Ảnh hưởng của quê hương
Trong tác phẩm “La Sơn phu tử” của Hoàng Xuân Hãn khi nói về sinh quán của La Sơn phu tử có viết rằng: “Cụ sinh năm Quý Mão (1723) đời Lê Bảo Thái thứ 4, vào giờ Thìn, ngày 25 tháng Tám, tại làng Mật Thôn. Làng này thuộc xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, xứ Nghệ An (nay là phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Đến đời Khải Định, làng này lại đổi thuộc huyện Can Lộc”.
Xã Nguyệt Ao (nay thuộc xã Kim Song Trường, Can Lộc) - nơi Nguyễn Thiếp sinh ra nằm giữa một cánh đồng, thuộc triền sông Lam, đây được xem là một vùng đất tốt, nhiều ruộng và đông dân. Xung quanh làng Nguyệt Ao đều có núi bao bọc. Phía Đông Nam có núi Nhạc Sạc (1), ngọn núi này đặc biệt thường được La Sơn phu tử nhắc đến trong thi văn. Phía Đông Bắc của Nguyệt Ao có dãy núi Hồng Lĩnh, đây là dãy núi tiêu biểu cho cả vùng Hoan Châu. Ở phía Bắc thì có núi Nghĩa Liệt, ngọn núi này được ví trông lên như một con vật dài, đầu cao, đuôi nhọn. Đặc biệt, một trong những ngọn núi gắn liền với La Sơn phu tử chính là dãy núi Thiên Nhẫn, dãy núi cách Nguyệt Ao chừng 20 cây số về phía Tây Bắc. Gần Nguyệt Ao còn có những dãy núi rừng, cây cối um tùm là Trà Sơn và Bột Sơn, được ví như 2 bức bình phong án ngự phía Tây Nam.
Thuyết phong thủy cho rằng, các núi Phượng, núi Hồng, núi Trà, núi Bột là yếu tố thiêng liêng giúp cho các làng ở đây như Vĩnh Gia, Trường Lưu, Nguyệt Ao đều sản sinh nhiều nhân tài. Chính những hình ảnh đó của quê hương đã trở thành nguồn cảm hứng trong thơ văn Nguyễn Thiếp. Thiên Nhẫn, Lạp Phong, Nhạc Sạc, Trà Sơn, Bột Sơn, Nam Hải, Hòn Ngư luôn được nhắc đến trong thơ ông như bầu bạn.
Khi đi xa, ông vẫn nhớ về quê hương, xóm làng. Nguyễn Thiếp từng đi đến nhiều nơi, du ngoạn đến nhiều vùng miền, song, đối với ông, không đâu đẹp bằng chính quê mình - nơi có nhiều thắng cảnh, nhiều dấu tích xưa cũ. Đọc những vần thơ viết về quê hương Nguyễn Thiếp, người đọc có cảm tưởng như đứng trước một vùng danh lam thắng cảnh được vẽ bằng nét bút của một tâm hồn rất mực yêu thiên nhiên và con người xứ sở. Có thể nói, sông núi quê hương đã đi vào hồn thơ Nguyễn Thiếp một cách sâu lắng, giàu cảm xúc.
Vào thời điểm khi Nguyễn Thiếp sinh ra, tại Nghệ Tĩnh đã xuất hiện rất nhiều nhân vật có ảnh hưởng đến cuộc đời của ông. Có thể kể đến như dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền (Nghi Xuân) là dòng họ nổi tiếng về học hành, khoa bảng. Họ Nguyễn Tiên Điền đứng vào bậc nhất trong nước cũng có quan hệ thân cận với gia đình và bản thân Nguyễn Thiếp. Nguyễn Nghiễm ở làng Tiên Điền đậu Hoàng giáp, làm đến chức Tể tướng triều đình, tước Quận công, là bạn học của Tiến sĩ Nguyễn Hành - chú ruột Nguyễn Thiếp. Nguyễn Hành đã gửi Nguyễn Thiếp làm học trò của Nguyễn Nghiễm. Tiến sĩ Nguyễn Khản là con của Nguyễn Nghiễm, lại là anh em rể với Nguyễn Thiếp.
Một góc xã Kim Song Trường hôm nay.
Ở huyện La Sơn lúc bấy giờ cũng có nhiều người đỗ đại khoa như Phan Như Khuê đỗ tiến sĩ năm 1733, Phan Khiêm Thụ đỗ tiến sĩ khoa Đinh Sửu (1757). Đến cuối thời nhà Lê còn có Bùi Dương Lịch đỗ Hoàng giáp và Phan Bảo Định đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1787. Ngoài ra, họ Phan Huy ở Thiên Lộc có Phan Cẩn đỗ tiến sĩ năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754), Phan Huy Ích đỗ tiến sĩ khoa Cảnh Hưng thứ 36 (1775) và Phan Huy Ôn đỗ tiến sĩ năm Cảnh Hưng thứ 40 (1779).
Sinh ra và lớn lên từ một vùng quê có nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp, một mảnh đất hiếu học, người dân lam lũ, chất phác đã phần nào ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của La Sơn phu tử. Được tiếp xúc với nền giáo dục Nho học từ sớm, ngay từ thời niên thiếu, Nguyễn Thiếp đã nổi tiếng với văn tài lỗi lạc. Trong sách “La Sơn phu tử”, Hoàng Xuân Hãn có viết rằng: “...Cụ bấy giờ 14 tuổi, chính là đương lúc ra sức học hành, noi gương tiền bối chung quanh, lòng nên phấn khởi” (2). Bởi vậy, có thể thấy những vị đại khoa, nhà Nho nổi tiếng cùng thời đến từ vùng La Sơn nói riêng và vùng Hoan Châu nói chung đều có những ảnh hưởng nhất định đến Nguyễn Thiếp.
Ảnh hưởng của gia đình, dòng họ
Dòng họ Nguyễn của Nguyễn Thiếp là một dòng họ có tiếng tại vùng Hoan Châu lúc bấy giờ. “Quả thật vậy, họ Nguyễn ở Mật Thôn, trong suốt ba trăm năm ở triều Lê, đã có thể liệt vào hàng cự tộc trong xứ” (3). Tuy nhiên, họ Nguyễn nguyên không ở Mật Thôn mà vốn ở làng Cương Gián (Nghi Xuân), bên kia núi Hồng Lĩnh phía Đông Bắc Nguyệt Ao. Dưới thời vua Lê Thánh Tông, họ Nguyễn có một người theo nghề võ tên là Nguyễn Khai, bởi lập công trong cuộc đánh Chiêm Thành vào năm 1472 nên được vua phong tước. Sau này, vua sai ông đi bắt voi trắng tại núi Trà Sơn “cho nên ông có dịp qua làng Mật Thôn, trú binh ở đó. Ông chọn con gái họ Võ ở sở tại làm hầu. Bà sinh được một con trai và cùng con ở lại Mật Thôn. Vì thế mới có chi họ Nguyễn ở đó. Gia phổ họ Nguyễn chép ông võ tướng kia làm thủy tổ”. Sau này, Nguyễn Khai mất, được phong tước và ban huy hiệu là Lưu quận công. Người con của Lưu quận công tên là Tú Lâm, sau này, lấy vợ ở thôn Nguyễn Xá. Chính từ đời ông Tú Lâm, họ Nguyễn thành người làng Nguyệt Ao, thôn Nguyễn Xá, tổng Lai Thạch, huyện La Giang.
Đền thơ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ở xã Kim Song Trường (Can Lộc). Ảnh Thiên Vỹ
Ông Tú Lâm sinh được 6 người con, trong số đó có Nguyễn Bật Lãng đậu Hoàng giáp chế khoa khi được vua Lê mở tại Thanh Hóa vào năm 1576. Đời thứ 4, dòng họ không có ai hiển đạt nhưng vẫn là dòng họ giàu có. Đời thứ 5, gia phả ghi lại có 3 người hiệu sinh trúng thức, trong đó có ông Bật Phụ làm đến Huấn đạo ở phủ Thuận An (nay thuộc Bắc Ninh). Đời thứ 6 có 3 hiệu sinh trúng thức. Đời thứ 7 có 1 hiệu sinh trúng thức. Đời thứ 8 cũng có 1 hiệu sinh trúng thức.
Đời thứ 9 là đời thân sinh Nguyễn Thiếp. Tuy cha của Nguyễn Thiếp không đỗ đạt nhưng dòng họ có ông Hiển Phát đậu Hương giải, làm quan đến Tri phủ và chú ruột cụ Nguyễn Thiếp là Nguyễn Hành đậu Tiến sĩ khoa Quý Mùi đời Long Đức (1733). Đời thứ 10 là đời Nguyễn Thiếp. Tuy không có ai đậu đại khoa, nhưng có tới 10 người đậu Tam trường và cụ đậu Hương giải. Trong số đó, 2 người anh em ruột của cụ, 3 người đường đệ con ông Tiến sĩ Nguyễn Hành và 2 em họ con ông Tri phủ Hiển Phát. Như vậy, dòng họ của Nguyễn Thiếp bấy giờ được coi là dòng họ có học hành và giàu có.
Thân phụ của Nguyễn Thiếp là cụ Quản lĩnh Nguyễn Quang Trạch, thân mẫu của ông là con gái của họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu. Họ Nguyễn Huy là một họ lớn, nổi tiếng khắp vùng về văn học. Bởi vậy, Nguyễn Thiếp sớm được tiếp xúc với nền học vấn Nho học. Người “khai tâm” cho ông không ai khác chính là người mẹ ông hết mực tôn kính. Bà vừa là người mẹ luôn gần gũi thương yêu các con hết mực, lại vừa là người thầy nghiêm khắc dạy dỗ các con nên người. Mẹ chính là người đầu tiên và cũng là người trong suốt cuộc đời đã có ảnh hưởng sâu đậm trong việc bồi đắp vốn văn hóa cho La Sơn phu tử.
Chú ruột của La Sơn phu tử là Nguyễn Hành, sinh ngày 24/1 năm Chính Hòa thứ 21 (1700), hiệu Nguyệt Khê, đỗ tiến sĩ năm 1733, làm quan đến chức Hàn lâm, Đông Các hiệu thư. Nguyễn Hành cũng được xem là người thầy lớn của La Sơn phu tử. Nguyễn Hành là người chỉ biết lấy sách làm thú vui, bản thân ông không ham uy quyền, nên dù làm quan nhưng gia đình vẫn không khá giả. Có lẽ chính đức tính này của Nguyễn Hành đã ảnh hưởng rất nhiều đến Nguyễn Thiếp. Đến năm 1740, dưới thời chúa Trịnh Doanh, Nguyễn Hành được cử làm Hiến sát sứ ở Thái Nguyên. Bây giờ chú 42 tuổi còn Nguyễn Thiếp 19 tuổi. Nguyễn Thiếp lên Thái Nguyên theo chú học. Thời gian ở Thái Nguyên, Nguyễn Thiếp được chú Nguyễn Hành dạy dỗ chu đáo nhất.
Tưởng nhớ công ơn to lớn của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, con cháu dòng họ và Nhân dân quanh vùng ngày đêm hương khói thờ phụng tiền nhân.
Có thể thấy rằng, Nguyễn Thiếp sinh trưởng trong một gia đình, dòng họ giàu truyền thống. Không những vậy, ông còn “có thầy, có bạn trong nhà”. Với tư chất thông minh sẵn có, “ông thiên tư sáng suốt, học rộng, hiểu sâu” cùng những ảnh hưởng đặc biệt từ gia đình, dòng họ, chính là những điều kiện hun đúc nên một La Sơn phu tử tài năng.
Cuộc đời La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp trải qua nhiều bước ngoặt lịch sử. Dù khi từng làm quan, làm thầy, được nhà vua trọng vọng, hay có lúc trở về làm một người dân bình dị thì Nguyễn Thiếp luôn là biểu tượng của một trí tuệ lớn, giàu đạo đức, nhân cách. Những đóng góp to lớn của Nguyễn Thiếp cho dân tộc mãi được hậu thế trân quý và khắc ghi. Để tạo nên một La Sơn phu tử như thế, có thể nói, những truyền thống tốt đẹp của quê hương, gia đình và dòng họ đã góp phần bồi đắp nên một một con người tiết tháo, một danh sĩ tài cao đức trọng.
______
(1) Nhạc Sạc có nghĩa là con phượng con. Bởi đứng từ xa thấy núi hình hai cánh chim đang bay, nên đặt tên là núi Phượng.
(2), (3) Hoàng Xuân Hãn (1952), La Sơn Phu Tử, NXB Minh Tân, Paris, tr. 28, tr. 18.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Gia phả dòng họ Nguyễn, tài liệu lưu tại nhà thờ họ Nguyễn, xã Nguyệt Ao.
2.Hoàng Xuân Hãn (1952), La Sơn Phu Tử, NXB Minh Tân, Paris.
3.Nhiều tác giả (2005), Can Lộc một vùng địa linh nhân kiệt, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội.
4.Nguyễn Sĩ Cẩn biên soạn (1998), thơ La Sơn phu tử, NXB Nghệ An.
5.https://canloc.hatinh.gov.vn