Hà Tĩnh: Sản lượng khai thác thủy sản 9 tháng ước đạt 32.327 tấn

(Baohatinh.vn) - Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về khai thác thủy sản, ngư dân tích cực bám biển vươn khơi nên sản lượng khai thác thủy sản 9 tháng năm 2023 của Hà Tĩnh ước đạt 32.327 tấn, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hà Tĩnh: Sản lượng khai thác thủy sản 9 tháng ước đạt 32.327 tấn

Những khoang thuyền đầy ắp cá đù của ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) sau chuyến vươn khơi.

Ngư dân Nguyễn Huy Dũng ở xã Xuân Hội (Nghi Xuân) cho biết: "Tàu cá chúng tôi có công suất hơn 200 CV, sử dụng 9 lao động, chuyên đánh bắt ở vùng khơi bằng nghề lưới vây. Những tháng đầu năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi, ngư trường ổn định nên chúng tôi thường xuyên bám biển vươn khơi. Bình quân mỗi chuyến biển kéo dài 2 - 3 ngày, mang về khoảng 1 - 1,3 tấn sản phẩm, cho thu nhập 20 - 23 triệu đồng. Trừ chi phí sản xuất, mỗi bạn nghề có thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/chuyến biển".

Anh Lê Anh Đức – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân thông tin: “Từ đầu năm đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng bà con ngư dân ở 9 xã ven biển của huyện Nghi Xuân đã tích cực bám biển vươn khơi, chăm lo sản xuất. Trong 9 tháng, đội tàu 820 chiếc (20 chiếc có chiều dài từ 12 đến hơn 24 m) của ngư dân trên địa bàn đã khai thác được 5.152 tấn hải sản các loại, tương đương với cùng kỳ năm ngoái và bằng 86% kế hoạch năm. Những tháng cuối năm, chúng tôi sẽ cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, động viên bà con đẩy mạnh hoạt động khai thác để đạt và vượt kế hoạch đề ra”.

Hà Tĩnh: Sản lượng khai thác thủy sản 9 tháng ước đạt 32.327 tấn

Đội tàu của ngư dân Lộc Hà hối hả ra khơi.

Cùng với Nghi Xuân, ngư dân các địa phương ven biển như: Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, TX Kỳ Anh cũng đang nỗ lực khắc phục khó khăn do luồng lạch ra vào bị bồi lắng, giá nhiên liệu tăng cao, đại đa số tàu thuyền công suất nhỏ... để duy trì nhịp điệu sản xuất. Hoạt động khai thác được các cấp, các ngành chức năng và bà con ngư dân gắn liền với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác bất hợp pháp, hạn chế các vi phạm khi đánh bắt. Nhờ vậy, sản lượng khai thác của đội tàu các địa phương được duy trì và cơ bản, đảm bảo an toàn khi sản xuất.

Hà Tĩnh: Sản lượng khai thác thủy sản 9 tháng ước đạt 32.327 tấn

Cá mú “khủng” nặng 17 kg được ngư dân Lộc Hà đánh bắt được ở khu vực biển gần đảo Mắt (Nghệ An).

Chị Nguyễn Thị Duyên - cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà thông tin: “Trên địa bàn hiện có đội tàu khai thác 305 chiếc với tổng công suất hơn 21.440 CV, chủ yếu của ngư dân Thạch Kim, thị trấn Lộc Hà và Thịnh Lộc. Trong 9 tháng qua, ngư dân trên địa bàn đã đánh bắt được 2.864 tấn cá, tôm, cua, mực, ghẹ và các loài nhuyễn thể khác. Trong quá trình sản xuất, các phòng ngành, lực lượng chức năng thường xuyên chỉ đạo và triển khai các giải pháp chống khai thác IUU”.

Hà Tĩnh: Sản lượng khai thác thủy sản 9 tháng ước đạt 32.327 tấn

Ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) chuẩn bị đá lạnh phục vụ bảo quản hải sản trong những chuyến đi biển dài ngày.

