Người nuôi tôm xã Kỳ Hải (huyện Kỳ Anh) huy động máy móc cải tạo ao đầm, chuẩn bị thả giống xuân hè 2022.
Trên diện tích hơn 2,1 ha, anh Võ Xuân Cường (xã Kỳ Hải - huyện Kỳ Anh) đã mạnh dạn đầu tư gần 300 triệu đồng để cải tạo và quy hoạch tổng thể hệ thống ao hồ và các hạng mục phụ trợ cho vụ nuôi tôm xuân hè năm nay.
Anh Cường cho biết: “Hiện nay, hạ tầng ao nuôi tại khu vực này đã khá đồng bộ nhờ có chính sách hỗ trợ của huyện, vì thế, tôi đang tập trung huy động nhân lực, máy móc để nâng cao và vỗ bờ bằng xi măng. Việc này sẽ giúp người dân chuyển nhanh sang hướng nuôi tôm thâm canh, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, hạn chế dịch bệnh”.
Anh Lê Thành Viên (xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh) cũng quyết định cải tạo ao đầm để chuyển đổi hình thức nuôi theo hướng bán thâm canh và thâm canh trên diện tích 6.000 m2.
Cách đó không xa, anh Lê Thành Viên (xã Kỳ Hải) cũng quyết định cải tạo ao đầm để chuyển đổi hình thức nuôi theo hướng bán thâm canh và thâm canh. Anh Viên chia sẻ: “Sau nhiều năm nuôi tôm và các loại thủy sản khác theo hình thức quảng canh, gia đình thường xuyên gặp rủi ro như: tỷ lệ tôm giống sống thấp, dễ bị nhiễm bệnh, chất lượng không đồng đều… Vì thế, dù đầu tư ít nhưng lời lãi không đáng là bao.
Nhận thấy cần phải thay đổi để sản xuất có hiệu quả, tôi đã vay mượn thêm gần 200 triệu đồng để đầu tư nuôi theo hướng thâm canh. Tôi thuê máy tách 6.000 m2 thành 3 ao nhỏ, hoàn thiện lại hệ thống xử lý nước và môi trường khép kín gồm: kênh dẫn nước, hồ lắng bùn, kênh dẫn nước sau lắng, hồ xử lý cung cấp nước trở lại ao nuôi…”.
Người dân huyện Kỳ Anh được hỗ trợ nguồn vốn để vỗ bờ xi măng.
Vụ tôm xuân hè 2022, huyện Kỳ Anh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi từ nuôi quảng canh sang thâm canh công nghệ cao. Được biết, theo kế hoạch, huyện sẽ thả nuôi gần 500 ha với khoảng 180 triệu con tôm giống (chủ yếu tôm sú, tôm thẻ chân trắng), trong đó có trên 90 ha nuôi thâm canh công nghệ cao, tập trung tại các vùng nuôi trọng điểm như: xã Kỳ Thọ, xã Kỳ Thư, xã Kỳ Hải…
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh Trần Bá Toàn: “Huyện đã có kế hoạch hỗ trợ 10 - 12 mô hình vỗ bờ bằng xi măng (từ 50 - 100 triệu đồng/mô hình), đầu tư 11 tỷ đồng để nâng cấp 2 vùng nuôi thuộc xã Kỳ Thọ và xã Kỳ Thư như: hệ thống điện, hồ chứa, ao lắng, kênh dẫn nước… Huyện cũng đã cấp trên 6.000 tấn hóa chất để xử lý môi trường nuôi, cắt cử cán bộ hướng dẫn người dân cải tạo ao đầm, chọn và thả giống đảm bảo chất lượng, quản lý thức ăn và môi trường ao nuôi…".
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh vệ sinh ao hồ, xử lý môi trường nuôi theo hướng dẫn.
Những ngày qua, nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng tại huyện Lộc Hà cũng đang tất bật cải tạo ao đầm để chuẩn bị thả giống vụ mới.
Anh Trần Đình Khởi (thôn Phong Phú, xã Hộ Độ) chia sẻ: "Tranh thủ thời tiết thuận lợi, chúng tôi tiến hành vệ sinh thật kỹ nhằm loại bỏ mầm bệnh tồn dư trong ao nuôi; xử lý hệ thống kênh cấp, thoát nước, ao lắng; cải tạo lại hệ thống bờ kè đảm bảo cho vụ nuôi thắng lợi. Dự tính năm nay sẽ thả trên 1,2 triệu con giống trên diện tích 3,0 ha. Nguồn giống có sẵn tại công ty, chỉ chờ xử lý môi trường xong là chúng tôi sẽ tiến hành thả nuôi theo lịch thời vụ”.
Sau khi vệ sinh, dọn dẹp, hóa chất được sử dụng để tiêu độc, khử trùng, diệt mầm bệnh, đảm bảo cho vụ nuôi thắng lợi.
Được biết, theo khung lịch thời vụ năm 2022 của Sở NN&PTNT, tôm thẻ có thể bắt đầu thả giống từ đầu tháng 3 dương lịch và tôm sú là từ tháng 4. Toàn tỉnh dự kiến sẽ sản xuất trên diện tích hơn 2.230 ha với gần 925 triệu con giống. Trong đó, TP Hà Tĩnh 220 ha, thị xã Kỳ Anh 500 ha, huyện Kỳ Anh 500 ha, Cẩm Xuyên 250 ha, Thạch Hà 270 ha, huyện Lộc Hà 110 ha, Nghi Xuân 380 ha.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) cho biết: “Ngành chuyên môn đã tiến hành kiểm tra môi trường tại các vùng nuôi tập trung với các chỉ tiêu độ sâu ao, pH, độ mặn, đồng thời thu nhiều mẫu tôm tự nhiên để phân tích, cảnh báo cho người dân chủ động phòng ngừa dịch bệnh ngay từ đầu vụ".
Ngành chuyên môn đã tiến hành kiểm tra môi trường tại các vùng nuôi tập trung.
"Để tăng năng suất trên một đơn vị diện tích, các địa phương cần đầu tư các giải pháp như: áp dụng quy trình nuôi tiên tiến; nâng cấp ao đầm bảo đảm yêu cầu kỹ thuật; khuyến cáo người nuôi nên ương dưỡng và sử dụng con giống cỡ lớn để nuôi thương phẩm... Để thực hiện được điều này, các cơ sở cần xây dựng bể, ao ương để ương dưỡng giống trước khi thả nuôi ít nhất 20 ngày để hạn chế rủi ro.
Về phía người nuôi tôm, cần sử dụng giống tốt, kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, mùa vụ thả nuôi, sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật; tăng cường công tác quản lý môi trường và phòng ngừa dịch bệnh để đảm bảo vụ nuôi thắng lợi” - bà Thúy khuyến cáo thêm.