Hà Tĩnh ưu tiên nguồn lực, từng bước tiến tới mục tiêu xây dựng tỉnh nông thôn mới

(Baohatinh.vn) - Thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025”, Hà Tĩnh khẩn trương xây dựng kế hoạch, đường găng cụ thể, với quyết tâm đến năm 2025 đạt tỉnh nông thôn mới.

Hà Tĩnh ưu tiên nguồn lực, từng bước tiến tới mục tiêu xây dựng tỉnh nông thôn mới

Sau khi đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2019, Nghi Xuân tiếp tục đặt mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025.

Theo đề án, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, có 13/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó có ít nhất 3 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Nghi Xuân đạt NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch; 100% số xã đạt chuẩn NTM, ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và ít nhất 10% số xã đạt NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.

Chánh Văn phòng NTM tỉnh Trần Huy Oánh cho biết, để hoàn thành các mục tiêu cụ thể này, tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện trên các tiêu chí, đặc biệt là ưu tiên nguồn lực xây dựng NTM ở cấp xã và cấp huyện.

Theo đó, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các xã chưa đạt chuẩn thuộc huyện Hương Khê, huyện Kỳ Anh hoàn thành các nội dung, tiêu chí, đảm bảo 100% số xã đạt chuẩn NTM vào năm 2023, trong đó tập trung hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng KT-XH.

Đối với cấp huyện, tập trung chỉ đạo các huyện Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Lộc Hà đạt chuẩn NTM trong năm 2021; thị xã Kỳ Anh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2023; huyện Kỳ Anh, Hương Khê đạt chuẩn NTM trước năm 2024.

Hà Tĩnh ưu tiên nguồn lực, từng bước tiến tới mục tiêu xây dựng tỉnh nông thôn mới

Nâng cấp hệ thống hạ tầng thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tỉnh NTM

Ông Hà Văn Bình - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết, thực hiện bộ tiêu chí huyện NTM, đến nay, Cẩm Xuyên đạt chuẩn 7/9 tiêu chí. 2 tiêu chí còn lại (quy hoạch và giao thông) đạt trên 90% khối lượng công việc. Cẩm Xuyên đặt mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM trong tháng 6/2021; toàn huyện có 2 - 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Cũng theo ông Bình, việc xây dựng xã NTM nâng cao sẽ được huyện chỉ đạo các địa phương tập trung vào các tiêu chí quan trọng như: có hợp tác xã hoạt động hiệu quả và có hợp đồng liên kết sản xuất ổn định; có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn 3 sao trở lên; nâng thu nhập bình quân đầu người lên tối thiểu gấp 1,2 lần so với thu nhập của xã đạt chuẩn tại thời điểm công nhận…

Hà Tĩnh ưu tiên nguồn lực, từng bước tiến tới mục tiêu xây dựng tỉnh nông thôn mới

Ưu tiên và tập trung nguồn lực cho các huyện có hệ thống đường giao thông tỷ lệ đạt chuẩn thấp, như: Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh… nhằm phục vụ phát triển sản xuất, đời sống và kết nối các vùng có điều kiện khó khăn.

Thực hiện đề án tỉnh NTM, tỉnh cũng sẽ ưu tiên nguồn lực cho đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là các huyện miền núi, huyện tỷ lệ đạt chuẩn thấp như: Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh... nhằm phục vụ phát triển sản xuất, đời sống và kết nối, liên kết vùng.

Cùng với đó là hoàn thiện, bảo trì, tu bổ hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi liên xã, hệ thống kênh mương nội đồng ở các huyện. Đầu tư, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng văn hóa, y tế và giáo dục cho các công trình cấp huyện.

Hoàn thiện mạng lưới dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải theo hướng mỗi huyện, thành phố, thị xã có 1 đơn vị đầu mối thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải và quản lý toàn bộ các đơn vị, hợp tác xã, tổ, đội vệ sinh môi trường ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn cấp huyện.

Hà Tĩnh ưu tiên nguồn lực, từng bước tiến tới mục tiêu xây dựng tỉnh nông thôn mới

Để đảm bảo tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đến năm 2025 đạt tối thiểu 95%, cần tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống nhà máy xử lý rác thải tập trung quy mô, hiện đại, công suất 300-500 tấn/ngày, tại 2 khu vực: phía Bắc và phía Nam. Trong ảnh: Nhà máy xử lý rác thải Đức Thọ hiện đã vượt quá công suất, không đảm bảo xử lý rác thải cho huyện Đức Thọ.

Về giải pháp huy động nguồn lực, theo Chánh Văn phòng NTM tỉnh Trần Huy Oánh, sẽ tập trung đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa đầu tư, huy động tối đa nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Quan tâm phát triển các vùng kinh tế động lực tạo nguồn thu cho ngân sách để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó là rà soát cơ chế, chính sách đã ban hành; ban hành chính sách ưu tiên cho các huyện, xã, thôn chưa đạt chuẩn, củng cố nâng cấp các tiêu chí thiết thực nâng cao phúc lợi cho các đối tượng cư dân nông thôn, các tiêu chí phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường…

Với những nội dung cụ thể, đường găng tiến độ được vạch ra theo lộ trình từng năm sẽ được các sở, ngành, địa phương và Nhân dân triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Hà Tĩnh đạt chuẩn tỉnh NTM theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast