Thương hiệu Cam Thượng Lộc được xây dựng, phát triển và ngày càng được thị trường ưa chuộng.
Với lợi thế về khí hậu, đất đai, nguồn nước… vùng trà sơn huyện Can Lộc đã được quy hoạch thành vùng phát triển cây ăn quả có múi, từ đó tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Từ những chính sách hỗ trợ của tỉnh và thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Can Lộc, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng HK-KT vào sản xuất.
Qua quá trình phát triển, cây ăn quả có múi đã trở thành cây xoá đói giảm nghèo, giúp người dân vùng trà sơn vươn lên làm giàu, có nhiều hộ đã cho thu nhập từ 500 triệu - 1 tỷ đồng/năm.
Nhiều hộ dân trong quá trình sản xuất đã áp dụng thâm canh theo hướng VietGAP, cho năng suất cao.
Hiện, tổng diện tích cây ăn quả có múi toàn huyện đạt 734 ha. Trong đó, có trên 543ha cam, còn lại là chanh, bưởi; tập trung ở các xã: Thượng Lộc, Mỹ Lộc, Gia Hanh,… Năm 2018, sản lượng cây ăn quả có múi của huyện đạt hơn 4.702 tấn, đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân.
Với mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng của địa phương, thời gian tới, huyện tập trung phát triển theo hướng đầu tư quy trình công nghệ chăm sóc, cải tạo thay thế dần những vườn cây ăn quả đã già cỗi. Đồng thời xây dựng vùng sản xuất hàng hóa theo quy trình an toàn nhằm phát triển bền vững thương hiệu sản phẩm cam Thượng Lộc; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm…
Huyện Can Lộc có chính sách đầu tư để phát triển hệ thống nhà lưới bảo vệ giống cam Thượng Lộc.
Theo đó, năm 2019, Can Lộc đặt mục tiêu đưa tổng diện tích cây ăn quả có múi đạt hơn 834 ha, trong đó cam đạt gần 614ha; hoàn thành và phát triển hệ thống nhà lưới sản xuất, bảo tồn phát triển giống cam Thượng Lộc tại xã Thượng Lộc.
Để triển khai hiệu quả kế hoạch sản xuất, huyện Can Lộc sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhân dân sản xuất theo hướng VietGAP; tập huấn, chuyển giao KHKT cho nông dân, thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam đat chất lượng…