“Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả” (Bài cuối): Cho những con tàu vươn khơi

(Baohatinh.vn) - Chưa bao giờ, nghề biển có được sự tiếp sức mạnh mẽ từ sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư nguồn lực của tỉnh như vài năm gần đây. Gắn với chiến lược biển đảo và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân đã được ban hành và đi vào cuộc sống. Như một luồng gió mới, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đang từng ngày đồng hành cùng những chuyến tàu vững chãi vươn khơi.

>> “Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả” (Bài 6): Bình yên nơi bến bờ

Giải “cơn khát” đóng tàu lớn

“Gần 30 năm sống bằng nghề đánh bắt, biển cả đã giúp vợ chồng tôi gây dựng cơ nghiệp và nuôi đàn con khôn lớn. Những đêm thao thức nghĩ đến 5 người đàn ông trong gia đình lênh đênh trên con thuyền nhỏ, tôi cồn cào mong ước có được con tàu lớn để vững vàng cùng sóng gió. Cơ hội đến khi chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu được các cấp chính quyền thực hiện. Được hỗ trợ tới 500 triệu đồng từ tỉnh, huyện và được vay thêm 400 triệu đồng lãi suất thấp, gia đình chúng tôi đã đóng được con tàu 250 CV cùng các loại ngư cụ với số tiền đầu tư gần 1 tỷ đồng”, bà Nguyễn Thị Thanh (thôn Xuân Phượng - xã Thạch Kim - Lộc Hà) vui mừng chia sẻ.

Các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã giúp nhiều ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ.
Các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã giúp nhiều ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ.

Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng - Trần Hải Dương cho biết: “Bên cạnh tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện, xã Cẩm Nhượng còn ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân với số tiền lên tới 40-50 triệu đồng cho một thuyền đóng mới. Các nguồn lực cộng hưởng đã tạo sức bật cho Cẩm Nhượng chuyển đổi cơ cấu đội tàu từ khai thác vùng lộng sang vùng khơi, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Nếu như đầu năm 2010, xã chỉ có vài con tàu đạt công suất 45 CV là lớn nhất, thì đến nay đã có 15 tàu lớn. Năm 2014, lần đầu tiên ngư dân của xã đóng mới được 4 chiếc tàu có công suất 250 CV”.

Theo thống kê của Chi cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, với các chính sách hỗ trợ của cả 3 cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã), toàn tỉnh đã đóng mới gần 100 tàu cá. Từ chỗ chỉ có 32 tàu đánh bắt xa bờ (năm 2011), đến nay, đội tàu công suất từ 90 CV trở lên gần 150 chiếc. Một số ngư dân sắm được tàu lớn với công suất 500 CV.

Cơ hội hiện đại hóa nghề biển

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định 67/2014-NĐ-CP về một số chính sách phát triển đánh bắt thủy sản, trong đó quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, ưu đãi thuế và một số chính sách khác. Trong đó, những ưu đãi lớn sẽ tập trung vào việc hỗ trợ lãi suất với mức khá cao, số tiền vay lớn, thời hạn dài và hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm cho các tàu xa bờ, bảo hiểm tai nạn thuyền viên…

Ngư dân Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) được mùa sò mai.
Ngư dân Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) được mùa sò mai.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Đức Nhân, đây là cơ hội thuận lợi nhằm sắp xếp, cơ cấu lại đội tàu đánh bắt hợp lý, tổ chức lại sản xuất trên biển theo hướng phát triển mạnh đội tàu lớn, vươn khơi bám biển đánh bắt các loài hải sản có giá trị kinh tế cao, giảm dần đội tàu nhỏ khai thác ven bờ, tạo môi trường thuận lợi cho nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững.

Trao đổi về chính sách hỗ trợ phát triển nghề đánh bắt thủy sản mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành với nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đều nhận được sự hy vọng, đón nhận như một cơ hội mở rộng ngư trường đánh bắt, nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như thể hiện được trách nhiệm công dân của mình trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hội (Nghi Xuân) Trần Xuân Hương cho biết: “Về kinh nghiệm, kỹ thuật và truyền thống đánh bắt thủy sản, ngư dân Xuân Hội tự tin hoàn toàn có thể khai thác có hiệu quả tại các ngư trường vùng khơi. Xã đang có 28 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó 2 chiếc công suất 500 CV. Hiện nay, rất nhiều ngư dân có khát vọng, chí hướng đánh bắt xa bờ nhưng chưa thực hiện được vì thiếu vốn, trong khi nguồn hỗ trợ của Nhà nước chưa đủ lớn. Chúng tôi đang chờ đợi chính sách mới của Chính phủ sớm có hiệu lực để tạo lực đẩy cho Xuân Hội đánh thức tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế biển”.

Ngư dân Ngô Văn Tiến (xã Thạch Kim) tự tin: “Nghề đi biển có gì sướng hơn là biết được luồng cá ở đâu thì thuyền theo đến đó. Bởi vậy, từ tàu nhỏ đóng được tàu to; từ tàu gỗ có thể đóng tàu sắt, như thế ngư dân mới thỏa sức vẫy vùng trên vùng biển của Tổ quốc. Hiện Thạch Kim có 6 đội tàu đánh bắt xa bờ. Nếu được hưởng chính sách hỗ trợ đóng tàu sắt, chúng tôi sẽ liên kết lại và tiếp cận phương thức sản xuất hiện đại, chuyên nghiệp để tăng giá trị thu nhập và góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo”.

Cùng với cơ hội lớn từ Nghị định 67 của Chính phủ, ngư dân Hà Tĩnh còn được hưởng chính sách hỗ trợ đóng mới tàu thuyền trong thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp và hỗ trợ lãi suất trong phát triển sản xuất từ nguồn chương trình xây dựng NTM. Theo đó, số tiền hỗ trợ cho việc đóng mới tàu, trang bị phương tiện đánh bắt tăng lên và lãi suất được hỗ trợ cũng hấp dẫn hơn. Vấn đề đặt ra là, hệ thống chính sách lớn và hết sức mới mẻ từ T.Ư đến địa phương vừa được ban hành sẽ được hấp thụ như thế nào; các cấp chính quyền và ngành chức năng sẽ vào cuộc thực hiện đến đâu?. Hơn lúc nào hết, ngư dân cần sự tư vấn và định hướng cụ thể để sớm biến cơ hội thành hiện thực; tạo động lực phát triển kinh tế, đồng thời góp phần tăng cường lực lượng và sức mạnh đủ sức đương đầu với mọi hiểm nguy, thách thức trên biển.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast