năm nay, sau khi tập trung chuyên canh, trung bình mỗi vụ rau giống, gia đình tôi có thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng”.
Chị Phan Thị Hồng Lộc (thôn Hồng Lĩnh, xã Vượng Lộc, Can Lộc) làm giàu từ cây trồng vụ đông.
Gia đình chị Lộc sản xuất cây rau giống cách đây hàng chục năm, nhưng do hình thức canh tác manh mún, nhỏ lẻ nên thu nhập không ổn định. Từ năm 2016, khi thôn Hồng Lĩnh bước vào xây dựng NTM, cùng với các hộ trong thôn, gia đình chị đã tiến hành quy hoạch lại diện tích và hướng vào sản xuất chuyên sâu, nâng tầm giá trị sản phẩm. Từ đó, sản phẩm cây rau giống của gia đình chị ngày càng được khách hàng khắp mọi miền ưa chuộng và tin tưởng.
“Để nâng cao chất lượng cây rau giống, ngoài đầu tư hệ thống tưới tự động, mua sắm các công cụ sản xuất, như: máy cày, máy bừa, học hỏi kỹ thuật chăm sóc… chúng tôi đặc biệt chú trọng đến hạt giống. Nguồn gốc phải rõ ràng và uy tín để sau khi cây giống đến với người nông dân không chỉ sinh trưởng mạnh mẽ mà phải có kết quả mùa màng bội thu” - chị Lộc chia sẻ.
Vườn ươm cây rau giống vụ đông của gia đình chị Lộc có nhiều chủng loại, mang lại giá trị kinh tế cao.
Vườn ươm cây rau giống vụ đông của gia đình chị Lộc có nhiều chủng loại, sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao là: súp lơ, bắp cải, su hào… Đây là nguồn giống được gia đình chị đặt hàng ở một trung tâm sản xuất có uy tín ở Hà Nội trong nhiều năm qua. Nhờ sản xuất cây rau giống vụ đông, cuộc sống gia đình chị Lộc ngày càng khá giả. Không chỉ xây nhà, sắm sửa tiện nghi, lo cho 3 đứa con ăn học, cuối năm 2021 vừa qua, vợ chồng chị còn sắm được ô tô để làm phương tiện đi lại và giao hàng cho khách.
Toàn cảnh vườn rau giống của gia đình chị Phan Thị Hồng Lộc.
“Nhờ chủ trương xây dựng NTM, sự quan tâm định hướng và chỉ đạo của các cấp chính quyền, nông dân chúng tôi đã vươn lên thay đổi cuộc sống, làm giàu trong sản xuất vụ đông ngay trên vườn, ruộng của mình” - chị Lộc bày tỏ.
Xây dựng vườn mẫu, thay đổi cuộc đời
Nhiều năm trước, dù có mảnh vườn rộng hơn 2.400 m2 nhưng về mùa đông, anh Võ Văn Ý (thôn Bình Minh, xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) vẫn thường xuyên phải đi làm phụ hồ để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi kể từ khi anh tiến hành xây dựng vườn mẫu.
Anh Ý cho biết: “Đầu năm 2014, sau khi đi tham quan một số mô hình vườn mẫu thành công ở địa phương khác, tôi đã đăng ký với thôn quyết tâm xây dựng vườn mẫu”.
Trung bình mỗi năm, vườn mẫu rộng 2.400 m2 của anh Võ Văn Ý (ở thôn Bình Minh, xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Bỏ ra 200 triệu đồng đầu tư xây dựng hệ thống giàn lưới bằng sắt, hệ thống tưới bằng béc tự động, mua sắm máy làm đất... cuối năm 2014, anh Ý bắt đầu triển khai sản xuất rau, quả vụ đông trên vườn mẫu của mình. Với nhiều loại cây rau, quả như: đậu cô ve, mướp ngọt, mướp đắng, bí xanh, rau cải các loại… vụ đông đầu tiên, vườn mẫu của anh Ý đã cho thu nhập 100 triệu đồng. Kết quả thắng lợi khẳng định hướng đi đúng đắn, anh Ý bỏ hẳn nghề phụ hồ, tập trung làm vườn, đầu tư vào sản xuất rau, quả vụ đông.
Năm 2020, anh Ý tiếp tục đầu tư xây dựng mô hình nhà màng rộng 400 m2 để trồng dưa lưới nhằm tăng thêm hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích. Đến nay, trung bình mỗi năm, vườn mẫu rộng 2.400 m2 của anh cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng, trong đó, vụ đông mang lại 150 triệu đồng.
Vợ chồng anh Võ Văn Ý làm đất và phủ luống bằng ni lông để gieo các loại cây giống vụ đông năm 2022.
“Nhớ lại ngày xưa, tôi cảm thấy tiếc vì mình đã để lãng phí đất một thời gian dài. Lúc đó, vào mùa đông trong vườn chỉ có một vài luống rau, giàn bí, còn bây giờ, đây lại là thời điểm hoa trái xanh tươi, nguồn sống của cả gia đình. Tôi càng thêm hăng hái lao động, dành nhiều công sức cho vụ đông” - anh Võ Văn Ý chia sẻ.
Đưa KHKT vào sản xuất, khắc phục thời tiết
Chăm chỉ, cần cù, đi đầu trong áp dụng KHKT vào sản xuất, chị Lê Thị Hiền (thôn Quan Nam, xã Hồng Lộc, Lộc Hà) đã có nguồn thu gần 200 triệu đồng/năm từ 1.500 m2 đất vườn nhà.
Những ngày này, hàng vạn cây hoa cúc Đà Lạt và một số loại hoa khác như hoa ly, đồng tiền… trong nhà màng rộng trên 1.000 m2 của chị Hiền đã bắt đầu lên xanh, hứa hẹn sẽ có một mùa bội thu trong dịp tết Nguyên đán sắp tới.
Nhà màng hiện đại được gia đình chị Lê Thị Hiền (thôn Quan Nam, Hồng Lộc) đầu tư để trồng hoa và dưa lưới.
Chị Hiền cho biết: “Nhiều năm trước, khi cùng gia đình đi tham quan các vườn hoa ở Đà Lạt, tôi đã nảy sinh ý tưởng đưa cây hoa về Hà Tĩnh, bởi khí hậu, mùa đông ở quê mình thích hợp cho việc trồng hoa. Trong khi cả một mùa đông dài, ruộng vườn của mình lại bỏ trống hoặc chỉ trồng dăm ba loại rau hiệu quả kinh tế thấp”.
Nghĩ là làm, tháng 9/2019, chị Hiền bắt đầu trồng thử nghiệm giống hoa cúc trên diện tích 500 m2. Sau nhiều ngày chăm sóc theo hướng dẫn kỹ thuật, cây hoa phát triển tốt. Tuy nhiên, đến gần thời điểm chuẩn bị thu hoạch thì gặp một trận mưa lớn, khiến cả vườn hoa đổ rạp, bao nhiêu công sức gần như mất trắng. Xót của nhưng đồng thời có được kinh nghiệm, chị Hiền quyết tâm đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng để khắc phục thời tiết.
Chị Lê Thị Hiền ở thôn Quan Nam (xã Hồng Lộc, Lộc Hà).
Bỏ ra gần 450 triệu đồng, chị Hiền xây dựng hệ thống nhà màng hiện đại rộng 1.000 m2, với hệ thống vận hành hoàn toàn tự động như lưới cắt nắng, hệ thống tưới điều khiển từ xa… Kết quả, vụ hoa tết Nguyên đán năm 2020, chị Hiền đã thắng lợi ngoài mong đợi.
2 năm qua, mỗi vụ đông, nhà màng được chị Hiền trồng 1 lứa hoa và 1 lứa dưa chuột. Sản xuất hoa, quả trong nhà màng mang về thu nhập khoảng 160 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí, trong đó, vụ đông gồm hoa và 1 lứa dưa chuột thu khoảng 90 triệu đồng.
Nhiều năm nay, chị Hiền áp dụng cắt cành, thụ phấn để ép na ra quả vụ đông, phục vụ thị trường tết Nguyên đán.
Trên diện tích 500 m2 bên ngoài nhà màng, chị Hiền dùng để trồng 40 gốc cây na. Đặc biệt, áp dụng KHKT vào sản xuất, chị Hiền còn làm cho cây na ra quả trái vụ. Áp dụng kỹ thuật cắt cành, thụ phấn lấy quả, chị Hiền đã buộc vườn na 500 m2 của mình cho quả và chín vào tháng 12 để phục vụ dịp tết Nguyên đán. Với 2 vụ na trong 1 năm, gia đình chị Hiền thu nhập thêm 40 triệu đồng. Tính tổng thu nhập từ việc sản xuất trên 1.500 m2, gia đình chị thu về 200 triệu đồng/năm.
“Niềm vui không chỉ đến từ việc vụ hoa đem đến thu nhập khá mà là sự khẳng định, một nông dân như mình có thể làm được những điều trước đây nghĩ rằng không thể” - chị Hiền bày tỏ.
Ứng dụng KHKT vào trồng trọt, chị Lê Thị Hiền đã "buộc" đất cằn nở hoa. Ảnh: Vụ hoa tết Nhâm Dần 2022 tại vườn chị Hiền.
Cùng với lực đẩy từ chính quyền các cấp, đồng thời phát huy truyền thống cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động, nông dân Hà Tĩnh ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong xã hội, làm giàu cho bản thân và quê hương.
Thời gian qua, thực hiện các chủ trương của Trung ương, tỉnh về xây dựng NTM, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chuyển đổi số, ứng dụng KHKT… trong sản xuất nông nghiệp, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, tổ chức nhiều đợt tập huấn để nâng cao kiến thức cho nông dân. Từ đó giúp bà con từng bước thay đổi tư duy trong mùa vụ, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích. Trong những năm gần đây, vụ đông trên toàn tỉnh đã thu được nhiều thắng lợi, nhiều nông dân có sự nhạy bén trong cách làm để đưa vụ sản xuất này thành vụ chính, mang lại thu nhập cao.