Thời điểm này, “thủ phủ” cam Thượng Lộc nhộn nhịp thương lái vào ra. Trên những đồi cam chín vàng, người dân đang tất bật thu hoạch để kịp đóng hàng cho khách.
Năm nay sản lượng cam của gia đình anh Phố tăng khoảng 2 tấn so với năm trước.
Anh Nguyễn Huy Phố (thôn Thanh Mỹ) cho biết: "Với gần 600 gốc cam chanh và cam giòn trên diện tích 1,5ha, năm nay, tôi thu hoạch ước đạt 15 tấn, tăng hơn năm trước 2 tấn. Cam của gia đình tôi được sản xuất theo hướng sinh học, không sử dụng thuốc kích thích. Để giữ cho cam tươi, ngọt chín đúng vào dịp tết, tôi tỉa cành tạo sự thông thoáng và bón phân hữu cơ để đảm bảo cho cây nuôi quả. Từ đầu vụ đến nay, gia đình đã bán được khoảng 10 tấn, còn lại có thể chờ được đến áp tết, sẽ có mức giá cao hơn”.
Gia đình chị Phan Thị Hiền (thôn Anh Hùng) có vườn cam rộng 3ha. Năm nay thời tiết thuận lợi nên cam gia đình chị cho năng suất vượt trội. Dịch bệnh khiến việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự chủ động kết nối thị trường, đồng thời nhu cầu tiêu thụ dịp tết tăng cao nên sản phẩm hiện có đầu ra tương đối ổn định; giá cam cũng có cải thiện hơn.
Cam được thương lái thu mua tận vườn.
Chị Hiền chia sẻ: “Năm nay vườn cam của gia đình cho sản lượng khoảng 30 tấn. Đến thời điểm này, đã bán được 12 tấn vào siêu thị Co.op mart TP. HCM, số còn lại đã được thương lái vào đặt hàng tận vườn để phục vụ tết.
Cam của tôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và đã đạt OCOP 3 sao nên rất được thị trường ưa chuộng. Thời điểm này, giá cam tăng cao hơn nhiều so với đầu mùa với 30.000 đồng/1kg cam chanh và 50.000 đồng/kg cam giòn. Dự kiến dịp áp tết, giá sẽ tăng cao nên tôi đã để lại trên cây khoảng 5 tấn để bán tết".
Vườn cam của chị Hiền sẵn sàng phục vụ thị trường tết.
Hiện, toàn xã Thượng Lộc có khoảng 260 ha trồng cam, trong đó diện tích đã cho thu hoạch là 180 ha, sản lượng ước đạt 2.300 tấn. Đến nay bà con đã thu hoạch được 120 ha với sản lượng 1.700 tấn. Theo ông Nguyễn Xuân Diệu - Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc, mặc dù nhu cầu của thị trường hiện rất lớn, nhưng theo kinh nghiệm từ nhiều năm trước, giá cam những ngày áp tết tăng cao, nên nhiều gia đình chỉ xuất bán cầm chừng để dành bán vào dịp tết.
Tại các “vựa hành” Thuần Thiện, Thiên Lộc, tranh thủ thời tiết nắng ấm, bà con nông dân đang nhổ tỉa hành tăm để bán. Dù giá bán có giảm hơn so với đầu mùa, nhưng sản phẩm vẫn tìm được đầu ra khá ổn định.
Với tổng diện tích hơn 160 ha ở 2 xã Thiên Lộc và Thuần Thiện, người trồng hành đang hy vọng có thu nhập khá vào những ngày giáp tết. (Ảnh chụp tại xã Thuần Thiện).
Thu hoạch từ đầu tháng 9 âm lịch, đến nay, 2 sào hành (trong đó có 1 sào hành tăm và 1 sào hành lá) của bà Nguyễn Thị Nhung đã cho nguồn thu ổn định với mức bình quân 200-300 ngàn đồng/ngày. “Hiện tại chúng tôi thu hoạch theo hình thức nhổ tỉa để bán vừa duy trì nguồn thu hàng ngày, vừa có sản phẩm bán trong dịp tết”, chị Nhung cho biết.
Thời điểm hiện tại, 60 ha hành ThuầnThiện đang có đầu ra tương đối ổn định.
Với sự chăm sóc của người dân và sự ủng hộ của thời tiết, hơn 160 ha hành ở 2 xã Thuần Thiện (60 ha) và Thiên Lộc (hơn 100 ha) đã và đang sẵn sàng phục vụ thị trường tết. Ngoài các phiên chợ quê và theo chân thương lái, chính quyền và người dân địa phương đang nỗ lực đưa hành tăm Thiên Lộc và Thuần Thiện đến các gian hàng nông sản sạch trên địa bàn và các khu du lịch để phục vụ du khách và người tiêu dùng.
Can Lộc là địa bàn có lợi thế với nhiều mặt hàng nông sản sạch và các sản phẩm OCOP phục vụ thị trường tết như: giò lụa, bánh đa, rượu nếp, cam, hành tăm, dưa chuột, cà dừa, nấm rơm... Để nâng cao thu nhập cho bà con, đồng thời quảng bá sản phẩm, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị sẵn nguồn hàng, đồng thời nỗ lực tiêu thụ hàng nông sản qua nhiều hình thức như: bày bán tại các quầy hàng nông sản, tại các khu du lịch trên địa bàn, quảng bá rộng rãi trên các kênh, các trang mạng xã hội. Chúng tôi cũng sẽ lựa chọn những sản phẩm tiêu biểu để tham gia hội chợ các sản phẩm OCOP của tỉnh trong dịp tết nguyên đán.