Vì đâu một HTX nuôi tôm ở Hà Tĩnh bị phạt gần 400 triệu đồng?

(Baohatinh.vn) - UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ra quyết định xử phạt 392 triệu đồng đối với HTX Nuôi trồng thủy sản và Du lịch Bảo An Phú do xả nước thải có thông số vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường.

Vì đâu một HTX nuôi tôm ở Hà Tĩnh bị phạt gần 400 triệu đồng?

Các hồ tôm của HTX Bảo An Phú ở thôn Xuân Phú, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh.

Vào năm 2015, một số hộ dân đầu tư cải tạo khu vực Khe Ngâm (thôn Xuân Phú, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) từ vùng đất trũng kém hiệu quả sang nuôi tôm công nghệ cao.

Sau gần 3 năm, khu vực này hình thành 3 cơ sở nuôi tôm, trong đó có HTX Nuôi trồng thủy sản và Du lịch Bảo An Phú (gọi tắt là HTX Bảo An Phú) do bà Nguyễn Thị Lục làm giám đốc.

Sau một thời gian đi vào hoạt động, cơ sở nuôi tôm của HTX này bị người dân địa phương phản ánh có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, chảy thẳng xuống biển Kỳ Xuân, gây ô nhiễm và ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều hộ dân.

Vì đâu một HTX nuôi tôm ở Hà Tĩnh bị phạt gần 400 triệu đồng?

Người dân địa phương từng phản ánh việc nước thải của HTX Bảo An Phú chảy ra môi trường mà chưa qua xử lý.

Trước tình trạng đó, xã Kỳ Xuân cùng với các đơn vị chuyên môn UBND huyện Kỳ Anh đã kiểm tra, lập biên bản sự việc đồng thời yêu cầu HTX có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.

Tuy nhiên, mới đây, đường dây nóng của Tổng Cục môi trường (Bộ TN&MT) nhận được phản ánh của người dân thôn Xuân Phú về tình trạng HTX Bảo An Phú dùng đường ống nhựa lớn xả nước thải chưa qua xử lý, bốc mùi hôi thối từ các hồ tôm ra biển Kỳ Xuân nên đã yêu cầu làm rõ.

Theo đó, Sở TN&MT Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Kỳ Anh, xã Kỳ Xuân cùng các đơn vị liên quan tiến hành làm rõ sự việc.

Phó Chánh thanh tra Sở TN&MT Hà Tĩnh Lê Tài Tuấn cho hay: "Khu nuôi tôm của HTX Bảo An Phú tại vùng Khe Ngâm có tổng diện tích mặt nước khoảng 1,1 ha với 9 ao nuôi, 1 ao xử lý nước cấp và 1 ao xử lý nước thải (cải tạo từ ao nuôi, chia làm 3 ngăn lắng). Tất cả các ao đều được lót bạt đáy và bờ ao.

Tại thời điểm kiểm tra (cuối tháng 7/2020), HTX đang thả nuôi cả 9 ao. Nước thải từ các ao nuôi được thu về ao xử lý, sau đó thoát ra bể lắng bằng bê tông thể tích khoảng 40m3 rồi theo đường ống nhựa dài 300m, chảy ra biển Kỳ Xuân với lưu lượng 100m3/ngày đêm."

Vì đâu một HTX nuôi tôm ở Hà Tĩnh bị phạt gần 400 triệu đồng?

Trung tâm Quan trắc TN&MT lấy mẫu nước thải từ đường ống dài 300m của HTX Bảo An Phú đổ ra biển Kỳ Xuân.

Để đánh giá chất lượng nước thải, đoàn đã chỉ đạo Trung tâm Quan trắc TN&MT lấy mẫu nước thải sau xử lý (từ đường ống trước khi xả ra biển). Kết quả phân tích cho thấy, nước thải có 3/9 thông số vượt giá trị giới hạn theo quy chuẩn cho phép.

Bên cạnh đó, việc hoạt động nuôi tôm của HTX Bảo An Phú tại vùng Khe Ngâm chưa được cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất theo quy định.

Video: HTX Bảo An Phú xả nước thải không đảm bảo ra môi trường (thời điểm đoàn kiểm tra)

Căn cứ theo kết quả của đoàn kiểm tra, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 392 triệu đồng đối với HTX Bảo An Phú do có hành vi xả nước thải có thông số vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường.

HTX này cũng buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn 3 tháng.

“Theo quy định, ngoài xử phạt vi phạm hành chính, hình thức xử phạt bổ sung kèm theo là đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 3 - 6 tháng nhưng vì vụ nuôi tôm của HTX sắp đến thời gian thu hoạch và qua kết quả kiểm tra thực tế nên ngành chức năng đề nghị không áp dụng hình thức phạt bổ sung”, ông Lê Tài Tuấn cho biết.

Vì đâu một HTX nuôi tôm ở Hà Tĩnh bị phạt gần 400 triệu đồng?

3/9 chỉ số từ nguồn nước thải của HTX Bảo An Phú vượt quy chuẩn cho phép.

Phó Chánh thanh tra Sở TN&MT Hà Tĩnh Lê Tài Tuấn cũng thông tin thêm: Đối với vi phạm về đất đai, HTX Bảo An Phú sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất theo quy định là vi phạm. Tuy nhiên, xét thấy đơn vị này đã lập hồ sơ dự án gửi các ngành chức năng và UBND xã Kỳ Xuân cũng đã có tờ trình đề nghị nhưng do không đúng quy định nên không được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó, vào tháng 7/2019, UBND tỉnh cũng đã có ý kiến cho phép tiếp tục tổ chức nuôi tôm tại khu vực này trong khoảng thời gian từ 3 - 5 năm. Vì vậy, đoàn kiểm tra đề nghị không xử phạt đối với vi phạm này.

Chủ đề Ô nhiễm môi trường

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast