Nỗi niềm ly hương

(Baohatinh.vn) - Sau những phút giây đoàn tụ ngắn ngủi vào mỗi dịp lễ, tết, hàng ngàn lao động trong tỉnh lại phải ly hương tiếp tục cuộc mưu sinh. Làng quê sau tết là cảnh nhà vắng người, xóm làng thiếu bóng thanh niên và đồng ruộng phần lớn chỉ có người già, trẻ em...

Chúng tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Hảo (thôn Kim Ngọc, Thạch Châu, Lộc Hà) chứng kiến cảnh bà vò võ một mình trong căn nhà trống vắng. Chồng mất đã lâu, 7 người con thì 2 con gái đã lấy chồng, 5 đứa còn lại đều vào Nam lập nghiệp, để lại thân bà đơn chiếc ở quê. Bà Hảo thở dài: “Chúng nó lập nghiệp ở xa, thỉnh thoảng ngày lễ, tết hoặc giỗ chạp mới về. Tuổi cao, sức yếu, ốm đau chỉ biết cậy nhờ anh em, hàng xóm láng giềng”.

noi niem ly huong

Niềm vui ở trường giúp các em nhỏ phần nào vơi nỗi nhớ bố mẹ.

Ông Lê Văn Thông - Chủ tịch xã Thạch Châu (Lộc Hà) cho biết: “Toàn xã hiện có 6.500 nhân khẩu, trong đó có 3.000 lao động trẻ. Hơn một nửa trong số đó đã rời quê đi làm ăn xa. Trong xã chủ yếu là người từ 40 tuổi trở lên. Việc lao động trẻ ly hương dẫn tới đời sống sản xuất, sinh hoạt gặp nhiều hạn chế. Ngoài ra còn thiếu vắng về mặt tình cảm nên chúng tôi có hướng thành lập các CLB sinh hoạt cho người già có con cháu làm ăn xa quê để giúp họ vơi bớt nỗi buồn và để người ở xa yên tâm làm ăn”.

Đó cũng là nỗi niềm chung của nhiều địa phương lân cận khi tình trạng lao động rời quê lập nghiệp vẫn theo chiều hướng tăng dần. Về xã Hộ Độ chỉ thấy nhiều ông bà già vác cuốc ra đồng chuẩn bị cho vụ muối mới. Nhiều người than thở: Vì mưu sinh mà nhiều người dân phải ly hương; những đứa trẻ thiếu vắng tình thương, sự chăm sóc của cha mẹ… Đến giờ tan trường, khi nhìn chúng bạn được bố hoặc mẹ đến đón, em Lê Thị Trà Vy (5 tuổi, xóm Đồng Xuân, xã Hộ Độ) vẻ mặt buồn buồn: “Thỉnh thoảng bố mẹ về rồi đi nên em rất nhớ. Em ước bố mẹ ở nhà đưa đón em đi học và buổi tối được ngủ với mẹ như các bạn khác”.

noi niem ly huong

Những đứa con đi làm ăn xa để lại một mình bà Lê Thị Hảo trong tuổi già hiu quạnh

Cô Đặng Thúy Hằng - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Hộ Độ chia sẻ: “Đa phần các bậc phụ huynh nghề nghiệp không ổn định. Nhiều gia đình cả bố và mẹ cùng đi làm việc ở địa phương khác, để con lại cho ông bà, người thân. Mặc dù các cô giáo đã yêu thương, san sẻ tình cảm cho các cháu nhưng không thể bù đắp được sự chăm sóc của bố mẹ”.

Tình trạng lao động trẻ ly hương còn dẫn tới công tác đoàn thể, hội gặp nhiều khó khăn vì thiếu lực lượng. Anh Trần Đình Quốc - Phó Bí thư Đoàn xã Hộ Độ cho hay: “Việc huy động thanh niên khối nông thôn là rất khó, nhất là những hoạt động cần sức khỏe, thể lực như xây dựng, tham gia ngày công, hiến máu... Hầu như những ngày thường, chúng tôi phải tập hợp lực lượng thanh niên từ khối học sinh, sinh viên. Dịp lễ, tết, khi lực lượng thanh niên về quê đông, chúng tôi mới tổ chức được các hoạt động lớn, còn ngày thường thì cao nhất chỉ tập trung được 30% lực lượng ĐVTN”.

Bức tranh làng quê sau tết ở phần lớn các địa phương trong tỉnh vẫn để lại nhiều trăn trở. Và câu hỏi đến bao giờ người lao động nông thôn thoát cảnh ly hương để có thể làm giàu trên chính quê nhà vẫn chưa tìm được câu trả lời.

Chủ đề Lao động việc làm

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.