“Lực đẩy” từ chính sách khuyến khích phát triển đối với các hộ nuôi tôm Kỳ Anh

(Baohatinh.vn) - Sau gần 2 năm triển khai, chính sách hỗ trợ nuôi thâm canh thuỷ sản mặn, lợ theo Nghị quyết 105/ NQ-HĐND ngày 5/1/2021 của HĐND huyện Kỳ Anh đã và đang được người dân “hấp thu” mạnh mẽ.  

Sau nhiều vụ cho thu nhập khá ổn định, vụ nuôi xuân hè năm nay, ông Phan Công Thủy ở thôn Tân Thọ, xã Kỳ Thọ (Kỳ Anh) tiếp tục cải tạo ao đầm và thả nuôi 10 vạn con tôm thẻ chân trắng trên diện tích 1,5 ha theo hình thức quảng canh.

“Lực đẩy” từ chính sách khuyến khích phát triển đối với các hộ nuôi tôm Kỳ Anh

Tôm của gia đình ông Thủy đang thời kỳ phát triển bị chết hàng loạt do bệnh phân trắng.

Không suôn sẻ như vụ xuân hè năm trước, sau gần 40 ngày thả nuôi, khi đạt trọng lượng gần 200 con/kg thì tôm bắt đầu có hiện tượng thải phân trắng, ăn kém, đến bỏ ăn và chết hàng loạt.

Mặc dù theo thời gian sinh trưởng và phát triển của tôm, ít nhất phải sau 70 ngày mới thu hoạch nhưng để vớt vát một ít vốn bỏ ra, ông Thủy đã phải tiến hành thu “non” số tôm sống sót với sản lượng vỏn vẹn 1 tấn, trong khi các vụ trước, với 10 vạn con tôm giống, sản lượng đạt trên 3 tấn.

“Lực đẩy” từ chính sách khuyến khích phát triển đối với các hộ nuôi tôm Kỳ Anh

Mặc dù chưa đủ thời gian nhưng ông Thủy đã phải tiến hành thu hoạch “non” số tôm sống sót còn lại để gỡ vốn.

Ông Thủy chia sẻ: “Năm nay tôm bị bệnh và chết nhiều là do thời tiết bất lợi. Đặc điểm của tôm nuôi là ưa nắng nhưng trong quá trình nuôi, số ngày nắng rất ít, mưa lại nhiều nên không chỉ sản lượng đạt kém (bằng 1/3 so với năm trước) mà số tôm thu sớm giá bán rất thấp, không đủ chi phí đầu tư”.

Không chỉ với hộ ông Thủy, vụ xuân hè năm nay, hầu hết các diện tích nuôi tôm quảng canh (trên 150 ha) ở Kỳ Thọ đều bị thiệt hại khá nặng nề do ảnh hưởng của thời tiết bất thuận. Tuy nhiên, cũng trên đồng tôm thôn Tân Thọ, trong khi ông Phan Công Thủy và nhiều hộ nuôi quảng canh bị thiệt hại nặng thì hộ anh Phan Văn Sơn lại không mấy ảnh hưởng do hồ nuôi đã được vỗ bờ bằng bột đá - xi măng.

“Lực đẩy” từ chính sách khuyến khích phát triển đối với các hộ nuôi tôm Kỳ Anh

Một góc hồ tôm sau khi được đầu tư vỗ bờ của gia đình anh Phan Văn Sơn.

Với tổng diện tích 3ha, vụ nuôi xuân hè này, cùng với 100 triệu đồng được hỗ trợ theo Nghị quyết 105/NQ-HĐND, anh Sơn mạnh dạn đầu tư hơn 300 triệu đồng vỗ bờ 3 ha ao nuôi và tiến hành thả 20 vạn con giống. Mặc dù thả nuôi có chậm lịch thời vụ nhưng đến thời điểm này (xuống giống được trên 40 ngày), tôm phát triển rất nhanh và không bị nhiễm bệnh.

Theo ước tính, trong điều kiện bình thường thì chỉ khoảng 1 tháng nữa, số tôm này sẽ cho thu hoạch với sản lượng ít nhất là 4 tấn.

“Lực đẩy” từ chính sách khuyến khích phát triển đối với các hộ nuôi tôm Kỳ Anh

Từ khi có thông tin tôm bị dịch phân trắng trên địa bàn, anh Sơn luôn chủ động kiểm tra để có biện pháp xử lý

Theo anh Phan Văn Sơn, việc đầu tư vỗ bờ bằng bột đá - xi măng cho hồ nuôi cần số kinh phí khá lớn nhưng trong quá trình nuôi, bước đầu cho thấy, nếu nuôi trong ao được vỗ bờ sẽ hạn chế được rất nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động. Nhất là khi con tôm thẻ vốn rất nhạy cảm, đặc biệt là với thời tiết thất thường, điều mà nuôi ở hồ đất tự nhiên không thể có được.

“Vụ xuân hè, do chậm lịch thời vụ nên gia đình không kịp đầu tư vỗ bờ hết diện tích. Với hiệu quả rõ rệt, trong vụ tới tôi sẽ tiếp tục vỗ bờ 1ha còn lại, đồng thời từng bước đầu tư nâng cấp để nuôi thâm canh, nâng cao thu nhập” - anh Sơn cho biết.

Tại xã Kỳ Văn, hộ ông Nguyễn Đức Mậu ở thôn Cầu Cao cũng đã có vụ thứ hai nuôi tôm trong ao đã được vỗ bờ. Sau nhiều năm nuôi quảng canh với thu nhập bấp bênh, bắt đầu từ vụ xuân hè 2022, ông đăng ký nhận hỗ trợ vốn theo Nghị quyết 105 của huyện Kỳ Anh, đầu tư vỗ bờ toàn bộ diện tích gần 1,3 ha hồ nuôi của gia đình.

“Lực đẩy” từ chính sách khuyến khích phát triển đối với các hộ nuôi tôm Kỳ Anh

Cùng với đầu tư vỗ bờ, ao nuôi tôm của ông Mậu cũng được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật để nuôi thâm canh.

Cùng với đó, ông đã đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng nuôi với nhiều hạng mục gồm: quạt nước, giếng khoan, máy bơm, sửa chữa ao lắng… với tổng trị giá gần 300 triệu đồng.

Từ chỗ chỉ thả nuôi được từ 10 - 15 vạn con giống, sau khi đầu tư vỗ bờ, vụ xuân hè này ông Mậu thả nuôi trên 50 vạn con giống. Vừa rồi ông thu được 5 tấn tôm thương phẩm, doanh thu trên 700 triệu đồng.

“Lực đẩy” từ chính sách khuyến khích phát triển đối với các hộ nuôi tôm Kỳ Anh

Ông Mậu đang sử dụng chế phẩm sinh học để phòng bệnh cho tôm.

Vụ hè thu này, ông tiếp tục thả nuôi 40 vạn con giống. Sau hơn 1 tháng, mặc dù tôm có phát triển chậm hơn vụ xuân hè, một số kém ăn và đã xuất hiện bệnh phân trắng nhưng nhờ được đầu tư đồng bộ và nuôi theo hình thức thâm canh nên ông đã kịp thời chăm sóc và khống chế được bệnh. Hiện tôm đã đạt trọng lượng trên 100 con/kg.

Ông Mậu chia sẻ: “Trước đây nuôi quảng canh rất bấp bênh. Mỗi khi thả con giống xuống nước là coi như phó thác cho trời. Bây giờ đầu tư nuôi thâm canh, mọi khâu đều được mình chủ động điều chỉnh nên tránh được rất nhiều tác động bất lợi của thời tiết”.

Kỳ Anh là một trong những địa phương nuôi tôm lớn, với tổng diện tích nuôi cả năm trên 500 ha. Hiện số diện tích thực khai thác là 442 ha; diện tích đã được đầu tư nuôi thâm canh là 82,5 ha; trong đó, có 27,06 ha được vỗ bờ theo Nghị quyết 105/NQ - HĐND của HĐND huyện.

Nghị quyết 105/NQ - HĐND về một số chính sách thực hiện Đề án khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023 đã sớm được hấp thụ trong sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực nuôi tôm, chủ yếu tập trung tại các xã: Kỳ Hải, Kỳ Thọ, Kỳ Thư, Kỳ Văn.

Theo chính sách hỗ trợ nuôi thâm canh thuỷ sản mặn, lợ tại Nghị quyết 105 /NQ-HĐND: Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp ao nuôi với kết cấu bờ ao được vỗ bằng hỗn hợp bột đá - xi măng, thực hiện nuôi thâm canh, có quy mô liền vùng, liền ao tối thiểu 0,5 ha/tổ chức, cá nhân, được hỗ trợ kinh phí vỗ cứng bờ ao, mức hỗ trợ 50.000.000 đồng/ha, tối đa 100.000.000 đồng/tổ chức, cá nhân.

Với chính sách hỗ trợ đó, ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân nuôi tôm ở huyện Kỳ Anh mạnh dạn đầu tư chuyển đổi từ nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh vỗ bờ bằng bột đá - xi măng nhằm phát huy hiệu quả sử dụng diện tích mặt nước và tăng năng suất, sản lượng.

Triển khai chính sách trong 2 năm nay, hiện toàn huyện có 34 hộ đã và đang triển khai vỗ bờ ao nuôi theo Nghị quyết 105/NQ-HĐND của HĐND huyện. Nếu như năm 2021 - năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết 105/NQ-HĐND, Kỳ Anh mới giải ngân kinh phí hỗ trợ đầu tư vỗ bờ 180 triệu đồng thì năm 2022, người nuôi tôm sẽ được hỗ trợ khoảng 1,3 tỷ đồng...

“Lực đẩy” từ chính sách khuyến khích phát triển đối với các hộ nuôi tôm Kỳ Anh

Một hộ dân xã Kỳ Thư đang cải tạo ao từ nuôi quảng canh sang nuôi tôm thâm canh.

Vụ tôm xuân hè vừa qua, thời tiết bất lợi khiến các diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến bị dịch bệnh, thiệt hại khá nặng. Trong khi đó, các hộ nuôi thâm canh vỗ bờ chịu ảnh hưởng không đáng kể. Điều này một lần nữa khẳng định tính vượt trội của việc đầu tư vỗ bờ, nuôi thâm canh so với nuôi quảng canh, đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đối tượng nuôi.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh Trần Bá Toàn

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Phủ xanh những vùng đất hoang hóa, bạc màu

Phủ xanh những vùng đất hoang hóa, bạc màu

Người dân một số địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung cải tạo những vùng đất ven biển bị hoang mạc hóa do biến đổi khí hậu, lựa chọn cây trồng phù hợp đưa vào sản xuất. Từ đó không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần phủ xanh đất đai hoang hóa, cải tạo môi trường.
Hà Tĩnh quyết tâm sớm hoàn thành mục tiêu tỉnh nông thôn mới

Hà Tĩnh quyết tâm sớm hoàn thành mục tiêu tỉnh nông thôn mới

Hà Tĩnh đang bước vào giai đoạn cao điểm cho mục tiêu tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Những tuyến đường mở rộng, những khu dân cư kiểu mẫu hình thành, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao…
Duy trì nhịp điệu xây dựng nông thôn mới

Duy trì nhịp điệu xây dựng nông thôn mới

Sự đồng lòng của người dân Hà Tĩnh trong triển khai các hoạt động xây dựng nông thôn mới không chỉ góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí mà còn thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.
Nhiều loại sâu bệnh gây hại lúa xuân cuối vụ

Nhiều loại sâu bệnh gây hại lúa xuân cuối vụ

Thời tiết Hà Tĩnh duy trì hình thái nhiều mây, có mưa rào, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát sinh, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa thời kỳ trổ tập trung.
Đổi đời nhờ nghề nuôi ong ở Đức Lạng

Đổi đời nhờ nghề nuôi ong ở Đức Lạng

Năm 2024, Chi hội nghề nghiệp Nuôi ong lấy mật xã Đức Lạng (Đức Thọ, Hà Tĩnh) thành lập với gần 50 hội viên tham gia, trở thành nền tảng để đưa thương hiệu mật ong vươn xa.
Người cựu binh kiên trì xây làng, dựng nghiệp

Người cựu binh kiên trì xây làng, dựng nghiệp

Trở về từ quân ngũ, ông Nguyễn Kiến Quốc - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phú (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã hăng hái cùng người dân xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế từ nghề nuôi ong.
Mùa mật ong kém vui ở Vũ Quang

Mùa mật ong kém vui ở Vũ Quang

Thay vì rộn ràng thu hoạch những giọt mật đầu vụ như các năm trước, năm nay, người dân huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang trải qua một mùa mật ong chính vụ kém vui.
Hà Tĩnh với chặng nước rút góp phần gỡ thẻ vàng IUU

Gỡ thẻ vàng IUU: Hà Tĩnh quyết liệt "chặng nước rút"

Đợt thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban Châu Âu được xem là thời điểm quyết định để Việt Nam gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU. Xác định rõ nhiệm vụ này, Hà Tĩnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong "chặng nước rút", đặc biệt tạo nên những thay đổi tích cực, nhất là trong nhận thức, trách nhiệm của ngư dân.