Hải trình câu mực biển với ngư dân Lộc Hà

(Baohatinh.vn) - Đã thành thói quen, khi mặt trời sắp khuất núi, từng cơn gió nồm từ biển mát rượi ùa vào thì người dân thôn Hồng Phong, xã Thịnh Lộc (Lộc Hà - Hà Tĩnh) lại bắt đầu chuẩn bị cho một chuyến đi biển mới. Lên thuyền của một ngư dân lành nghề tên Giao, chúng tôi bắt đầu hành trình một cuộc trải nghiệm đi tìm quà tặng của biển khơi...

hai trinh cau muc bien voi ngu dan loc ha

Ngay khi vừa buông neo, đèn đã được đỏ lên để thu hút mực.

Khoảng 17h30’, trên bãi neo đậu tàu thuyền của thôn Hồng Phong dường như đông đúc hơn bởi mọi người đang gấp rút thực hiện xong những công việc cuối cùng cho một chuyến đi câu mực trong vùng lộng. Tiếng nói cười, hỏi thăm, động viên và chúc nhau đi câu thắng lợi xen lẫn trong tiếng sóng vỗ ồn ào, tiếng máy nổ râm ran.

Sau khoảng 20 phút, khi việc chuẩn bị đã hoàn tất, thuyền của Giao rời bến đỗ và không lâu sau đó, những con thuyền khác cũng lần lượt vượt sóng vươn xa. Trên bờ, trước lúc trở về, những người phụ nữ ra bến phụ giúp vẫn đưa ánh mắt nhìn theo với niềm hy vọng sẽ có một chuyến đi an toàn, nhiều mực...

Sau hơn một tiếng “đè sóng, ngược gió”, thuyền của chúng tôi đã đến được khu vực mà Giao thường đánh bắt và thả neo. Không chút nghỉ ngơi, người ngư dân lành nghề này nhanh chóng chuẩn bị đèn chiếu sáng để thu hút mực, vợt xúc, 2 sợi dây dài 25m cột nhiều sợi kim tuyến và điểm cuối có gắn cục chì, 2 cần câu để cho chúng tôi trải nghiệm cùng một số phương tiện khác phục vụ cho đánh bắt.

Lúc này, mặt biển đã tối sẫm, gió nồm vẫn thổi mạnh, sóng liên tục vỗ ì oạp vào mạn thuyền, con thuyền lắc lư, chao đảo. Hướng mắt nhìn ra xa, ngoại trừ đất liền, còn 3 phía xung quanh đều ngập tràn ánh sáng lấp lánh của những con thuyền đang đi tìm “quà tặng” của biển khơi...

hai trinh cau muc bien voi ngu dan loc ha

Chủ thuyền Giao khá phấn khởi trước những thành quả lao động đầu tiên...

Đỏ đèn được chừng vài chục phút, đôi tay lành nghề của Giao đều đặn vừa kéo, vừa giật nhẹ từng sợi dây có kim tuyến để nhử lũ mực. Ngay bên cạnh, chiếc vợt đã được chuẩn bị sẵn, chỉ chực con nào ngoi lên là nhanh tay xúc mạnh. Chỉ dăm phút sau, chủ thuyền đã có sản phẩm đầu tiên khi một chú mực cơm nằm lọt thỏm trong vợt, mắt lồi to, miệng phun nước và phát ra âm thanh phịt...! phịt...! Và cứ thế, công việc của ngư dân này cứ tiếp tục hàng giờ đồng hồ và số lượng mực xúc được cũng tăng lên nhanh chóng.

Giao chia sẻ thêm, từ tháng 3 đến cuối tháng 7 âm lịch, mực theo con nước từ ngoài khơi vào vùng lộng để ăn cá nhỏ và đẻ trứng nên khi trời yên, biển lặng thì dân làng chài ven biển sẽ đi đánh bắt. Hiện tại, thôn có khoảng 70 hộ bám biển để mưu sinh. Bình quân mỗi đêm, mỗi thuyền 1-2 lao động được 5-7 kg, trừ các chi phí cũng được 500-700 ngàn đồng.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng ổn định, đêm nào may mắn thì được nhiều hơn, nhưng cũng có khi mực không lên thì chỉ được một vài cân. Sau khi trừ chi phí thì được khoảng dăm trăm ngàn đồng/chuyến, đủ để trang trải sinh hoạt thường ngày và có thêm chút để làm việc này, việc khác. Và trong sâu thẳm của những lời chia sẻ ấy, tôi cảm nhận được mong ước chinh phục biển khơi bằng những tàu công suất lớn, có đèn ánh sáng rộng để đánh bắt xa, câu mực lớn, đem về nguồn thu nhập cao của người ngư dân yêu lao động này...

Đến gần 11h đêm, con nước bắt đầu trở, nước chuyển sang màu đục, sóng nhỏ hơn, gió nồm ngưng thổi để đón gió nam từ đất liền. Đây là thời điểm khá ít sóng, nước đục, mực không đóng đèn nên chúng tôi nghỉ ngơi, nằm trên khoang thuyền để cảm nhận cảm giác đặc biệt trong không gian trên biển về đêm.

hai trinh cau muc bien voi ngu dan loc ha

Những con mực câu to nhất được tuyển lựa đưa vào các nhà hàng

Chúng tôi đã được Giao kể về kỷ niệm những chuyến đi biển, về tình yêu của dân làng đối với biển cả, về những món quà mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng và cả những câu chuyện về những người con quê biển đánh cá giỏi, giàu tình yêu thương, dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm... Khi con nước, hướng gió dần ổn định, công việc lại bắt đầu. Giao lại đều đặn giật dây kim tuyến nhử mực lên và xúc, chúng tôi lại tiếp tục trải nghiệm qua chiếc cần câu cho đến 4h30’ sáng...

Trời chưa kịp sáng, thuyền của Giao đã cập bến, tiếng máy nổ của các thuyền khác cũng nghe rõ dần. Chuyến câu dẫu không thực sự may mắn nhưng cũng thu về kha khá và chủ thuyền đã dành một phần để thiết đãi chúng tôi. Đến khi mặt trời nhô lên, những người nông dân ra đồng, các bà vợ mang mực ra chợ bán thì cũng là lúc Giao và những người đi biển dần chìm vào giấc ngủ. Và tôi đoán rằng, hương vị mặn mòi của biển cả, mùi thơm ngon của mực tươi và cả mong ước chinh phục biển khơi xa sẽ quyện vào giấc mơ của những người đi biển...

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Chè vằng Cẩm Mỹ hướng tới sản phẩm OCOP

Chè vằng Cẩm Mỹ hướng tới sản phẩm OCOP

Nhiều hộ dân ở xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) đã mở rộng diện tích, đầu tư công nghệ để tạo ra sản phẩm hàng hóa, đưa lại nguồn thu nhập bền vững từ cây chè vằng. Địa phương tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP chè vằng.
Phủ xanh những vùng đất hoang hóa, bạc màu

Phủ xanh những vùng đất hoang hóa, bạc màu

Người dân một số địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung cải tạo những vùng đất ven biển bị hoang mạc hóa do biến đổi khí hậu, lựa chọn cây trồng phù hợp đưa vào sản xuất. Từ đó không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần phủ xanh đất đai hoang hóa, cải tạo môi trường.
Hà Tĩnh quyết tâm sớm hoàn thành mục tiêu tỉnh nông thôn mới

Hà Tĩnh quyết tâm sớm hoàn thành mục tiêu tỉnh nông thôn mới

Hà Tĩnh đang bước vào giai đoạn cao điểm cho mục tiêu tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Những tuyến đường mở rộng, những khu dân cư kiểu mẫu hình thành, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao…
Duy trì nhịp điệu xây dựng nông thôn mới

Duy trì nhịp điệu xây dựng nông thôn mới

Sự đồng lòng của người dân Hà Tĩnh trong triển khai các hoạt động xây dựng nông thôn mới không chỉ góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí mà còn thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.
Nhiều loại sâu bệnh gây hại lúa xuân cuối vụ

Nhiều loại sâu bệnh gây hại lúa xuân cuối vụ

Thời tiết Hà Tĩnh duy trì hình thái nhiều mây, có mưa rào, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát sinh, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa thời kỳ trổ tập trung.
Đổi đời nhờ nghề nuôi ong ở Đức Lạng

Đổi đời nhờ nghề nuôi ong ở Đức Lạng

Năm 2024, Chi hội nghề nghiệp Nuôi ong lấy mật xã Đức Lạng (Đức Thọ, Hà Tĩnh) thành lập với gần 50 hội viên tham gia, trở thành nền tảng để đưa thương hiệu mật ong vươn xa.
Người cựu binh kiên trì xây làng, dựng nghiệp

Người cựu binh kiên trì xây làng, dựng nghiệp

Trở về từ quân ngũ, ông Nguyễn Kiến Quốc - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phú (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã hăng hái cùng người dân xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế từ nghề nuôi ong.