Những vùng đồi bạc tỷ

(Baohatinh.vn) - Trong chuyến đi hôm ấy, cùng với thăm các di tích và danh thắng, chúng tôi còn đến một số mô hình kinh tế vùng đồi núi Vũ Quang (Hà Tĩnh). Rừng đẹp và xanh ngời ngợi như thổi luồng khí mát nuôi dưỡng những vườn cam trĩu quả, những đàn lợn hứa hẹn sinh sôi, cho thu nhập tiền tỷ...

nhung vung doi bac ty

Trại lợn nái Quang Minh nhìn từ xa.

Con đường đưa chúng tôi đến với vườn cam của anh Lê Ngọc Lâm (thôn 6, Đức Bồng) dầu khá xa nhưng không trắc trở. Xe của chúng tôi đi giữa những vùng đất đai phì nhiêu, hứa hẹn bao điều tươi đẹp. Những cuộc trò chuyện về xứ sở, về những địa chỉ xe đi qua, cùng những háo hức làm chúng tôi quên mệt mỏi sau một chuyến đi ra từ rừng.

Đường dẫn chúng tôi về nhà anh Lâm chạy qua nhiều khúc cua, nhiều chỗ ngoặt nhưng thuận lợi vì tất cả đã phủ kín bằng bê tông. Chúng tôi trò chuyện và dần hình dung những khó khăn cách đây mươi năm. Thế mới thấy, cuộc đổi thay trên mảnh đất miền núi này lớn lao phải biết!

Chúng tôi bước vào nhà anh Lâm với lòng khâm phục. Ngôi nhà khang trang, cổng chào lát bằng đá tự nhiên được mang về từ suối. Chủ nhà tiếp chúng tôi như những vị khách quý từ miền xa. Chẳng để chúng tôi đợi lâu, anh và vợ dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn. Gần 2 ha cam bao quanh ngôi nhà tạo nên khung cảnh nhiều người mơ ước.

Anh Lâm bảo: “Nghề trồng cam, tôi bắt đầu làm quen từ năm 2000. Khi ấy, để hiểu về đặc tính cam thật khó”. Thế rồi, theo các chi tiết anh kể, với đức tính cần cù học hỏi, anh đã tích lũy dần kiến thức và kinh nghiệm. Nhờ đó, anh càng vững vàng và tin vào bàn tay của mình. Đến nay, vườn cam của anh đã có 2.000 gốc, trong đó 1.300 gốc đã cho quả.

Chỉ vào một vài cây cam sai quả, anh bảo: “Có cây thu được vài tạ. Năm 2015, sản lượng cam của tôi đạt khoảng 14 tấn, lãi ròng 650-700 triệu đồng”. Kiến thức về cam không những giúp anh có vườn cam sai trái ngọt mà còn cung cấp cam giống, cam cảnh cho những vị khách ưa vườn cây, thế cây. Theo chân anh, chúng tôi thấy ở những gốc cây khỏe mạnh thường đeo theo những bầu chiết tại một số cành thấp. Cũng trong khu vườn, anh dành riêng một diện tích vừa phải để ươm cây giống.

Vợ anh chia sẻ: “Vừa rồi, có hộ ở Hương Khê mua đến hơn 3.000 gốc. Giá cây giống bán theo thị trường, riêng cây chiết bán khoảng 50.000 đồng, cây ghép 15.000 đồng. Chúng tôi cũng thường xuyên bán cây cam trưởng thành cho một số khách thích chọn cam làm cảnh, giá có khi vài chục triệu đồng/cây”.

Câu chuyện về vợ chồng anh Lâm là chuyện của người nông dân đi lên từ hiểu biết thông qua học tập và kinh nghiệm. Chính kinh nghiệm và hiểu biết về đặc tính cây trồng đã giúp anh trở thành gương mặt làm giàu trong huyện. Thế mới thấy, người nông dân phải có tri thức đã thực sự là đòi hỏi mang tính chất thời đại. Bởi, nếu không có các yếu tố đó, nông dân sẽ mãi thấp thua, thuộc nhóm những người yếu thế.

Trở lại với câu chuyện của anh Lâm, dầu kiến thức về cây cam là thứ mà ngay cả những người trồng cam và cán bộ hiểu biết về cây trồng phải khâm phục, song anh vẫn khiêm tốn: “Mô hình của tôi cũng chỉ bình thường thôi. Trong thôn này có đến 140 hộ thì đều trồng cam. Còn cả xã thì có tới hàng chục hộ có vườn cam quy mô lớn, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm”.

Chia tay vợ chồng anh Lâm với lòng tin tưởng lại một mùa cam bội thu sắp về, chúng tôi đến thăm trại lợn nái Quang Minh (thôn Hợp Lý, Hương Minh). Gần tới trại mà chúng tôi ngỡ có chăng xe đã lạc đường.

nhung vung doi bac ty

Dự kiến cuối năm nay, trại nái Quang Minh sẽ cho ra gần 1.000 con lợn cung cấp cho các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn.

Trên con đường bên kia ngọn đồi dẫn sang, trại lợn nái hiện lên như một công trình của các công ty cỡ bự. Phía trên là mảng núi đã san phẳng để tạo mặt bằng. Xe chầm chậm gõ cửa nhà trại. Ông phó trại Nguyễn Anh Tình (62 tuổi) niềm nở mời chúng tôi tham quan. Ông bảo: “Tổng diện tích trang trại là 7 ha, trong đó, đã sử dụng 3 ha chuồng trại, nuôi 320 nái liên kết với Mitraco; dự kiến gần cuối năm sẽ cho ra gần 1.000 con lợn. Trại bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 14/10/2015”.

Khi được hỏi về quá trình đầu tư, ông Tình như được khơi lại một giai đoạn làm “cách mạng”: “Chúng tôi đầu tư 14 tỷ đồng rồi đó. Riêng kinh phí san lấp mặt bằng đã tới hơn 1 tỷ đồng. Tốc độ thi công phải nói là nhanh đến chóng mặt. Chỉ trong vòng 1 tháng, toàn bộ diện tích đồi được san phẳng. Hàng ngày, 14 xe ô tô chở đất đá, 6 máy đào, 2 máy ủi hoạt động liên tục”.

Như hiểu được băn khoăn của những vị khách thị thành mù mờ về nuôi lợn, ông chỉ từng khu vực: “Đây là chuồng mang thai, kế tiếp là chuồng đẻ, chuồng lợn con và chuồng hậu bị. Sau 4 chuồng là các hầm biogas, 3 ao thả cá và 3 hồ sinh học”. Vừa nghe ông giới thiệu, chúng tôi vừa bước chân vào thăm đàn lợn bắt đầu thời kỳ sinh đẻ. Thời tiết lúc ấy nóng như chảo rang nhưng vào trại, nhiệt độ khá dễ chịu, thoáng mát và sạch sẽ. Trong không gian ấy, những kỹ sư và công nhân của trại vui vẻ làm việc. Họ vừa tìm hiểu bảng chỉ số kỹ thuật, vừa lấy thức ăn từ bao bì ra, cho lợn uống nước... chẳng thấy biểu hiện của mệt nhọc.

Dẫn đoàn về nhà điều hành, thấy tôi ít tuổi nhất, ông Tình ra vẻ thách đố: “Cậu trèo lên mỏm đá này mà xem trên mái”. Tôi nhảy phốc lên mỏm đá có hình đầu rồng, nơi ông Tình để lại làm hình thù tượng trưng cho long mạch. Gần chục béc phun đang thi nhau xoay vòng và bắn nước tung tóe lên mái tôn lạnh. Phía dưới mái tôn, lớp tôn lạnh thứ 2 được chọn làm trần. “Sự cách nhiệt đến 2 lần làm cho gian nhà lợn ở trở nên mát mẻ” - tôi tự nhủ.

Rời mô hình trang trại lợn, trong niềm phấn chấn, chúng tôi liên lạc với ông Trịnh Văn Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang để được thông tin thêm. Qua điện thoại, ông Ngọc bộc lộ rõ niềm vui khi trên địa bàn ngày càng có nhiều mô hình kinh tế nổi trội. “Tư tưởng của người dân Vũ Quang giờ đã thay đổi nhiều. Nhiều người rất muốn làm ăn lớn. Cái đó có được là nhờ cơ chế, chính sách tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi về tiếp cận khoa học – kỹ thuật, ưu đãi khi vay vốn phát triển sản xuất, chính sách về đất đai... Riêng huyện Vũ Quang đã ban hành Nghị quyết 05/NQ-HĐND, ngày 16/7/2015 về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chính nhờ nghị quyết này mà trại nái Quang Minh đã được hỗ trợ 1 tỷ đồng. Hiện nay, trại đang làm thủ tục để hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh”.

Hoàng hôn buông chầm chậm trên những ngọn đồi. Trại lợn nái và những vườn cam lùi dần về phía sau khi chúng tôi quay xe về thành phố.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.