Cam chín mọng vườn đồi, người dân Hương Khê phấn khởi bước vào vụ tết

(Baohatinh.vn) - Những ngày cuối năm, người trồng cam ở xã Hương Đô (Hương Khê - Hà Tĩnh) lại nhộn nhịp vào mùa thu hoạch, gửi gắm những trái cam mọng vàng, thơm ngon đến tay người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước.

Cam chín mọng vườn đồi, người dân Hương Khê phấn khởi bước vào vụ tết

Vườn cam của ông Đinh Văn Nhâm sẵn sàng phục vụ thị trường tết.

Vừa tất bật hái những quả cam chín mọng cho đơn hàng khách đã đặt, ông Đinh Văn Nhâm – Giám đốc HTX Cam Khe Mây Long Nhâm niềm nở chia sẻ: "Năm nay, HTX sẽ thu 500 - 600 tấn cam, tăng gấp đôi so với năm 2021. Riêng vụ tết, chúng tôi dành để đưa ra thị trường hơn 150 - 200 tấn cam. Chất lượng đảm bảo, mỗi quả cam trước khi đưa ra thị trường đều được dán tem truy xuất nguồn gốc nên được giá hơn”.

Hiện nay, HTX Cam Khe Mây Long Nhâm có 30 thành viên với tổng diện tích sản xuất là 68 ha cam. Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được dán tem truy xuất nguồn gốc, thương hiệu cam Khe Mây khi đưa ra thị trường đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

Ở xã Hương Đô có 2 loại cam chính là cam chanh và cam bù. Cam chanh cho thu hoạch từ độ giữa tháng 8 đến tháng 10 âm lịch; cam bù từ tháng 11 âm lịch đến tháng Giêng năm sau. Giá cũng chênh lệch tùy loại và thời điểm thu hoạch, dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg với cam chanh và 40.000 - 80.0000 đồng/kg với cam bù.

Cam chín mọng vườn đồi, người dân Hương Khê phấn khởi bước vào vụ tết

Anh Lê Hoàng Dũng phấn khởi với mùa cam năm nay cho năng suất cao.

“Năm nay, hơn 3 ha cam bù, cam Xã Đoài của gia đình cho thu hoạch trung bình từ 50 - 60 kg quả/cây, cá biệt có những cây thu hoạch trên 3 tạ quả. Thời điểm này, rất nhiều khách hàng đã gọi điện đặt hàng. Nhất là cam bù, khoảng từ ngày 20 - 25 tết, giá bán dao động từ 55 - 65 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 lần giá cam chanh chính vụ mà vẫn đắt hàng. Cây cam bù chín muộn cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cây trồng khác” - anh Lê Hoàng Dũng, hộ trồng cam ở thôn 3, xã Hương Đô cho biết.

Còn chị Nguyễn Thị Thơm (thôn 1, xã Hương Đô) trồng trên 1.200 gốc cam nên có sản phẩm để dành bán trước và sau tết Nguyên đán. Chị Thơm bày tỏ: “Năm nay thời tiết thuận lợi nên quả cam đạt chất lượng cao. Nếu bán hết số lượng cam tết trong vườn khoảng hơn 2 tấn thì mang lại cho gia đình cái tết khá đủ đầy. Những năm trước, tôi thường phải mang cam ra chợ bán, nhưng năm nay thương lái tìm đến tận vườn mua, tôi thuê thêm 4 nhân công làm việc để kịp cắt cam và gửi đi cho khách hàng”.

Cam chín mọng vườn đồi, người dân Hương Khê phấn khởi bước vào vụ tết

Thương lái thu mua cam tận vườn.

Theo kinh nghiệm của các hộ dân thì trồng cam để phục vụ thị trường tết không khó, tuy nhiên việc chăm sóc đòi hỏi sự cần mẫn, tốn nhiều công sức. Đất trồng cam phải đảm bảo tơi xốp, đủ ẩm, bón phân đúng kỹ thuật và phải có rãnh thoát để chống úng kịp thời, tránh không để cho cây bị xói mòn gốc.

Trong quá trình chăm sóc cũng cần nắm rõ quy trình sâu bệnh và quá trình thay đổi lá trên cây vào các tháng trong mùa. Muốn cam đạt chất lượng tốt và cho quả đẹp, vào thời điểm đầu vụ, người trồng phải biết can thiệp vào quá trình ra lộc hoa của cây, nắm được kỹ thuật tỉa hoa, tỉa cành, tạo tán để cam ra hoa đúng thời điểm.

Cam chín mọng vườn đồi, người dân Hương Khê phấn khởi bước vào vụ tết

Giữa đồi núi bạt ngàn, từng gốc cam được người trồng tỉ mẩn chăm sóc, “mắc màn” để tránh côn trùng tấn công, giữ được những quả ngon đến với khách hàng dịp tết.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê Lê Quang Vinh, toàn huyện hiện có 12.500 hộ trồng cam với khoảng 2.028 ha, trong đó 1.487 ha đã cho thu hoạch. Bên cạnh lợi thế về thổ nhưỡng, mỗi gốc cam luôn được người dân chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật đạt tiêu chuẩn VietGAP để bảo đảm duy trì và nâng cao được giá trị thương hiệu cam Khe Mây, tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

Với sản lượng năm nay ước đạt 14.000 tấn, người trồng cam Hương Khê ước thu khoảng 360 tỷ đồng. Ngoài xã Hương Đô, cam còn được trồng ở các xã lân cận như: Phúc Trạch, Lộc Yên, Hương Thủy, Hương Giang,...

Cam chín mọng vườn đồi, người dân Hương Khê phấn khởi bước vào vụ tết

Xã Hương Đô là “thủ phủ” của cam với 360 ha, 264 hộ sản xuất, trồng tập trung ở thôn 1, 2, 3 và 6.

Việc xác định thị trường và phân khúc khách hàng tiêu thụ cũng có kế hoạch cụ thể, hướng tới các khu trung tâm thành phố lớn như Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình, TP Hồ Chí Minh… Đến nay, sản phẩm cam Khe Mây được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, bước đầu đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp như VinMart; có mặt trên các kệ hàng của các cửa hàng nông sản sạch và đại lý hoa quả. Ngoài ra, người dân còn đẩy mạnh bán hàng online, nhận đặt hàng qua điện thoại.

Anh Hà Tiến Dũng - Giám đốc Doanh nghiệp Tân Thanh Phong thông tin: “Cam Khe Mây là một trong những sự lựa chọn không thể bỏ qua bởi vị ngọt đậm đặc trưng. Doanh nghiệp sớm tạo sự liên kết với các hộ trồng cam Khe Mây, lượng cam được dự trữ ngay tại vườn, chờ ngày cắt bán phục vụ thị trường tết".

Cam chín mọng vườn đồi, người dân Hương Khê phấn khởi bước vào vụ tết

Nhờ sự chủ động kết nối thị trường, đồng thời nhu cầu tiêu thụ dịp tết tăng cao nên cam Khe Mây hiện có đầu ra tương đối ổn định.

Đặc biệt, từ 21 - 25/1/2022, Hội chợ sản phẩm OCOP và đặc sản Hà Tĩnh năm 2022 sẽ được tổ chức, đây tiếp tục là cơ hội để các chủ vườn tìm kiếm thị trường, quảng báo thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm một cách tối ưu nhất trong dịp tết Nguyên đán năm nay.

Anh Nguyễn Hùng Thắng - Giám đốc HTX Nông sản Hoàn Thắng (thôn Tân Phúc, xã Hương Trạch) chia sẻ: Tham gia hội chợ là dịp để quảng bá đặc sản của địa phương đến với người tiêu dùng. Vì vậy, công tác chuẩn bị được nhà vườn coi trọng. Chúng tôi sẵn sàng mang hơn 5 tạ cam các loại để giới thiệu và tiêu thụ tại hội chợ".

Theo Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hương Khê Nguyễn Xuân Lan: “Sau khi có kế hoạch tổ chức hội chợ, chúng tôi đã triển khai để các nhà vườn đăng ký và lập danh sách gửi lên Sở Công thương. Huyện ưu tiên chọn những nhà vườn, hợp tác xã đảm bảo thực hiện các quy trình, kỹ thuật sản xuất cam sạch theo hướng VietGAP tham gia hội chợ lần này”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast