Can Lộc bắt tay dồn điền đổi thửa hơn 1.100 ha ruộng vụ xuân 2022

(Baohatinh.vn) - Với phương châm dồn điền đổi thửa, tổ chức lại sản xuất theo vùng tập trung, các địa phương ở Can Lộc (Hà Tĩnh) đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu có thêm hơn 1.100 ha đất được chuyển đổi, sẵn sàng cho vụ xuân năm 2022.

Can Lộc bắt tay dồn điền đổi thửa hơn 1.100 ha ruộng vụ xuân 2022

Sơn Lộc là địa phương đầu tiên ở Can Lộc ra quân thực hiện dồn điền đổi thửa. Ảnh Quốc Huy

Vụ xuân năm 2022, xã Sơn Lộc được giao kế hoạch chuyển đổi 60 ha ruộng nhằm thực hiện kế hoạch của huyện về tập trung ruộng đất, phá bỏ bờ vùng bờ thửa, hình thành vùng sản xuất tập trung. Qua đó, tăng cường liên kết, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Bắt đầu từ ngày 12/9, có 8/9 thôn đã đồng loạt ra quân cải tạo đồng ruộng. Đến thời điểm này, bà con đã đăng ký thực hiện 80 ha và đang tiếp tục đăng ký mở rộng diện tích tập trung ruộng đất.

Ông Lê Xuân Tình - Trưởng thôn Chi Lệ, xã Sơn Lộc chia sẻ: “Từ thành công của mô hình cánh đồng thửa lớn của vụ xuân năm trước, người dân càng tin tưởng vào chủ trương dồn điền đổi thửa và tích cực hưởng ứng. Năm nay, 60 hộ dân trong thôn đã đăng ký thực hiện phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn trên diện tích 11 ha. Theo đó, từ 127 ô thửa nhỏ ban đầu, vùng đồng này sẽ chỉ còn hơn 10 thửa lớn để hình thành vùng sản xuất tập trung theo mô hình tổ hợp tác”.

Can Lộc bắt tay dồn điền đổi thửa hơn 1.100 ha ruộng vụ xuân 2022

Bà con thôn Chi Lệ, xã Sơn Lộc dõi theo từng ca máy. Ảnh Quốc Huy

Để tạo được sự đồng thuận của người dân, góp phần đưa chủ trương, chính sách của huyện vào cuộc sống, Sơn Lộc đã thực hiện bài bản từ việc sớm xây dựng đề án, tổ chức họp lấy ý kiến Nhân dân.

“Điểm mới ở Sơn Lộc năm nay là thực hiện chuyển đổi ruộng đất gắn chuyển đổi chủ sở hữu. Ruộng của các hộ được quy về một nơi, sau khi chuyển đổi sẽ được chia lại gắn với hình thành vùng sản xuất tập trung, tổ chức lại sản xuất. Ngoài chính sách hỗ trợ của huyện, xã cũng đã ban hành cơ chế, chính sách riêng với tổng số tiền hỗ trợ là 250 triệu đồng, gồm: hỗ trợ giống 70 ngàn đồng/sào, hạ tầng cơ sở 6 triệu đồng/ha, ngoài ra còn có cơ chế đặc thù cho những thôn có địa hình khó khăn...” - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc Nguyễn Đình Huy thông tin.

Không khí ra quân dồn điền đổi thửa cũng diễn ra sôi nổi trên cánh đồng ở tổ dân phố K130 - thị trấn Nghèn.

Bà Phạm Thị Huệ chia sẻ: “Thực hiện chủ trương tập trung ruộng đất, sau khi đổi thửa, gia đình tôi có gần 3 sào trên cánh đồng lớn 15 ha. Việc ruộng quy về một nơi như vậy giúp chúng tôi thuận lợi hơn trong canh tác. Đặc biệt, việc đổi thửa diễn ra rất công bằng theo hình thức bốc thăm và trước khi chia, chính quyền cũng đã hoàn thành việc làm đất nên chúng tôi càng yên tâm nhận ruộng”.

Can Lộc bắt tay dồn điền đổi thửa hơn 1.100 ha ruộng vụ xuân 2022

Bà Phạm Thị Huệ (người ngoài cùng bên phải, nhóm 3 người) cùng với bà con tổ dân phố K130 tích cực tham gia phá bờ vùng, bờ thửa.

Từ kết quả ban đầu đó, thị trấn Nghèn càng vững tin thực hiện kế hoạch chuyển đổi ruộng đất tại 6 tổ dân phố với tổng diện tích hơn 100 ha.

Anh Đồng Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nghèn cho biết: “Để tạo sự bền vững trong chuyển đổi và thuận lợi trong việc xây dựng cánh đồng lớn, UBND thị trấn đã chỉ đạo các tổ dân phố khảo sát nhu cầu của người dân và thực hiện 3 phương án: Các hộ dân không có nhu cầu sản xuất hoặc lâu nay cho thuê đất sẽ được quy hoạch về một vùng riêng; các cá nhân góp đất sản xuất chung sẽ tập trung vào 1 vùng, gắn vào đó là việc xúc tiến thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; các hộ không có nhu cầu sản xuất chung được đưa ra khỏi vùng cánh đồng mẫu”.

Sự đổi mới trong các giải pháp thực hiện, cách làm bài bản của những đơn vị đi đầu đã tạo phong trào, khí thế thi đua sôi nổi trong việc thực hiện cuộc “cách mạng” về ruộng đất.

Tại xã Gia Hanh, sau mùa bội thu trên cánh đồng 1 giống rộng 22 ha ở thôn Ngọc Lâm, năm nay đã có thêm 3 thôn: Phan Sơn, Bắc Trung Sơn, Nhân Phong cùng thực hiện phá bờ vùng, bờ thửa, tập trung ruộng đất trên diện tích 40 ha.

Can Lộc bắt tay dồn điền đổi thửa hơn 1.100 ha ruộng vụ xuân 2022

Ca máy đầu tiên khởi động việc dồn điền đổi thửa trên cánh đồng 20 ha ở thôn Phan Sơn bắt đầu từ cuối tháng 9.

Ông Nguyễn Doãn Lục ở thôn Phan Sơn (Gia Hanh) chia sẻ: “Để thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa trên diện tích 20 ha, thôn đã tổ chức họp các hộ gia đình để lấy ý kiến, bàn bạc công khai phương án thực hiện, vì thế đã tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân”.

Từ việc vận dụng triệt để các chính sách của cấp trên, kết hợp với chính sách của địa phương, Gia Hanh sẽ hỗ trợ 50% giống, phân bón và 50% đầu tư cơ sở hạ tầng như: đắp đường, sửa chữa kênh mương, cống... nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân. Dự kiến, tổng mức hỗ trợ sẽ khoảng 4,5 triệu đồng/ha.

Ông Phan Đình Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hanh cho hay. “Xã cũng thống nhất phương án thành lập hợp tác xã nông nghiệp, hình thành tổ hợp tác ở mỗi thôn, các tổ trưởng sẽ là đầu mối để liên kết giữa người dân với các dịch vụ, các doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả, tạo sự bền vững trong sản xuất”.

Đến thời điểm hiện tại, 18/18 xã, thị trấn đã đăng ký chuyển đổi ruộng đất trên diện tích hơn 1.200 ha (vượt kế hoạch huyện đề ra), trong đó, mỗi thôn phấn đấu 70% số hộ chung 1 ô thửa và 30% còn lại không quá 2 ô thửa.

Năm nay, Can Lộc đổi mới chủ trương tập trung ruộng đất theo phương châm: chuyển đổi ruộng đất gắn với đổi mới hình thức sản xuất, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, tạo hướng đi bền vững. Thay vì chọn điểm xây dựng mô hình ở xã, năm nay, việc chuyển đổi ruộng đất được giao trách nhiệm cho từng thôn, tổ dân phố. Qua đó, phát huy vai trò của người dân trong việc cùng biết, cùng bàn, cùng tham gia thực hiện, tạo nên sự đồng thuận, sức lan tỏa của phong trào.

Đây là hoạt động thiết thực của Can Lộc trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 20/8/2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy, Đề án số 2553/ĐA-UBND ngày 13/8/2020 của UBND huyện về tập trung ruộng đất, hình thành vùng sản xuất tập trung, tăng cường liên kết, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Cường

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.