Nông dân Hà Tĩnh chăm vật nuôi đặc sản phục vụ thị trường tết

(Baohatinh.vn) - Thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh đang tập trung tăng đàn, vỗ béo cho các vật nuôi đặc sản để kịp thời cung ứng thị trường tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Gia đình anh Trương Văn Thắng ở thôn Thiện Nộ, xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) có gần 50 con lợn rừng chuẩn bị vào độ xuất bán, trọng lượng bình quân mỗi con đạt từ 15 - 27 kg. Đây là đặc sản được thị trường “săn lùng” vào dịp tết nên anh Thắng chưa vội bán.

Nông dân Hà Tĩnh chăm vật nuôi đặc sản phục vụ thị trường tết

Đàn lợn rừng của anh Trương Văn Thắng ở xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) đang được vỗ béo để bán tết

Ngoài lợn rừng, anh Thắng còn có hơn 100 con gà đen H’Mông và 500 con gà cỏ để sẵn sàng cung ứng cho thị trường tết. Hiện nay, lợn rừng có giá 130.000 đồng/kg, gà đen có giá 150.000 đồng/kg, gà cỏ có giá 120.000 đồng/kg. Với mức giá này, gia đình anh Thắng dự kiến sẽ thu về trên 150 triệu đồng trong vụ tết.

Anh Trương Văn Thắng chia sẻ: “Lợn rừng, gà đen, gà cỏ được tôi thả nuôi trong trang trại rộng hơn 7 ha của gia đình. Riêng lợn rừng thời gian nuôi đã hơn 1 năm nên thịt săn chắc và ngon. Nhiều khách hàng đã hỏi mua nhưng tôi chưa bán vì muốn để dành cho dịp tết. Thời điểm này, tôi cũng tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho đàn lợn, đàn gà nhằm đem đến nguồn thực phẩm chất lượng nhất cho người tiêu dùng”.

Nông dân Hà Tĩnh chăm vật nuôi đặc sản phục vụ thị trường tết

Đàn gà đen, gà cỏ của anh Trương Văn Thắng ở xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) chuẩn bị xuất bán ra thị trường tết

Cùng với nông dân huyện Cẩm Xuyên, hiện nay, nông dân huyện miền núi Hương Khê cũng đang tập trung chăm sóc các loài vật đặc sản để kịp cung ứng phục vụ thị trường tết Nguyên đán. Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Hương Khê, toàn huyện hiện có gần 50 mô hình chăn nuôi các loại vật nuôi đặc sản như: dúi, lợn rừng, chồn hương, cá tầm... Chăn nuôi đặc sản đang là hướng đi bền vững giúp nông dân phát triển kinh tế nên chính quyền địa phương cũng tăng cường hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, tư vấn tiếp cận các chính sách hỗ trợ, vay vốn tín dụng để phát triển các mô hình.

Nông dân Hà Tĩnh chăm vật nuôi đặc sản phục vụ thị trường tết

Mô hình chăn nuôi lợn rừng của anh Lê Xuân Trường ở xã Hương Bình (Hương Khê)

Đầu tư mô hình chăn nuôi lợn rừng hơn 1 năm nay, anh Lê Xuân Trường ở thôn Bình Hà, xã Hương Bình (Hương Khê) chia sẻ: “Lợn rừng là sản phẩm dễ tiêu thụ với mức giá khá ổn định. Gia đình tôi đã vay ngân hàng để xây dựng chuồng trại, đầu tư chăn nuôi 6 con lợn rừng sinh sản và 60 con lợn rừng thương phẩm. Trong quá trình nuôi, tôi ưu tiên lựa chọn nguồn thức ăn tự nhiên từ phụ phẩm nông nghiệp và bổ sung thêm dưỡng chất thông qua cám dinh dưỡng để cho sản phẩm thơm ngon. Đến thời điểm này, 100% đàn lợn thịt của gia đình đã được khách hàng đặt mua với mức giá trên 3 triệu đồng/con".

Không chỉ lợn rừng, đặc sản gà Đông Tảo cũng người dân tìm mua nhiều trong dịp tết. Vì thế, nhiều năm lại đây, ngày càng nhiều bà con nông dân thả nuôi. Vụ tết này, trại gà Đông Tảo của anh Nguyễn Chân Sang (tổ dân phố 12, thị trấn Thạch Hà) có hơn 200 con gà Đông Tảo để xuất bán ra thị trường (bình quân mỗi con đạt trọng lượng từ 4 – 4,5 kg). Với giá bán 300.000 đồng/kg gà thịt và 2 - 4 triệu đồng/con gà trống, gia đình anh Sang dự kiến sẽ thu trên 200 triệu đồng.

Nông dân Hà Tĩnh chăm vật nuôi đặc sản phục vụ thị trường tết

Anh Nguyễn Chân Sang ở thị trấn Thạch Hà có hơn 200 con gà Đông Tảo.

Anh Nguyễn Chân Sang cho biết: “Gà Đông Tảo còn được gọi là gà tiến vua nên rất được khách hàng săn lùng làm quà biếu tết. Theo quan niệm xưa, gia đình nào chọn được gà Đông Tảo để cúng trong đêm giao thừa thì năm đó sẽ làm ăn phát đạt. Đặc biệt, việc thưởng thức thịt của loài gà tiến vua này cũng thể hiện sự sang trọng, quyền quý của gia chủ nên ngày càng có nhiều người chọn mua. Hiện nay, không chỉ khách trong tỉnh mà ở các tỉnh như: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, TP Hồ Chí Minh cũng đã liên hệ đặt hàng. Khách hàng chủ yếu mua theo cặp hoặc mua gà trống làm quà biếu tết. Ngoài ra, chúng tôi còn cung cấp gà thịt cho nhiều nhà hàng trên địa bàn Hà Tĩnh”.

Thống kê sơ bộ từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm hộ chăn nuôi con đặc sản như: lợn rừng, gà Đông Tảo, dê, hươu, dúi, chồn, ốc nhồi... Để cung ứng cho thị trường tết, thời điểm này, các hộ chăn nuôi nói chung, các hộ nuôi con đặc sản nói riêng đã tăng đàn khoảng 30%. Việc phát triển các mô hình nuôi con đặc sản không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân mà còn góp phần cung ứng cho người tiêu dùng thêm nhiều đặc sản chất lượng sử dụng trong dịp tết.

Những năm gần đây, nông dân Hà Tĩnh có xu hướng nuôi các đối tượng vật nuôi mới nhằm nâng cao giá trị kinh tế... Để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi và hạn chế rủi ro, người chăn nuôi cần nghiên cứu kỹ đặc tính, tập quán, môi trường sống của các loại vật nuôi này để có cách chăm sóc khoa học. Ngoài ra, người chăn nuôi cần bố trí chuồng trại phù hợp, giữ vệ sinh sạch sẽ để hạn chế tình trạng vật nuôi nhiễm bệnh, nhất là các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.

Ông Phan Quý Dương
Trưởng phòng Quản lý chăn nuôi - Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.