“Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”

(Baohatinh.vn) - “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, 20 năm qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Hà Tĩnh luôn nỗ lực, bền bỉ, thực hiện tốt sứ mệnh là “ngân hàng vì người nghèo”, góp phần quan trọng phát triển KT-XH tỉnh nhà.

Nỗ lực xây dựng mạng lưới vững mạnh

Buổi đầu mới thành lập, điều kiện hoạt động của chi nhánh khó khăn đủ bề. Trụ sở giao dịch từ tỉnh đến cơ sở đều phải thuê mượn nhà dân; trang thiết bị thiếu thốn; đội ngũ cán bộ chỉ có 7 người từ Ngân hàng No&PTNT Hà Tĩnh chuyển sang.

“Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”

Đội ngũ cán bộ, nhân viên Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh hội đủ năng lực, trách nhiệm, tâm huyết với nghề.

Ông Lưu Văn Minh - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh nhớ lại: “Sau khi đi vào hoạt động, Ngân hàng CSXH tỉnh vừa tổ chức nhận bàn giao 2 chương trình (cho vay hộ nghèo từ Ngân hàng No&PTNT Hà Tĩnh và cho vay giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước) vừa triển khai cho vay các chương trình tín dụng mới. Tuy vậy, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Ngân hàng CSXH Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh; sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể và nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, nhân viên, Ngân hàng CSXH tỉnh ngày càng lớn mạnh. Quy mô của chi nhánh hiện nay gồm hội sở tỉnh và 12 phòng giao dịch với 182 cán bộ, nhân viên hội đủ năng lực, trách nhiệm, tâm huyết với nghề. Ngân hàng CSXH tỉnh đã tham mưu cả hệ thống chính trị cùng tham gia, xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả”.

Đặc biệt, với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, Ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện cho vay, thu nợ, thu tiết kiệm dân cư tại xã; thu lãi, nhận tiền gửi tiết kiệm của tổ viên thuộc 3.118 tổ tiết kiệm và vay vốn tại nhà với hệ thống 216 điểm giao dịch/216 xã, phường, thị trấn.

Có thể nói, đây là mô hình hoạt động đặc thù, sáng tạo riêng có của Ngân hàng CSXH; là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, giúp triển khai các chương trình tín dụng chính sách hiệu quả, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận tín dụng ưu đãi. Qua đó, tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc quản lý vốn tín dụng chính sách.

“Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”

Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận tín dụng ưu đãi.

Ông Nguyễn Văn Trung - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh đánh giá: “2 thập kỷ hình thành và phát triển, Ngân hàng CSXH tỉnh đã làm tốt sứ mệnh là “ngân hàng vì người nghèo”. Đến 31/7/2022, tổng nguồn vốn của chi nhánh đạt 5.634,8 tỷ đồng (tăng 5.396,7 tỷ đồng và gấp 23,7 lần so với năm 2003). Từ 2 chương trình tín dụng khi mới thành lập, đến nay, chi nhánh đã triển khai 17 chương trình tín dụng với doanh số cho vay trong 20 năm đạt 18.006 tỷ đồng với gần 794.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Dư nợ đến ngày 31/7/2022 là 5.584,7 tỷ đồng (tăng 5.399,8 tỷ đồng và gấp 30,2 lần so với khi mới thành lập). Các chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện qua Ngân hàng CSXH tỉnh đã góp phần quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, khắc phục tình trạng thiếu vốn sản xuất và hạn chế tín dụng đen trên địa bàn”.

Tiếp sức cho người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu

Nghĩ về quãng thời gian đã qua với nhiều khó khăn, thiếu thốn, ông Trần Quốc Phương (thôn Đông Xuân, xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh) càng trân quý “cơ ngơi” mà gia đình ông đã dày công gây dựng.

“Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”

20 năm qua, gần 794.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở Hà Tĩnh được vay vốn chính sách với doanh số cho vay đạt 18.006 tỷ đồng.

Ông Phương chia sẻ: “Địa phương có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đời sống người dân trước đây gặp nhiều khó khăn. Ngân hàng CSXH đã trao “cần câu” để chúng tôi mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Tôi đã gắn bó với tín dụng chính sách từ năm 2005 với nhiều chương trình như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, hộ mới thoát nghèo… Số tiền vay ban đầu 5 triệu đồng rồi lên 10 triệu đồng và nay đã lên từ 50-100 triệu đồng/lượt vay. Nhờ vậy, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế vườn đồi, đến nay đã sở hữu 15 ha cây tràm, hơn 30 con bò sinh sản… lợi nhuận mỗi năm trên 350 triệu đồng. Từ chỗ kinh tế khó khăn, nay gia đình đã có “của ăn của để”, nuôi dạy 4 con học hành bài bản”.

Ông Phạm Anh Đức - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh phấn khởi: “Khi mới thành lập, phòng giao dịch chỉ có hơn 4 tỷ đồng nợ nhận bàn giao nhưng đến nay, tổng nguồn vốn đã đạt trên 665 tỷ đồng, tổng dư nợ trên 659 tỷ đồng. Với quy mô này, huyện Kỳ Anh luôn là một trong những địa phương có dư nợ lớn nhất trong cả nước”.

Không riêng huyện Kỳ Anh mà nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đã trở thành nguồn lực quan trọng để 103.205 hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong tỉnh đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế dựa trên thế mạnh của địa phương như: trồng rừng - cây ăn quả, chăn nuôi gia súc - gia cầm, đánh bắt - nuôi trồng thủy sản…

“Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”

Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

Theo Giám đốc Lưu Văn Minh, Ngân hàng CSXH là ngân hàng vì người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội. Các chính sách tín dụng ưu đãi đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, khắc phục tình trạng thiếu vốn sản xuất, góp phần tạo việc làm cho 66.798 lao động; hàng nghìn hộ thoát ngưỡng đói nghèo, giúp 2.275 lao động đi làm việc ở nước ngoài; 130.262 học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 305.621 công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn; xây dựng, sửa chữa trên 10.000 nhà ở cho hộ nghèo, 802 nhà chòi hộ nghèo tránh lũ; cho vay mua nhà ở xã hội, xây dựng mới, cải tạo và sửa chữa nhà ở cho gần 1.000 khách hàng; khôi phục, phát triển một số ngành nghề truyền thống như: chế biến nước mắm (Lộc Hà, Nghi Xuân), phát triển làng mộc (Đức Thọ), nghề rèn đúc (TX Hồng Lĩnh)…

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 20,5% năm 2002 xuống còn 10,5% năm 2005 (theo tiêu chí giai đoạn 2000-2005); giảm từ 38,89% năm 2006 xuống còn 13,1% năm 2010 (theo tiêu chí giai đoạn 2006-2010), giảm từ 23,9% năm 2011 xuống còn 7,42% năm 2015 (theo tiêu chí giai đoạn 2011-2015), từ 11,4% đầu năm 2016 xuống 10,46% đầu năm 2017 (theo tiêu chí giai đoạn 2016-2020).

Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 4,68%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,09% (theo tiêu chí hộ nghèo, cận nghèo đa chiều).

“Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”

Các chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện qua Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM.

Ngày 4/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác và Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng CSXH nhằm tách tín dụng chính sách ưu đãi ra khỏi tín dụng thương mại trên cơ sở tổ chức lại ngân hàng phục vụ người nghèo.

Cùng với sự ra đời của hệ thống Ngân hàng CSXH, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh được thành lập theo Quyết định số 45/QĐ-HĐQT ngày 14/1/2003 của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CSXH Việt Nam, để triển khai thực hiện nhiệm vụ cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast