Nữ chính trị gia Pháp khiến phương Tây bất an

Mặt trận thống nhất của phương Tây trước Nga đang đối mặt với một thách thức từ bên trong. Đó sự gia tăng tỷ lệ cử tri ủng hộ nhà lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen.

Bà Le Pen, một chính trị gia có xu hướng hoài nghi về biện pháp đoàn kết quốc tế để cô lập Moscow và ngăn chặn cuộc giao tranh ở Ukraine, đã giành được số phiếu bầu ấn tượng trong vòng một bầu cử tổng thống Pháp.

Mặc dù Tổng thống Emmanuel Macron vẫn đang dẫn trước, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ lo ngại về khả năng bà Le Pen trở thành nhà lãnh đạo Pháp tiếp theo và đưa nước này ra khỏi cấu trúc quân sự của NATO, cũng như khôi phục quan hệ với Moscow, theo Financial Times.

“Tôi rất lo lắng về điều đó, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ không đưa bà Le Pen lên làm tổng thống Pháp”, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn cho biết trong tuần này. “(Chiến thắng của bà ấy) không chỉ đồng nghĩa với việc tách Pháp khỏi các giá trị cốt lõi của Liên minh châu Âu (EU), mà nó sẽ thay đổi hoàn toàn hướng đi của khối”.

Bà Marine Le Pen, ứng viên phe cực hữu của đảng National Rally. Ảnh: AFP.

Hoài nghi

Nếu chiến thắng Tổng thống Macron vào ngày 24/4 tới, bà Le Pen sẽ trở thành người nắm quyền chỉ huy quốc gia có sức mạnh quân sự hàng đầu EU, đồng thời là thành viên chủ chốt của NATO.

Wall Street Journal nhận định chiến thắng này cũng sẽ đặt bà ở vai trò quyết định trong việc đưa ra các lệnh trừng phạt của EU, với tư cách là người nắm giữ chức chủ tịch luân phiên của khối cho đến tháng 6.

Điều này có thể là vấn đề đối với các nhà lãnh đạo phương Tây bởi dù không muốn dỡ bỏ lệnh trừng phạt của EU đối với Moscow, bà Le Pen phản đối việc mở rộng áp đặt lệnh này đối với dầu khí.

Nhà lãnh đạo cực hữu đã chỉ trích biện pháp cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga nhằm gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của Moscow. Bà nhận định quyết định này của châu Âu chỉ làm tăng chi phí sinh hoạt cho các hộ gia đình Pháp, nguồn gốc của sự bất bình ngày càng tăng trong công chúng thời gian qua.

“Tất cả biện pháp trừng phạt này trên thực tế đều ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và cá nhân của chúng tôi”, bà Le Pen nói vào tuần trước.

Dù thắng hay thua, sự nổi lên của bà Le Pen gửi đi một tín hiệu trên khắp châu Âu rằng thái độ hoài nghi về việc đối đầu với Moscow không phải là vấn đề trong các thùng phiếu. Nó cũng làm lộ ra những rạn nứt trong sự ủng hộ của công chúng đối với liên minh do phương Tây dẫn đầu, các chuyên gia về vấn đề quốc tế cho biết.

Các cuộc thăm dò ở Tây Âu cho thấy chi phí sinh hoạt tăng cao là mối quan tâm hàng đầu của công chúng, vượt trội hơn so với an ninh, quốc phòng và các vấn đề khác.

“Chiến thắng của bà ấy sẽ gửi đi thông điệp rằng người dân châu Âu thực sự không quan tâm nhiều đến mối đe dọa từ Nga”, Angelos Chryssogelos, giảng viên chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học London Metropolitan, cho biết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp bà Le Pen tại Moscow vào năm 2017. Ảnh: AFP.

Trước đó, bà Le Pen từng phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea vào năm 2014. Bà cũng ủng hộ mối quan hệ tốt đẹp hơn với Moscow, bao gồm cả trong cuộc gặp năm 2017 với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin.

Vào năm 2014, đảng của bà từng nhận được khoản vay tranh cử trị giá 10,2 triệu USD, từ một ngân hàng Nga - Czech có quan hệ với Điện Kremlin mà thủ quỹ của đảng cho biết vẫn chưa trả hết.

Cương lĩnh tranh cử của bà Le Pen, được đưa ra trước khi Nga phát động “chiến dịch quân sự" vào Ukraine, là kêu gọi châu Âu thành lập liên minh với Nga về an ninh.

Nhiều tuần sau khi các cuộc giao tranh nổ ra, bà vẫn cho hay Điện Kremlin một lần nữa có thể trở thành đồng minh trong một số bối cảnh nhất định, như chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Bà nói rằng việc xa lánh Nga chỉ đang đẩy Moscow xích lại gần Bắc Kinh.

“Nước Nga sẽ không biến mất”, bà nói. “Cho phép Nga tạo ra một siêu cường với Trung Quốc là ý tưởng tồi tệ nhất”.

Ý định rút Pháp khỏi bộ chỉ huy NATO

Cho đến nay, các nước thành viên NATO, bao gồm cả Mỹ, phần lớn vẫn lảng tránh các câu hỏi về khả năng bà Le Pen trở thành tổng thống.

Tuy nhiên, một số quan chức của chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết cá nhân họ kỳ vọng ông Macron sẽ thắng thế. Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg cảnh báo nếu bà Le Pen giành chiến thắng, điều đó sẽ dẫn đến “một sự biến động ở châu Âu”.

“Tất cả phải tập hợp lại sau ông Emmanuel Macron”, Michael Roth, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đức nói. “Hoặc là ông ấy hoặc sự sụp đổ của một châu Âu thống nhất. Nghe có vẻ hơi kịch tính nhưng sự thật là vậy”.

Bà Le Pen phát biểu tranh cử ở Stiring-Wendel, một thị trấn than cũ ở Pháp. Ảnh: New York Times.

Trong cuộc họp báo ở Paris hôm 13/4, bà Le Pen cho biết nếu bà đắc cử tổng thống, Pháp sẽ vẫn trung thành với NATO ngay cả khi rút khỏi bộ chỉ huy quân sự của khối.

Trước đó, bà từng thể hiện ý định rút Pháp khỏi bộ chỉ huy quân sự NATO, nói rằng thỏa thuận này làm suy yếu chủ quyền của Pháp bằng cách đặt quân đội nước này dưới quyền chỉ huy của Tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh NATO, vị trí luôn do một tướng Mỹ nắm giữ.

Nhà lãnh đạo cực hữu cảnh báo điều này có thể kéo Pháp vào các cuộc xung đột không mong muốn. Trong quá khứ, Pháp đã tham gia vào các nhiệm vụ quân sự của NATO như chiến đấu cùng quân đội liên minh để đánh bại Taliban ở Afghanistan năm 2001.

Việc Pháp rút khỏi bộ chỉ huy có thể dẫn đến sự suy yếu đáng kể của liên minh. Paris tham gia trở lại cơ cấu chỉ huy của NATO dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy vào năm 2009, và có lực lượng quân sự lớn thứ ba cùng ngân sách quốc phòng lớn thứ tư liên mình.

“Việc Pháp rời bỏ bộ chỉ huy sẽ gây ra một làn sóng chấn động chính trị trên toàn EU”, Phó giám đốc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược của Pháp, ông Jean Pierre Maulny, nói.

“Châu Âu phải đoàn kết, và để được đoàn kết, Pháp phải nằm trong bộ chỉ huy quân sự của NATO”, ông Maulny cho biết thêm. “Nhìn từ Berlin, Rome và Warsaw, đó sẽ là một thảm họa về mặt chính trị”.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói