Phòng chống dịch viêm da nổi cục trên trâu bò ở Hà Tĩnh khó khăn hơn khi tết cận kề

(Baohatinh.vn) - Trong lúc chờ kết quả tiêm phòng thí điểm vắc-xin vừa qua, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại Hà Tĩnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

Phòng chống dịch viêm da nổi cục trên trâu bò ở Hà Tĩnh khó khăn hơn khi tết cận kề

Các địa phương tổ chức phun tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục.

Khó khăn trong công tác phòng chống dịch ở các địa phương

Ngày 6/1, hộ chăn nuôi tại xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) phát hiện các dấu hiệu lạ trên đàn bò và huyện đã cho tiến hành lấy mẫu xét nghiệm thì cho kết quả dương tính với dịch viêm da nổi cục. Loại dịch này đang tiếp tục lây lan nhanh tại địa phương, liên tiếp phát hiện thêm trâu, bò nhiễm bệnh.

Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ Nguyễn Văn Dương cho biết: “Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch, chính quyền xã đã triển khai các biện pháp theo hướng dẫn như thành lập ban chỉ đạo, rà soát lại tổng đàn, phun tiêu độc khử trùng, phân công cán bộ đi kiểm tra tại các thôn có nhiều hộ bị nhiễm bệnh…

Tuy nhiên, vì đây là dịch bệnh lần đầu xuất hiện nên quá trình chỉ đạo còn hạn chế, lúng túng, hơn nữa, xã lại là địa phương có tổng đàn trâu, bò lớn, đứng tốp đầu của huyện (trên 3.700 con), mật độ chăn nuôi này. Đặc biệt, thức ăn dự trữ tại xã cạn kiệt do trận lũ lịch sử vào tháng 10/2020 nên việc yêu cầu người dân thực hiện nghiêm nuôi, nhốt vật nuôi ở nhà nhất là ở các vùng có dịch càng khó khăn hơn”.

Phòng chống dịch viêm da nổi cục trên trâu bò ở Hà Tĩnh khó khăn hơn khi tết cận kề

Người dân xã thôn Mỹ Lâm (Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên) phun thuốc diệt muỗi, mòng...

Theo ông Phan Xuân Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuyên, đến nay, dịch viêm da nổi cục đã xuất hiện trên đàn gia súc 56 con, thuộc 4 xã Cẩm Mỹ, Yên Hoà, Cẩm Thịnh, Cẩm Hưng. Đây là loại dịch bệnh mới nên vẫn chưa có phác đồ điều trị cụ thể, chi tiết. Đàn trâu, bò của huyện tập trung ở các vùng đồi, núi người dân quen chăn thả theo bầy đàn trong rừng nên càng lây lan nhanh. Cùng với đó, ở địa bàn, dịch tả lợn châu Phi cũng đang diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn.

Phòng chống dịch viêm da nổi cục trên trâu bò ở Hà Tĩnh khó khăn hơn khi tết cận kề

Chăn thả tự nhiên là tập quán chăn nuôi phổ biến của người dân tại khu vực đồi núi của huyện Cẩm Xuyên như xã Cẩm Mỹ, Cẩm Hưng...

Qua khảo sát thực tế tại huyện Thạch Hà, theo đánh giá của ngành chuyên môn, dù chính quyền cơ sở đã tổ chức bổ cứu, hướng dẫn nhưng ý thức phòng chống dịch bệnh của nhiều hộ chăn nuôi ở một số địa phương vẫn còn rất hạn chế.

Chuồng trại không được dọn dẹp thường xuyên, ẩm thấp, chất thải chăn nuôi không có hố ủ riêng bên ngoài làm các loài muỗi, mòng… phát triển rất nhiều, truyền bệnh cho vật nuôi. Thời tiết giá lạnh nên sức khỏe đàn trâu bò bị ảnh hưởng, dễ bị nhiễm bệnh và chết hơn.

Phòng chống dịch viêm da nổi cục trên trâu bò ở Hà Tĩnh khó khăn hơn khi tết cận kề

Người dân vẫn còn thiếu ý thức trong vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, chất thải, rơm rạ bỏ lộn xộn tạo điều kiện ruồi, muỗi, mòng... phát triển.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh vào thời điểm cận Tết Nguyên đán

Theo quy luật, nhu cầu thực phẩm cung cấp cho dịp tết Nguyên đán sắp tới rất lớn nên lưu lượng buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia tăng tiếp tục gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh gia súc gia cầm nói chung trong đó có dịch viêm da nổi cục.

Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu (Lộc Hà) Nguyễn Đức Quang: “Người dân ở đây thường vỗ béo để xuất vào đợt cận tết với lại năm nay giá bò lại đang tăng cao, chắc chắn hoạt động mua bán càng sôi động. Vì đây là khoản thu nhập lớn đối với bà con dịp cuối năm nên rất khó cho các cấp chính quyền khi tuyên truyền, hướng dẫn. Nhận định được tình hình đó, xã cũng đã chỉ đạo cán bộ trực tiếp theo dõi tại các ổ dịch, lò mổ trên địa bàn nhất là trong giai đoạn này”.

Phòng chống dịch viêm da nổi cục trên trâu bò ở Hà Tĩnh khó khăn hơn khi tết cận kề

Nhu cầu giết mổ, tiêu thụ thịt bò của người dân tăng cao dịp cuối năm.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Khắc Khánh, hiện nay, các địa phương (Lộc Hà, Thạch Hà) đang tập trung hoàn thành tiêm thí điểm 2 loại vắc-xin phòng chống viêm da nổi cục trên trâu, bò là LumpyShield nhập khẩu từ Jordan và Lumpyvac nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng trong giai đoạn chờ thực hiện lấy mẫu máu của trâu, bò (42 ngày sau tiên phòng) để tiến hành xét nghiệm và đánh giá hiệu quả, làm căn cứ tiêm phòng trên diện rộng thì ngành chuyên môn tiếp tục cảnh báo nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp khi nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ các loại thịt cho dịp lễ, tết tăng nhanh.

Phòng chống dịch viêm da nổi cục trên trâu bò ở Hà Tĩnh khó khăn hơn khi tết cận kề

Việc tiêm thí điểm vắc-xin phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục đã được tiến hành sau đó phải chờ lấy mẫu máu để kiểm tra hiệu quả của vắc - xin.

Đề nghị các địa phương, cơ quan thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm theo công văn của UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng vừa ban hành. Trong đó, cần lưu ý lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm trong quản lý, thực thi nhiệm vụ chuyên môn và các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm vi phạm quy định.

Đối với trâu, bò đang trong quá trình tiêm thí điểm vắc-xin viêm phòng chống dịch da nổi cục, thực hiện ký cam kết với hộ chăn nuôi tuyệt đối không buôn bán, giết mổ để theo dõi hiệu quả của vắc-xin và không cho trâu bò vừa mới được tiêm phòng tiếp xúc với trâu bò đã bị nhiễm bệnh.

Chủ đề Dịch bệnh GS-GC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast