Vì sao nông dân Mai Phụ gặt... “lúa lạ”?!

(Baohatinh.vn) - Không như những cánh đồng lúa chín vàng khắp toàn huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), hàng chục ha lúa xuân của thôn Đồng Sơn - xã Mai Phụ vừa lép hạt vừa xạm đen...

Vì sao nông dân Mai Phụ gặt... “lúa lạ”?!

Nông dân thôn Đồng Sơn (xã Mai Phụ) đang trải qua mùa “lúa lạ”.

Theo chia sẻ của nhiều bà con nông dân, toàn bộ cánh đồng này cùng chịu nhiều tác động tiêu cực của thời tiết và sâu bệnh. Lúa trổ gặp đợt rét Nàng Bân (từ 5 - 10/4) khiến cho bông lép lửng.

Chưa hết, từ sau giai đoạn lúa trổ trở đi, cùng một lúc lúa bị bệnh đạo ôn cổ bông và bệnh bạc lá tấn công, thế nên lúa càng đến kỳ chín thì càng khô và xạm đen.

Vì sao nông dân Mai Phụ gặt... “lúa lạ”?!

Trải qua vụ mùa vất vả, kết quả nhận về là những bông lúa héo khô, lép hạt

Bà Nguyễn Thị Chuy (thôn Đồng Sơn) năm nay làm 3 sào thì cả 3 đều xảy ra hiện tượng hạt xạm đen, lép lửng, khô đầu lá vào thời điểm lúa chín.

“Thời điểm trước khi trổ bông, lúa sinh trưởng khá tốt, nhưng sau trổ ít ngày là lúa bắt đầu nhiễm sâu bệnh, hạt lem lép. Bệnh bạc lá “ăn” không trừ giống gì, từ giống mới Việt Hương Chiếm, BT 09 đến nhóm X, HT1... Làm nông nghiệp chỉ mong đến ngày thu hoạch, nhưng kết quả vụ lúa này không như mong đợi. Dù vậy, chúng tôi vẫn gặt, vớt vát được chừng nào hay chừng đó”, bà cho hay.

Vì sao nông dân Mai Phụ gặt... “lúa lạ”?!

Không ai nghĩ đây là cánh đồng vừa gặt xong.

Cùng thôn với bà Chuy, chị Lê Thị Ánh cũng huy động cả gia đình xuống đồng để gặt lúa bằng tay vì không dám bỏ tiền ra thuê máy gặt đập liên hợp do nhẩm tính năng suất thực thu trên sào ruộng chẳng còn bao nhiêu.

“Đây là vùng đồng sâu trũng nên gặp phải năm thời tiết khắc nghiệt thì nào chuột, nào bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá cùng lúc “dội” xuống, lúa thu về may lắm chỉ được khoảng 1,5 - 1,7 tạ/sào” - chị Ánh chia sẻ.

Vì sao nông dân Mai Phụ gặt... “lúa lạ”?!

Chị Lê Thị Ánh chẳng dám thuê máy gặt đập liên hợp vì sợ vụ mùa “lỗ vốn”.

Theo thống kê, có khoảng 22 ha lúa xuân của thôn Đồng Sơn (chiếm gần 65% diện tích canh tác toàn thôn) bị nhiễm do bệnh bạc lá, đạo ôn cổ bông và lép hạt.

Ông Trần Đình Long - Bí thư thôn Đồng Sơn cho biết: “Trên thực tế, đồng đất thôn Đồng Sơn nhiễm chua phèn nên bà con đã “đẩy” thời vụ gieo cấy trước 15 ngày so với lịch. Thế nên, từ sau lúa trổ thì liên tục gặp thời tiết bất lợi, xuất hiện nhiều loại sâu bệnh, nhất là bệnh bạc lá thì chưa năm nào bệnh xuất hiện nhiều, nhiễm diện rộng như năm nay. Tuy nhiên, công tác phòng trừ của bà con không được chú trọng nên bệnh càng phát triển và lan rộng”.

Vì sao nông dân Mai Phụ gặt... “lúa lạ”?!

Năng suất lúa bình quân ở Đồng Sơn sụt giảm, chỉ còn khoảng 1,5- 1,6 tạ/sào.

Hệ quả đó khiến năng suất bình quân vụ lúa 2020 của thôn Đồng Sơn sụt giảm còn khoảng 1,5 - 1,6 tạ/sào, nơi nào cao thì đạt khoảng 2 tạ/sào (giảm 0,5 tạ/sào so với mức bình quân các năm trước), thấp thua toàn xã từ 10 - 12 tạ/ha.

Vì sao nông dân Mai Phụ gặt... “lúa lạ”?!

Tuy vậy, người nông dân vẫn trân quý với những hạt gạo được “chắt” từ mồ hôi, công sức đổ trên cánh đồng.

Theo Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà, năm nay, bệnh bạc lá xuất hiện ở nhiều địa phương và khá khác thường vì các năm bệnh thường gây hại trong vụ hè thu. Tuy nhiên, nếu phòng trừ tốt và bệnh xuất hiện từ giai đoạn “lúa cúi bông” trở đi thì không ảnh hưởng quá lớn đến năng suất.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast