Nông dân Hà Tĩnh linh hoạt trong sản xuất vụ đông năm 2022

(Baohatinh.vn) - Thời tiết vụ đông năm 2022 được dự báo sẽ diễn biến thất thường, lượng mưa tập trung vào tháng 9, 10 và 11 cao hơn trung bình nhiều năm. Trước những khó khăn đó, nông dân Hà Tĩnh đang linh hoạt thực hiện các giải pháp để triển khai sản xuất hiệu quả.

Nông dân Hà Tĩnh linh hoạt trong sản xuất vụ đông năm 2022

Nhiều vùng trồng rau chuyên canh vụ đông của huyện Thạch Hà chưa xuống giống được do mưa lớn đầu mùa.

Khó khăn trong sản xuất ngay từ đầu vụ

Ngay từ đầu vụ đông, nông dân xã Tượng Sơn (Thạch Hà) đã bắt đầu xuống giống, gieo trồng các loại rau cải, ngò, dưa chuột… Tuy nhiên, khi cây vừa lên lá mầm, bén rễ thì trận mưa lớn từ ngày 28/9 - 2/10 đã khiến nhiều diện tích bị ngập, hư hỏng.

“Khi nước rút, trời hửng lên là cây dễ bị thối rễ, nhất là dưa chuột nên chắc chắn một số nơi phải làm lại vụ này từ đầu. Để đất đó thì lo chậm thời vụ nhưng vẫn phải chờ coi thời tiết đợt tới thế nào” - chị Trần Thị Hoan (thôn Thượng Phú) cho biết.

Nông dân Hà Tĩnh linh hoạt trong sản xuất vụ đông năm 2022

Rau sản xuất chủ yếu ở vùng Tượng Sơn (Thạch Hà) vẫn là trong vườn hộ vì diện tích đất cao ráo, dễ che chắn hơn khu trồng tập trung.

Theo ông Bùi Đức Văn - Phó Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn, địa phương chưa triển khai đồng loạt cây trồng vụ đông ở khu vực tập trung sản xuất của xã. Hiện nay, chủ lực nhất vẫn là rau ngắn ngày được sản xuất trong vườn với gần 20ha trên tổng số gần 75ha. Nhóm cây trồng này có lợi thế về thời gian sinh trưởng ngắn, công chăm sóc ít và thu lời nhanh.

Gần 20 ha ngô vụ đông gieo sớm của bà con thôn Thanh Phúc, Thanh Sơn, Phúc Hòa (xã Đức Đồng, Đức Thọ) cũng đã bị ngã đỗ, dập nát do đợt mưa lớn vừa qua. Bà Nguyễn Thị Sâm (thôn Thanh Sơn) chia sẻ: “Ngay khi nước rút chúng tôi đã ra đồng để kiểm tra tình hình cây trồng, tuy nhiên nhiều diện tích đã bị hư hỏng, số cây ngô đã lớn đành phải cắt về cho trâu bò ăn. Bà con sẽ phải trỉa thêm cây giống ở nhà để dặm vào những nơi cây chết, héo úa, thối rễ…”.

Nông dân Hà Tĩnh linh hoạt trong sản xuất vụ đông năm 2022

Gần 20 ha ngô vụ đông gieo sớm của bà con thôn Thanh Phúc, Thanh Sơn, Phúc Hòa (xã Đức Đồng, Đức Thọ) bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lớn vừa qua.

Đợt mưa lớn đầu vụ sản xuất đã báo hiệu những khó khăn mà nông dân Hà Tĩnh phải trải qua trong vụ sản xuất nhiều rủi ro này. Ông Trần Đức Bá - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, năm nay, mùa mưa bão đến sớm và kết thúc muộn hơn trung bình nhiều năm, lượng mưa tập trung vào giữa tháng 9 đến nửa đầu tháng 11/2022 khá lớn, không khí lạnh xuất hiện sớm.

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay, do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, các địa phương cơ bản vẫn chưa triển khai đồng loạt sản xuất vụ đông ở các vùng có thế mạnh, chỉ mới tập trung vào khâu làm đất, ươm giống, cải tạo vùng trồng, chuẩn bị vật tư…

Nông dân Hà Tĩnh linh hoạt trong sản xuất vụ đông năm 2022

Rau vụ đông phát triển tốt trong nhà màng ở xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh

Khi nhiều diện tích đất của bà con chưa thể xuống giống vụ đông, hộ sản xuất Đặng Đức Vinh (xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) bắt đầu có sản phẩm rau bán ra thị trường nhờ đầu tư sản xuất trong nhà lưới, có hệ thống thoát nước khá tốt trên diện tích hơn 400m2. Ông Vinh cho biết: “Vì đầu mùa giá rau cải, xà lách bán ra cao hơn 15 - 20% so với chính vụ nên mình cũng phấn khởi. Được nhà lưới che phủ, hạn chế mưa nên số diện tích dưa chuột giống Nhật Bản chất lượng cao mới xuống giống cũng đang phát triển tốt”.

Những năm gần đây, Thạch Hà cũng được biết đến là địa phương thực hiện tốt việc linh hoạt đưa các cây trồng phù hợp với từng vùng thổ nhưỡng vào sản xuất như nấm, hoa, rau xanh, dưa lưới; áp dụng công nghệ vào sản xuất, phát triển kinh tế vườn hộ…

Ông Lê Văn Thuận - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà cho biết: “Vụ đông năm nay, Thạch Hà tiếp tục mở rộng diện tích rau màu, củ quả, dưa, hoa cúc trong nhà màng, quy mô trên 3,3ha; tập trung chăm sóc gần 100ha cây hoa đào; chủ động tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm, nhất là rau xanh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vào siêu thị, cửa hàng thực phẩm…”.

Nông dân Hà Tĩnh linh hoạt trong sản xuất vụ đông năm 2022

Cây ngô vẫn là đối tượng trồng chủ yếu của Hà Tĩnh trong vụ đông để phục vụ chăn nuôi.

Vụ đông 2022, Hà Tĩnh đặt mục tiêu gieo trồng hơn 11.700 ha với các loại cây trồng chính: ngô lấy hạt, ngô sinh khối, khoai lang và rau các loại. Cùng với đó, hiện nay, nhiều địa phương đang có xu hướng dịch chuyển các đối tượng cây trồng vụ đông truyền thống sang các loại các loại cây trồng khác thích ứng với thời tiết và cho giá trị kinh tế cao như hoa, cây cảnh…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: “Định hướng sản xuất của tỉnh trong vụ đông là chuyển dịch, thực hiện đa dạng hóa các loại cây trồng để né tránh thiên tai, tăng năng suất, sản lượng, giá trị trên đơn vị diện tích, đặc biệt, lựa chọn các sản phẩm đặc sản, đặc hữu vùng miền, có thị trường tiêu thụ, giá trị kinh tế cao để sản xuất; ứng dụng tiến bộ vào sản xuất giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, tập trung tìm kiếm đầu ra để tiêu thị sản phẩm ở các vùng sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất mang tính thời vụ cho bà con nông dân”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.