Hà Tĩnh hiện có 2.784 phương tiện đã đăng ký tàu cá, trong đó 96 tàu có chiều dài trên 15m hoạt động tại vùng khơi, 439 tàu có chiều từ 12 - 15m hoạt động tại vùng lộng và 2.249 tàu từ 6 - 12m hoạt động tại vùng ven bờ. Trong 9 tháng qua, toàn tỉnh đã cấp thêm 52 giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và 139 giấy phép khai thác thủy sản.

Ông Hồ Ngọc Diễn - cán bộ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Ngoài công tác chỉ đạo sát sao, hoạt động phục vụ sản xuất được quan tâm, ngư dân yêu lao động thì thời tiết 9 tháng qua tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác, ngư trường xuất hiện nhiều loài thủy sản như: mực, cá cam, cá chim, một số loài cá nổi nhỏ, ghẹ, ốc hương, ốc ruốc, sò lông... Nhờ vậy, tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh ước đạt 32.327 tấn (tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó, sản lượng khai thác biển ước đạt 28.888 tấn, khai thác nội địa 3.439 tấn”.

Hà Tĩnh: Sản lượng khai thác thủy sản 9 tháng ước đạt 32.327 tấn

Những mẻ lưới rùng kéo gần bờ đầy ắp cá của ngư dân Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà).

“Những tháng cuối năm, ngành thủy sản và các địa phương tập trung đôn đốc ngư dân khắc phục khó khăn, đầu tư phương tiện và ngư cụ để tăng sản lượng đánh bắt cao hơn năm ngoái. Đặc biệt, sẽ tập trung theo dõi sát ngư trường để có kế hoạch khai thác hiệu quả; tăng cường tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các chính sách, quy định pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tham mưu triển khai thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; đảm bảo khai thác an toàn trong mùa mưa bão...” - ông Hồ Ngọc Diễn thông tin thêm.

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Tỏi tía Lộc Yên được mùa, được giá – Nông dân đếm củ tính tiền

Tỏi tía Lộc Yên được mùa, được giá

Giống tỏi tía trồng ở Lộc Yên (Hương Khê, Hà Tĩnh) có vị cay đậm, nhiều tinh dầu nên rất được thị trường ưa chuộng. Vụ sản xuất năm nay, người trồng tỏi có thu nhập trung bình 15 - 20 triệu/sào.
Lúa thì con gái chờ ngày đơm bông

Lúa thì con gái chờ ngày đơm bông

Giữa khúc giao mùa cuối xuân, đầu hạ, những cánh đồng lúa lại rạo rực vào thì con gái, chuẩn bị cho hành trình sinh trưởng mới giữa những mong ngóng, đợi chờ của người nông dân.
Mùa “săn” sản vật biển ở Hà Tĩnh

Mùa “săn” sản vật biển ở Hà Tĩnh

Sở hữu ngư trường rộng lớn cùng nguồn hải sản phong phú, giá trị, mùa hè là lúc ngư dân các làng chài ven biển Hà Tĩnh hào hứng ra khơi, mang về "lộc biển" phục vụ khách du lịch gần xa.
Trúng đậm cá trích, ngư dân Thạch Lạc kiếm tiền triệu mỗi chuyến ra khơi

Ngư dân Thạch Lạc trúng đậm cá trích

Thời tiết thuận lợi, ngư dân xã Thạch Lạc (Hà Tĩnh) liên tiếp trúng đậm cá trích. Có những thuyền chỉ sau 4 - 5 giờ ra khơi mang về thu nhập hàng chục triệu đồng.
Niềm vui hiến đất mở đường ở xóm đạo toàn tòng

Niềm vui hiến đất mở đường ở xóm đạo toàn tòng

Hy sinh lợi ích, bà con giáo dân thôn Vĩnh Phúc đã tích cực hiến đất và tài sản trị giá hàng tỷ đồng để mở đường giao thông, góp phần xây vùng quê nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).
Biến rác thải thành hàng trăm tấn phân bón hữu cơ

Biến rác thải thành hàng trăm tấn phân bón hữu cơ

Mô hình "Tổ hợp tác xử lý rác hữu cơ" của Hội LHPN xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đi vào hoạt động không chỉ góp phần làm tốt công tác bảo vệ môi trường mà còn biến hàng trăm tấn rác thải thành nguồn phân bón hữu ích.