La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp với danh nhân họ Nguyễn Tiên Điền

(Baohatinh.vn) - La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723 - 1804, xã Kim Song Trường, Can Lộc, Hà Tĩnh) là học trò của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (1708 - 1775) nhưng lại là anh em rể với Toản Quận công Nguyễn Khản (1734 - 1786).

Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm và Toản Quận công Nguyễn Khản là hai nhân vật có nhiều ảnh hưởng trong lịch sử Việt Nam dưới thời Lê trung hưng. Tuy có mối quan hệ mật thiết, gần gũi nhưng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp lại có lối sống, cách hành xử và ứng xử với thời cuộc khác biệt.

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp với danh nhân họ Nguyễn Tiên Điền

Nhà thờ Nguyễn Nghiễm ở Tiên Điền (Nghi Xuân - Hà Tĩnh). Ảnh: tư liệu.

1. Trước hết, đối với Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm thì Nguyễn Thiếp chính là học trò của ông. Người đã gửi Nguyễn Thiếp làm học trò của Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm là Tiến sĩ Nguyễn Hành (1701 - ?). Không những là học trò của Nguyễn Nghiễm mà Nguyễn Thiếp còn là anh em rể với Nguyễn Khản - con trai cả của Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm. Vợ Nguyễn Thiếp tên húy là Nghi, vợ Nguyễn Khản húy là Vệ, hai bà là con gái của Thái bộc Tự khanh Đặng Thái Bàng, quê xã Uy Viễn, huyện Nghi Xuân.

Mặc dù là học trò nhưng Nguyễn Thiếp không hề cầu cạnh “ông thầy” làm quan Tể tướng của mình. Đã một vài lần Nguyễn Nghiễm cân nhắc, tiến cử Nguyễn Thiếp làm quan nhưng ông đều lưỡng lự, từ chối. Mãi đến năm 1756, khi đã 33 tuổi, Nguyễn Thiếp mới chịu ra nhận chức Huấn đạo Anh Đô.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho rằng: “Xét gia phổ họ Nguyễn Tiên Điền, thấy năm trước (Ất Hợi, 1755), Nguyễn Nghiễm về làm hiệp trấn Nghệ An. Có lẽ cũng vì ông nên mới có việc bổ này”. Tuy nhiên, trong bài “Hạnh Am ký”, Nguyễn Thiếp đã nói rõ: “Năm Bính Tý (1756), vì ta nhiều tuổi và có đậu, được bổ làm huấn đạo Anh Đô”.

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp với danh nhân họ Nguyễn Tiên Điền

Bức tượng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp bằng chất liệu đồng thể hiện vẻ uy nghi của một người thầy tài ba (ảnh chụp tại Đền La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ở thôn Lũy, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc - Hà Tĩnh).

Rồi đến cả việc dự thi Hội, Nguyễn Thiếp cũng không ham hố: “Năm Cảnh Hưng Quý Hợi, tuổi 21, đậu hương giải. Mỗi kỳ xuân vi tới, thì cãi nhau không dứt. Tả tướng (chỉ Nguyễn Nghiễm) nói đi nói lại, bảo với ông rằng: “Đỉnh hương còn dành đó. Chỉ một mình không chịu nghe sao”. Ông đáp: “Ấy vì đối với hành thạch, tôi vốn không có bụng mà thôi”.

Năm 1766, khi Nguyễn Thiếp ra Bắc Hà đã đến chơi nhà Nguyễn Nghiễm, thấy ở dinh quan Tể tướng có hai chữ lớn “Phú Đức”, ông đã làm bài tán như sau:

Phú, phú, phú, tiền lúa vật báu, của nhóm người nhóm, dầu là một trong năm phúc, nhưng vẫn là cái kho chứa oán; chớ cầu chớ làm, gặp sao hay vậy.

Đức, đức, đức, nhân nghĩa lễ trí, khuôn dân phép vật, sửa được là thánh hiền, làm sai là quỉ quái; phải lo, phải gắng, tự nhiên có đức”.

Việc một người học trò nhưng đã có ý nhắc nhở, khuyên răn thầy học của mình, hơn nữa, ông thầy lại là một vị quan đang giữ chức Tể tướng đầu triều, quyền cao chức trọng thì có lẽ cũng chỉ có La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp mới bản lĩnh làm được mà thôi.

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp với danh nhân họ Nguyễn Tiên Điền

Đền La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (thôn Lũy, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc - Hà Tĩnh), nhìn từ trên cao.

2. Trong La Sơn phu tử, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn có viết: “Gia phả dòng họ Nguyễn Huy xã Trường Lưu có chép rằng: Trần Chánh Kỷ, người Thuận Hóa, đậu cử nhân (hương cống) tới kinh (Thăng Long), yết kiến cụ Thái bảo Nguyễn Nghiễm, hỏi đến nhân tài nước Nam. Cụ thái bảo trả lời: “Đạo học sâu xa thì Lạp Phong xử sĩ, văn chương phép tắc thì Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, còn thiếu niên đa tài đa nghệ thì chỉ có Nguyễn Huy Tự”.

Về chuyện Trần Văn Kỷ ra Thăng Long dự thi Hội, Hoàng Lê nhất thống chí chép: “Kỷ người Thuận Hóa, vốn có văn học, là bậc danh sĩ ở Nam Hà. Năm Đinh Dậu (1777) niên hiệu Cảnh Hưng, Kỷ thi ở trấn đậu giải nguyên. Năm Mậu Tuất (1778), Kỷ tới kinh thi Hội, sĩ phu ở Bắc Hà, Kỷ có giao thiệp quen biết ít nhiều...”.

Qua đoạn trích trên có thể thấy Trần Văn Kỷ ra Thăng Long vào năm 1778, trong khi đó Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm mất năm 1775. Như vậy, ở đây, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã có sự nhầm lẫn, Trần Văn Kỷ không thể gặp và hỏi Tể tướng Nguyễn Nghiễm được. Người Trần Văn Kỷ gặp ở đây chính là Toản Quận công Nguyễn Khản.

Như vậy, dù biết Trần Văn Kỷ có ý giúp Tây Sơn nhưng Nguyễn Khản vẫn giới thiệu với ông ta về sĩ phu Bắc Hà, trong đó người đầu tiên được giới thiệu chính là Lạp Phong xử sĩ, tức La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, điều này cho thấy, Toản Quận công Nguyễn Khản dù lúc bấy giờ đang rất được các chúa Trịnh tin yêu, là bậc đại thần quyền cao chức trọng nhưng vẫn rất kính trọng tài năng của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp - một người không hề giữ chức vụ gì trong triều lúc bấy giờ. Việc Nguyễn Khản giới thiệu La Sơn phu tử chắc hẳn không phải vì hai ông là “người nhà”, mà trên hết phải là tài năng đức độ của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã động đến đất kinh kỳ, đến ngay cả những người như Hiệp trấn Bùi Huy Bích cũng quý mến tặng thơ, Huy Quận công Hoàng Đình Bảo biết tiếng, tiến cử với Chúa Trịnh Sâm. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cũng đã lý giải: “Có lẽ cụ bấy giờ nối tiếng lý số tinh thông như trạng Trình xưa, cho nên chúa muốn hỏi cụ một câu vận mệnh...”.

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp với danh nhân họ Nguyễn Tiên Điền

Tưởng nhớ công ơn to lớn của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, con cháu dòng họ và Nhân dân quanh vùng ngày đêm hương khói thờ phụng tiền nhân.

3. Năm 1756, khi gia đình rơi vào “cảnh nhà nghèo, mẹ già, vì sự ăn mặc bó buộc”, Nguyễn Thiếp mới chịu ra làm quan, giữ chức Huấn đạo Anh Đô. Soi lại thời điểm đó ta có thể thấy lúc này gia đình bên vợ của Nguyễn Thiếp đang ở vào thời kỳ sung túc, có bố vợ là Đặng Thái Bàng làm quan lớn trong triều, gia đình em vợ là Nguyễn Khản cũng thuộc hàng rất giàu có, vậy mà để gia đình Nguyễn Thiếp phải chịu cảnh nghèo, “vì sự ăn mặc bó buộc”.

Xét về quan hệ gia đình, điều này là khá lạ bởi người Việt vốn có truyền thống yêu thương đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là trong quan hệ cha con, anh em họ hàng. Nguyễn Thiếp khí khái có thể không nhận sự giúp đỡ của đằng vợ, nhưng với vợ của ông, bà không nhận sự giúp đỡ của bên ngoại cũng là một điều hiếm có. Qua việc này cho thấy, khi lấy Nguyễn Thiếp, bà đã chấp nhận hy sinh, cam chịu nghèo khổ, xa rời cuộc sống vinh hoa, theo chồng về nơi thôn dã, núi rừng để ẩn dật. Đây cũng là phẩm chất rất đáng quý của người phụ nữ Việt Nam dưới thời quân chủ, cũng là một bài học lớn cho chúng ta ngày nay.

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp với danh nhân họ Nguyễn Tiên Điền

Khu Lăng mộ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (và vợ là bà Đặng Thị Nghi) được xây dựng trên núi Bùi Phong (thuộc dãy Thiên Nhẫn) ở xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

4. Qua một vài suy nghĩ về mối quan hệ và những ứng xử giữa Xuân Quận công Nguyễn Nghiêm và Toản Quận công Nguyễn Khản với La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp cho thấy dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì La Sơn phu tử vẫn luôn hiện lên những phẩm chất vô cùng cao đẹp. Dù cuộc sống có khó khăn, mặc xung quanh nhiều vinh hoa cám dỗ, nhiều cơ hội thăng tiến nhưng trong ông vẫn luôn thanh bạch, giữ tầm hồn thanh tao, tiết tháo, không màng vật chất, danh lợi.

Ngày nay, nhắc tới Nguyễn Thiếp là nhắc tới một tâm hồn của một con người có nhãn quan nhìn xa trông rộng, dù ở ẩn nhưng ông vẫn luôn dõi theo thời cuộc, đau đáu với nỗi khổ của nhân dân, mong muốn có một vương triều minh quân để muôn dân được nhờ. Là người ở ẩn, nhưng việc ở ẩn của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp không phải vì ưa nhàn hạ. Nguyễn Thiếp ẩn cư ngoài lẽ để ẩn bệnh như một duyên cớ ra, nguyên nhân chính là ẩn cư để đợi thời, cái thời mà ông mong mỏi: “Đến khi chính đạo ra vào thung dung”.

Chính những năm tháng ở ẩn nơi thôn dã, Nguyễn Thiếp đã tiếp xúc với cuộc sống của người dân lao động nghèo khổ, nhưng lành mạnh và chất phác, điều này đã giúp ông hiểu được mong muốn của nhân dân, đây cũng là cơ sở tư tưởng cho Nguyễn Thiếp sau này hợp tác với Tây Sơn.

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp “ẩn mà không ẩn” là vì vậy.

Video: Theo dấu chân nhà hiền triết Nguyễn Thiếp. Thực hiện: Thiên Vỹ - Đức Quang

Chủ đề Danh nhân Hà Tĩnh

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề Kỷ niệm 300 năm ngày sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp

Đọc thêm

Đoàn kết một lòng hướng về nguồn cội…

Đoàn kết một lòng hướng về nguồn cội…

Hòa chung lòng thành kính hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân Hà Tĩnh đã cùng nhau gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, khẳng định sự gắn bó bền chặt trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
Ngắm khu dân cư kiểu mẫu bên dòng Ngàn Phố

Ngắm khu dân cư kiểu mẫu bên dòng Ngàn Phố

Bên dòng sông Ngàn Phố thơ mộng, người dân thôn Phúc Bằng, xã Sơn Bằng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đang cùng nhau xây dựng cảnh quan xanh sạch đẹp, hướng tới cuộc sống sống ấm no, hạnh phúc.
Tín ngưỡng thờ cá Ông ở Hà Tĩnh

Tín ngưỡng thờ cá Ông ở Hà Tĩnh

Thờ cá Ông (cá Voi) là một tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời của cư dân sinh sống ven biển Việt Nam. Nhiều vùng ở Hà Tĩnh, người dân thờ cá Ông như một vị thần biển linh thiêng.
Chat với "thần đồng tiếng Anh" 12 tuổi đạt IELTS 8.0

Chat với "thần đồng tiếng Anh" 12 tuổi đạt IELTS 8.0

Với điểm IELTS 8.0, “thần đồng tiếng Anh” Nguyễn Lê Bảo Chung (lớp 6A7, Trường Albert Einstein Hà Tĩnh) đã trở thành 1 trong những thí sinh nhỏ tuổi nhất đạt số điểm này với kỹ năng Reading đạt tuyệt đối 8.0, Speaking 8.5, Listening 8.5 và Writing 7.0.
Về miền quê nông thôn mới kiểu mẫu Đồng Yên

Về miền quê nông thôn mới kiểu mẫu Đồng Yên

Bằng sự đoàn kết, chung sức chung lòng, Nhân dân thôn Đồng Yên ở xã Xuân Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã cùng nhau xây dựng quê hương thành khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thanh bình, đáng sống.
Võ Quận công Nguyễn Phi Sài và những di sản để lại

Võ Quận công Nguyễn Phi Sài và những di sản để lại

Nguyễn Phi Sài là một nhân vật lịch sử có nhiều công lao, đóng góp dưới thời Lê Trung Hưng và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều, ngoài trấn. Hiện nay, dòng họ Nguyễn Phi ở xã Thạch Long (Thạch Hà, Hà Tĩnh) vẫn còn lưu giữ nhiều di sản quý mà ông để lại.
Một vùng duyên hải Kỳ Anh

Một vùng duyên hải Kỳ Anh

Bằng thủ pháp nghệ thuật điểm xuyết chấm phá, đấng tạo hóa điểm thêm lên miền duyên hải Kỳ Anh (Hà Tĩnh) những điểm nhấn thẩm mỹ say đắm lòng người...
Du lịch Hà Tĩnh hành trình mới nhiều kỳ vọng

Du lịch Hà Tĩnh hành trình mới nhiều kỳ vọng

Khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh, ngành Du lịch Hà Tĩnh đang triển khai 3 mũi chiến lược là du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nông thôn và du lịch biển với những chuyển động mới nhiều hứa hẹn.
Tiên Điền - từ mảnh đất văn hóa đến đô thị văn minh

Tiên Điền - từ mảnh đất văn hóa đến đô thị văn minh

Thị trấn Tiên Điền - vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử đang rạng rỡ trong những kết quả của hành trình xây dựng đô thị văn minh, phát triển xứng tầm là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Trẩy hội ngày xuân

Trẩy hội ngày xuân

Khi những cánh mai, đào dần phai, mùi trầm hương đã vãn, là lúc tiếng trống mùa lễ hội vang lên trên khắp các vùng quê Hà Tĩnh. Trong sắc xuân mới, các nẻo đường lại rộn rã, náo nức bước chân của người dân tứ xứ về trẩy hội.