Nỗi ám ảnh “đóng cửa” trở lại với chính phủ Mỹ

Chính phủ Mỹ một lần nữa lại đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa do Nhà Trắng và Quốc hội chưa nhất trí về dự luật chi tiêu ngân sách mới sẽ hết hạn vào nửa đêm 28-4 tới...

Bế tắc trong thỏa thuận về ngân sách lần này liên quan đến khoản tiền cho việc xây bức tường an ninh ở khu vực biên giới giữa Mỹ với Mê-hi-cô, vốn là cam kết nổi bật của Tổng thống Đô-nan Trăm (Donald Trump) trong chiến dịch tranh cử.

Trong bối cảnh khả năng Mê-hi-cô chịu chi tiền để xây bức tường như tuyên bố của Tổng thống Đ.Trăm là rất thấp, việc yêu cầu Quốc hội thông qua khoản ngân sách cho chi phí này đang là một thách thức đối với chính quyền ở Oa-sinh-tơn. Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Đ.Trăm khẳng định, Mê-hi-cô sẽ trả tiền xây tường song việc này diễn ra vào thời điểm muộn hơn và chính phủ Mỹ cần ngân sách để sớm khởi động kế hoạch này.

Biển báo các công viên quốc gia tại Mỹ tạm ngừng hoạt động do chính quyền liên bang phải đóng cửa vào năm 2013.

Từ nay tới hạn chót chỉ còn rất ít ngày nữa mà cả Nhà Trắng lẫn Quốc hội vẫn chưa thương lượng xong về vấn đề này. Trong khi đó, chưa rõ liệu ông Đ.Trăm có ký một dự thảo ngân sách mới không bao gồm khoản kinh phí xây dựng bức tường, nhằm tránh nguy cơ chính phủ phải đóng cửa do không có kinh phí hoạt động hay không.

Tổng thống Đ.Trăm vẫn đang nỗ lực đến phút chót để thúc đẩy các nghị sĩ đảng Dân chủ chấp thuận thông qua khoản ngân sách dùng để xây bức tường an ninh. Thậm chí, tân chủ nhân Nhà Trắng đã chấp nhận đánh đổi với ngân sách cho chương trình y tế Obamacare của chính quyền tiền nhiệm mà ông cùng phe Cộng hòa rất muốn loại bỏ, nhằm tránh nguy cơ chính phủ phải đóng cửa vào đúng ngày thứ 100 ông lên nắm quyền.

Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng, ông Mích Mun-va-ni (Mick Mulvaney) cho biết, chính quyền sẵn sàng nhượng bộ trước các nghị sĩ Dân chủ về vấn đề cải cách chăm sóc y tế nhằm đạt được ngân sách để xây dựng bức tường trị giá 1,5 tỷ USD. Ông Mích Mun-va-ni cáo buộc việc phản đối này của các nghị sĩ đảng Dân chủ là hành vi giữ “lá bài an ninh quốc gia làm con tin”.

Trên Twitter, Tổng thống Đ.Trăm cáo buộc các nghị sĩ Dân chủ chặn đứng dự thảo ngân sách bất chấp việc xây bức tường này sẽ giúp ngăn ma túy và các thành viên băng đảng lọt vào nước Mỹ. Chính quyền Oa-sinh-tơn cũng hy vọng bức tường sẽ ngăn dòng người nhập cư trái phép tìm cách vượt biên giới để vào nước Mỹ, tạo thêm gánh nặng an ninh và xã hội.

Ông Mích Mun-va-ni cho biết, hiện chưa rõ nếu như không có được ngân sách xây bức tường, liệu Tổng thống Đ.Trăm có phủ quyết đạo luật cải cách chăm sóc y tế vốn được coi là di sản đối nội quan trọng của chính quyền Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) trước đây hay không.

Cuộc đàm phán giữa chính phủ và các nghị sĩ đảng Dân chủ vẫn đang gấp rút diễn ra nhằm bảo vệ các ưu tiên của mình. Các nghị sĩ Dân chủ tuyên bố họ không ủng hộ việc chấm dứt sự hỗ trợ của liên bang trong việc giúp những người thu nhập thấp mua bảo hiểm y tế trong khuôn khổ chương trình Obamacare. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Đ.Trăm lại cho rằng, “chính sách bảo hiểm Obamacare đang gặp trục trặc nghiêm trọng. Những người Dân chủ cần một khoản tiền lớn để có thể tiếp tục duy trì chính sách đó, nếu không nó sẽ chết sớm hơn là người ta tưởng”.

Mặc dù đảng Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát cả Quốc hội và Nhà Trắng, nhưng các thành viên của chính đảng này tại các bang biên giới lại không đồng tình với việc xây dựng bức tường vì cho rằng đó là giải pháp tốn kém mà hiệu quả lại hạn chế. Đảng Dân chủ cũng cho rằng việc xây dựng bức tường là liều lĩnh và không hiệu quả. Một báo cáo nội bộ cho thấy, chi phí xây bức từng dự kiến khoảng 21 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chắc Su-mơ (Chuck Schumer), các cuộc thương lượng giữa hai đảng tại lưỡng viện Quốc hội vẫn đang tiến triển tốt, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận. Tuy nhiên, nguy cơ chính phủ phải đóng cửa vẫn còn đó nếu Tổng thống Đ.Trăm nhất định muốn có bằng được khoản ngân sách để xây bức tường trong khi phe Dân chủ không chịu nhượng bộ.

Nguy cơ chính phủ phải đóng cửa đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực trong các cuộc thương lượng liên quan đến ngân sách ở Quốc hội Mỹ. Lịch sử từng ghi nhận chính phủ Mỹ đã phải rơi vào cảnh đóng cửa vài lần, trong đó gần nhất là vào năm 2013, khi chính phủ đã phải đóng cửa trong 16 ngày do Nhà Trắng và Quốc hội không đạt được thỏa hiệp về ngân sách cho những cải cách chăm sóc y tế của Tổng thống Mỹ khi đó là ông Ba-rắc Ô-ba-ma. Khi đó, các công trình và công viên quốc gia đã phải đóng cửa và hàng trăm nhân viên chính quyền được nghỉ không lương. Chỉ một nhân viên duy nhất còn tiếp tục ở lại để làm nhiệm vụ tuần tra đường biên giới dài 8.891km với Ca-na-đa.

Trước năm 2013, chính quyền Mỹ đã từng đóng cửa trong 18 ngày vào năm 1978 và 2 lần đóng cửa vào năm 1995 và 1996 dưới thời Tổng thống Bin Clin-tơn (Bill Clinton).

Theo QĐND

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói