Mô hình tập trung ruộng đất, phá bờ thửa nhỏ tại HTX Hạ Vàng. (Ảnh tư liệu)
HTX Thương mại, dịch vụ nông nghiệp Hạ Vàng (xã Vượng Lộc - gọi tắt là HTX Hạ Vàng) thành lập năm 2013 gồm 11 thành viên với ngành nghề sản xuất lúa gạo sạch. Năm 2020, HTX là đơn vị đi đầu trong thực hiện phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn và tích tụ ruộng đất với diện tích 30ha. Từ vụ xuân 2021, HTX đã liên kết với doanh nghiệp ở tỉnh Nam Định trong việc bao tiêu sản phẩm.
Ông Nguyễn Đình Trung – Chủ tịch HĐQT HTX Hạ Vàng chia sẻ, qua các vụ sản xuất cho thấy, phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn và tích tụ ruộng đất gắn với liên kết sản xuất nông nghiệp là hướng đi đúng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Vụ hè thu vừa qua, năng suất lúa của HTX đạt 5,6 tấn/ha (trước khi chưa hình thành ô thửa lớn đạt khoảng 5 tấn/ha).
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng và đoàn công tác thăm cánh đồng mẫu lớn của HTX Hạ Vàng. Ngày 20/7/2021.
Với những hiệu quả về kinh tế, vụ đông xuân 2022 HTX tiếp tục mở rộng diện tích thêm 3,5ha và sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, muốn hiệu quả cao hơn nữa từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cần phải tiếp tục có cuộc cách mạng mới trên đồng ruộng.
“Vụ đông xuân này, HTX sẽ lắp đặt hệ thống camera giám sát từ đồng ruộng và đăng ký mã QR để thuận lợi trong quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh, quảng bá thương hiệu... Đây là những bước đi khởi động, thí điểm cho chuyển đổi số của HTX cũng như trên đồng ruộng Can Lộc” – ông Trung cho hay.
Hệ thống cảm biến E-Sensor được lắp đặt trên đồng ruộng Vĩnh Long giúp giám sát cánh đồng qua camera (ảnh Internet)
Để triển khai thí điểm chuyển đổi số trên đồng ruộng, những ngày qua Phòng NN&PTNT huyện Can Lộc cùng các đơn vị: Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện, Trung tâm Viễn thông (VNPT) Can Lộc và HTX Hạ Vàng đang khẩn trương triển khai các bước hồ sơ thủ tục, lựa chọn thiết bị, cài đặt phần mềm… Theo kế hoạch, trước mắt sẽ lắp đặt 11 mắt camera giám sát tại cánh đồng 30 ha của HTX Hạ Vàng.
Ông Hoàng Thế Anh – Giám đốc Trung tâm Viễn thông Can Lộc cho biết, đơn vị đang phối hợp với cơ quan liên quan để triển khai cài đặt các ứng dụng, thí điểm lắp đặt hệ thống camera, đường truyền kết nối thiết bị phục vụ chuyển đổi số tại HTX Hạ Vàng.
Các camera này sẽ được kết nối với hệ thống cảm biến giúp giám sát cánh đồng lúa, mức nước, nhiệt độ, độ ẩm không khí và một số loại sâu bệnh trên đồng ruộng từ xa qua smartphone.
Cán bộ kỹ thuật VNPT Can Lộc cài đặt các ứng dụng chuẩn bị lắp đặt hệ thống camera giám sát tại cánh đồng của HTX Hạ Vàng. Ảnh: VNPT cung cấp
Các thông tin này được thu thập, lưu trữ và truyền tải đến trạm quản lý để phân tích và xử lý, qua đó người sử dụng có thể điều khiển và đưa ra các quyết định phù hợp nhằm tăng cường sản xuất và nâng cao chất lượng cây trồng.
Việc điều hành, chỉ đạo sản xuất sẽ được kết nối thông suốt từ phòng kỹ thuật của huyện đến thành viên ban giám đốc HTX và các xã viên thông qua phần mềm Zalo.
“Trong quá trình từ khâu làm đất, xuống giống, chăm sóc đến thu hoạch sẽ được đối tác là đơn vị liên kết thu mua sản phẩm cũng như người tiêu dùng giám sát trực tiếp hoặc hậu kiểm. Việc truy xuất nguồn gốc sẽ được thể hiện từ những công cụ này” – ông Hoàng Thế Anh cho hay.
Vụ đông xuân 2022, nhiều địa phương ở Can Lộc đã hoàn thành phá bờ thửa nhỏ, tích tụ ruộng đất, hình thành những cánh đồng lớn và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành
Can Lộc là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi ruộng đất. Năm 2021, địa phương này đã phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn với diện tích 993,87 ha. Vụ xuân 2022, Can Lộc dự kiến sản xuất trên 9.300 ha lúa, trong đó tiếp tục mở rộng diện tích ô thửa lớn trên 1.100 ha.
Cùng với đó, Can Lộc cũng đang tập trung sản xuất lúa chất lượng cao và liên kết với doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá quy trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm sẽ là tiền đề để người nông dân huyện lúa Can Lộc nâng cao hiệu quả kinh tế trên đồng ruộng của mình.