Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt kiểm tra tình hình phát sinh của bệnh đạo ôn tại Thạch Hà.
Cảnh báo dịch đạo ôn diễn biến phức tạp
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Thời tiết vẫn tiếp tục âm u, độ ẩm không khí và đồng ruộng cao trở thành điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển. Hiện nay, 735ha lúa đã bị nhiễm bệnh và đang có xu hướng tiếp tục tăng diện tích nhiễm. Trong khi đó, một số diện tích do không tuân thủ thời vụ gieo cấy trước đó đã bắt đầu trổ bông, trở thành mối nguy cho tình hình dịch bệnh ở Hà Tĩnh trở nên phức tạp. Không chỉ đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông cũng có nguy cơ phát sinh diện rộng”.
Cánh đồng giống J02 của Tổ hợp tác Chương Bình, thôn Chương Bình, thị trấn Thạch Hà sau đợt không khí lạnh đã “lỗ chỗ” những đám cháy lụi vì bệnh đạo ôn, đến nay, lúa đã bắt đầu ra đòng đất nhưng thời tiết vẫn chưa hết mưa rét, gây khó khăn cho công tác phòng trừ của bà con nông dân.
Nhiều diện tích tại thị trấn Thạch Hà có hiện tượng cháy lụi
Bà Ngô Thị Mai - xã viên Tổ hợp tác Chương Bình cho biết: “Nhà làm 3 sào thì cả 3 sào đều “dính” đạo ôn, dù đã phun thuốc hai lần nhưng vẫn có nhiều đám bị lụi. Mấy hôm mưa rét kéo dài, bà con chúng tôi nóng ruột lắm, không phòng trừ kịp thì bệnh vẫn tiếp tục tăng và đe dọa gây hại trên cổ bông”.
Thời điểm này, bệnh đạo ôn lá đã gây hại trên 735 ha, tập trung cao nhất là ở Cẩm Xuyên (610 ha), Thị xã Hồng Lĩnh (48 ha), Đức Thọ, Kỳ Anh cùng 20 ha… Tỷ lệ gây hại trung bình đã tăng lên từ 3 - 5% ở giai đoạn trước lên 10 - 15%, cục bộ có những điểm 35 - 40% như: Cẩm Quan, Cẩm Thịnh, Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên); thị trấn Thạch Hà, Việt Tiến (Thạch Hà); Phú Lộc, Gia Hanh (Can Lộc).
Các địa phương đã phối hợp với Công ty CP Khử trùng Việt Nam tiến hành hướng dẫn bà con phun phòng trừ đạo ôn đúng cách trên đồng ruộng
Tình hình dịch bệnh lan nhanh khiến cho các vùng sản xuất không thôi “thấp thỏm”. Điều ở những năm trước rất ít xảy ra, lúa vào giai đoạn đứng cái - làm đòng, bộ lá đã cứng cáp hơn đáng lẽ đã “đủ sức” để chống lại bệnh. Thế nhưng, thời tiết không ủng hộ, không khí lạnh liên tục tăng cường đã khiến cho bệnh đạo ôn lá vẫn trên đà phát sinh và có thể đạt “đỉnh” dịch trong ít ngày tới.
Lúa trổ bông sớm - nguy cơ mất mùa
Toàn tỉnh hiện có 100 ha lúa đang trổ vè, trước lịch thời vụ khoảng 20 ngày. Đây là diện tích bị liệt vào nhóm có nguy cơ thiệt hại năng suất cao nhất trong vụ xuân năm nay.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành nông nghiệp, lúa xuân trổ sớm bị “kẹp” giữa những bất lợi: thời tiết mưa rét gây ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn của bông, dẫn đến tỷ lệ hạt lép cao.
Cùng đó, dịch bệnh hoành hành, nhóm lúa trở thành “mồi” cho bệnh đạo ôn cổ bông tấn công và lan rộng.
Toàn tỉnh có khoảng 5.500 - 6.000 ha lúa sẽ trổ bông trước ngày 10/4.
Điều đáng nói, toàn bộ diện tích này không phải xuất phát từ nguyên nhân thời tiết hay sự rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa mà do ý thức của người nông dân. Theo dự báo, có khoảng 5.500 - 6.000 ha lúa sẽ trổ bông vào giai đoạn từ 30/3 - 10/4 (trổ bông tập trung toàn tỉnh là 10 - 15/4), chiếm 10% trên tổng diện tích lúa.
Thậm chí, có những giống lúa thuộc trà gieo cấy sau như: Nếp 98, VTNA2… thì bà con vẫn ung dung “chạy” ngay đầu lịch, bỏ qua mọi quy luật của thời vụ và đặc tính sinh trưởng của cây lúa.
Việc không tuân thủ thời vụ gieo cấy đang khiến cho hàng trăm ha có nguy cơ mất mùa.
Ông Nghiêm Sỹ Đông - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ cho biết: Toàn huyện có khoảng 100 ha trổ vào giai đoạn trước 10/4, mặc dù huyện đã có nhiều khuyến cáo, hướng dẫn nhưng tập quán sản xuất tranh thủ vẫn xảy ra ở nhiều địa phương.
Trước mắt, sau đợt mưa kết thúc, huyện sẽ tổ chức phòng trừ đạo ôn cổ bông trên tất cả diện tích, phòng trường hợp dịch bệnh lan rộng. Về nhận định khả năng trổ bông thuận lợi đối với 100 ha trà lúa sớm thì theo ông Đông, điều đó chỉ biết phụ thuộc vào thời tiết, nếu bất thuận đành chấp nhận... mất.