Hà Tĩnh hết dịch tả lợn châu Phi

(Baohatinh.vn) - Thông tin từ Chi Cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, đến nay, 13/13 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã khống chế được dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Hà Tĩnh hết dịch tả lợn châu Phi

13/13 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh Hà Tĩnh đã hết DTLCP, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tăng, tái đàn lợn.

Trong năm 2020, bệnh DTLCP tái phát làm cho 92 con lợn ốm chết và buộc tiêu hủy ở 24 hộ thuộc 6 địa phương: Cẩm Xuyên (xã Cẩm Dương, Cẩm Thịnh, Yên Hòa, Cẩm Vịnh, Cẩm Duệ, Nam Phúc Thăng); Đức Thọ (xã Tùng Ảnh, Bùi La Nhân); Hương Khê (xã Phú Phong); TX. Kỳ Anh (phường Kỳ Phương); TX. Hồng Lĩnh (phường Nam Hồng); TP Hà Tĩnh (xã Thạch Bình).

Tổng khối lượng lợn mắc bệnh DTLCP phải tiêu hủy là 5,7 tấn.

Tại các địa phương này, tính đến đầu tháng 8/2020, DTLCP đã qua 30 ngày, không phát sinh thêm ca bệnh mới. Như vậy, hiện nay, có thể nói 13/13 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đều đã hết DTLCP.

Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức kiểm tra, thẩm định để các địa phương ban hành quyết định công bố hết bệnh DTLCP trên địa bàn, tạo điều kiện thúc đẩy tái đàn, phát triển chăn nuôi.

Hà Tĩnh hết dịch tả lợn châu Phi

Thực hiện cấp phát hoá chất để thường xuyên tiêu độc, khử trùng môi trường.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục cấp phát 19.900 lít hóa chất để thực hiện tiêu độc, khử trùng môi trường; chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm phòng vắc xin định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm nên kết quả tiêm phòng đợt 1 năm 2020 đạt khá.

Thời gian tới, đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn về các biện pháp chăn nuôi; khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng, tái đàn trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh, đặc biệt, lưu ý lựa chọn con giống có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, tiêm vắc xin đầy đủ... nhằm sớm ổn định lại nguồn cung thịt lợn cho thị trường.

Hà Tĩnh hết dịch tả lợn châu Phi

Hà Tĩnh khuyến khích tăng, tái đàn lợn trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật; tiến hành có hiệu quả, chất lượng các đợt phát động tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, nhất là tại vùng dịch, vùng bị ngập lụt và khu vực có nguy cơ phát sinh lây lan dịch bệnh cao…

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast