Quê hương Nghệ Tĩnh trong tấm lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp

(Baohatinh.vn) - Quê hương Nghệ Tĩnh không những để lại nhiều dấn ấn quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Thiếp mà còn hiện hữu trong tấm lòng Phu tử với những áng thơ văn đầy niềm tự hào, yêu quý, suy tư.

Nghệ Tĩnh trong cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Thiếp

Không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn, Nghệ Tĩnh còn gắn liền với những sự kiện lớn trong cuộc đời Nguyễn Thiếp. Ông bước vào đường khoa cử với kỳ thi Hương tại trường Nghệ An. Thời trai trẻ, ông ngao du sơn thủy và dạy học khắp quê nhà. Năm 34 tuổi, ông làm Huấn đạo Anh Đô, năm 40 tuổi làm Tri huyện Thanh Chương (đều thuộc trấn Nghệ An).

Sau khi từ quan, ông về làng mở am dạy học. Quê nhà là nơi Nguyễn Thiếp lần đầu hội kiến Nguyễn Huệ vào năm 1788 và lần hai để bàn kế sách đánh quân Thanh năm 1789. Ông được giao chức Đề điệu kiêm Chánh chủ khảo trường Nghệ An, khoa thi Hương đầu tiên của vương triều Tây Sơn. Đây cũng là nơi hoàng đế Quang Trung đặt Sùng Chính thư viện, tin tưởng giao Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng và coi sóc việc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô.

Sự gắn bó của Nguyễn Thiếp với quê hương còn thể hiện qua những quyết định trên mỗi ngả rẽ của con đường công danh. Năm 1780, Trịnh Sâm cho mời ông ra Thăng Long bàn kế lật đổ nhà Lê. Nguyễn Thiếp can không được nên bỏ về dạy học. Quang Trung xưng đế, mời Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân giúp vua nhưng ông thoái thác. Nguyễn Ánh lên ngôi, tỏ ý trọng dụng thì ông tìm cách cáo về. Rõ ràng, trước những cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, Nguyễn Thiếp đều chọn cách quay về quê nhà vui thú điền viên, chuyên tâm dạy học và giữ tròn khí tiết.

Quê hương Nghệ Tĩnh trong tấm lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp

La Giang phu tử, Lam Hồng dị nhân và La Sơn phu tử là 3 trong rất nhiều biệt hiệu mà người đời vẫn thường dùng khi nói về Nguyễn Thiếp. Trong đó, La Sơn phu tử là biệt hiệu được dùng thường xuyên và quen thuộc nhất, do vua Quang Trung dùng để gọi tên ông. Tranh minh họa từ internet

Nghệ Tĩnh trong niềm tự hào, yêu quý của La Sơn

Nguyễn Thiếp là người trọn đời gắn với quê nhà, dấu chân từng in khắp vùng Hồng Lam rộng lớn, như lời tự thuật trong Hạnh Am ký: “Núi sông miền Nam Châu, dấu chân có gần khắp”. Chính điều này đã bồi đắp trong ông tình yêu sâu xa với quê hương bản xứ.

Trong Hạnh Am thi cảo, ông viết về quê hương Nghệ Tĩnh bằng cảm hứng tự hào mãnh liệt: Trung thổ đa tài kiệt/ Minh thời thuộc Diễn, Hoan/ Long chi phân hữu cán/ Địa thế cực Nam man/ Thủy khoát Song Ngư hải/ Thiên cao Vạn Nhẫn san/ Niên lai văn khí thịnh/ Quang xạ Đẩu Ngưu gian (Trung thổ nhiều tài kiệt/ Vượng ở châu Diễn, Hoan/ Mạch rồng chia nhánh hữu/ Thế đất giáp Nam man/ Biển Song Ngư rộng lớn/ Núi Vạn Nhẫn trời cao/ Năm nay văn khí thịnh/ Sáng dọi đến Đẩu Ngưu – bài Hoan Châu).

Ông dành sự ngưỡng vọng cho các bậc “nhân kiệt” của đất Hoan Châu “địa linh” quê mình như: Mai Hắc Đế, Nguyễn Biểu, Lê Lợi: Khả liên anh hùng Mai Thúc Loan/ Khước nhân tặc thần Dương Tư Thúc (Thương thay Mai Thúc Loan anh hùng/ Bị bọn tặc thần Dương Tư Thúc hãm hại – bài Kinh Hắc Đế từ); Anh quốc thành hoang phương thảo lục/ Nghĩa Vương kiều tại tịch dương hồng (Anh Quốc thành hoang xanh cỏ dại/ Nghĩa Vương cầu nọ rực tà dương – bài Đăng Nghĩa Liệt sơn)...

Ông yêu mến cảnh núi sông hữu tình cũng như các danh lam thắng tích của quê mình: Hồng Sơn dĩ bắc sơn chi tý/ Cá cá chi miên lũng diệc thô/ Hương Tích đại đô long hựu khứ/ Hoa Khê cường bán thủy đông lưu (Hồng Sơn phía bắc núi dang tay/ Gò đống nhấp nhô mấy dãy dài/ Hương Tích giành trời bên hữu trải/ Hoa Khê dồn nước hướng đông xuôi – bài Du Liêu Đông); Kệ Trường cư huyện sách/ Bình địa khởi Kim Nhan/ Thần bút xung tiêu hán/ Tiên hồ lạc thế gian/.../ Thu tận tinh linh khí/ An Nam tiểu Thái San (Giữa Kệ Trường bình địa/ Đột khởi ngọn Kim Nhan/ Bút thần chọc trời thẳm/ Bầu tiên rơi thế gian/Khí linh thiêng thu hết/ An Nam ấy Thái San – bài Kim Nhan động)...

Truyền thống quê hương đã làm giàu cho thế giới thơ Nguyễn Thiếp. Đến lượt mình, phu tử với những vần thơ chân tình đã góp phần tô điểm cho quê hương.

Quê hương Nghệ Tĩnh trong tấm lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp

Đền thơ La Sơn phu tử - Nguyễn Thiếp ở xã Kim Song Trường (Can Lộc). Ảnh Thiên Vỹ

Nghệ Tĩnh trong nỗi ưu tư, thương nhớ của Nguyễn Thiếp

La Sơn chứng kiến, thấu hiểu thiên nhiên khắc nghiệt cũng như cuộc sống cơ cực của người dân Nghệ Tĩnh. Ông viết về người dân quê mình bao giờ cũng nặng lòng đau đáu. La Sơn nói đến cảnh mất mùa, đói kém của người dân quê một cách ngậm ngùi: Hoan Châu cửu tòng dịch/ Tài lực đãi vô di/ Huống phục nhị tam niên/ Hung mang thất sở y/ Cùng dân thập ngũ lục/ Ngạ biễu dữ lưu di/ Vị mông khoan tức chiếu/ Dĩ thi thôi loát kỳ (Hoan Châu đã lâu phải chịu binh dịch/ Của cải sức người chẳng còn gì/ Huống gì hai ba năm nay/ Mất mùa, chẳng biết dựa vào đâu/ Dân cùng cực mười phần thì năm sáu phần/ Chết đói và lưu tán/ Chưa được chiếu ban ơn khoan sức/ Lại thêm thuế thúc bách –bài Thừa phúc).

Ông nhìn thấy nguyên nhân không chỉ bởi nạn binh dịch, sưu cao thuế nặng mà còn ở tình trạng xã hội bất ổn, chiến tranh liên miên: Thánh vương cửu bất hưng/ Tranh chiến đồ phân phân (Thánh vương lâu không thấy/ [Chỉ có] khói lửa chiến tranh tơi bời – Phó tỉnh thí bất quả đăng Đông Lũy thành); và bởi thiên tai, lũ lụt triền miên: Thiên Nhẫn phong hòa vũ/ Bình trù ba dục phiên/ Đảo úng thiên như lậu/.../ Niên mang huyền khánh thất/ Mễ quý sinh trần phủ (Thiên Nhẫn mưa cùng gió/ Dưới đồng bằng sóng muốn lật/ Trời trút nước như bị thủng/.../ Năm mất mùa trong nhà khánh kiệt/ Gạo đắt nồi niêu để mốc meo – bài Vũ trung vọng cố hương). Do đó, trong tờ biểu dâng lên vua Quang Trung, Nguyễn Thiếp nói về dân tình Nghệ Tĩnh bằng những lời gan ruột: “Nghệ An đất xấu dân nghèo [...]. Gặp năm mất mùa, dịch tật, kẻ thì chết đói, người thì xiêu bạt. Còn lại mười phần chỉ có năm, sáu mà thôi. Nay mùa khô khan, đồng ruộng bỏ hoang, ruộng cấy rất ít”.

Quê hương Nghệ Tĩnh trong tấm lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp

Bức tượng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp bằng đồng thể hiện vẻ uy nghi.. (ảnh chụp tại Đền thờ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, thôn Lũy, xã Kim Song Trường - Can Lộc, quê hương ông).

Dù cơ cực, nhọc nhằn nhưng quê hương Nghệ Tĩnh vẫn đẹp mãi trong lòng La Sơn phu tử. Mỗi lúc đi xa, ông không nguôi thương nhớ quê nhà. Vào Bố Chính, Quảng Bình, Nguyễn Thiếp nghĩ về núi Trà, núi Bột gần làng: Trà, Bột quê nhà cũng chẳng khơi. Ra Bắc thi Hội, ông lại nhớ về vườn xưa: Chè, quýt vườn ta, ta bón xới. Nỗi nhớ thương giản dị, lắng sâu dành cho quê nhà là điều thật đáng quý trong tấm lòng phu tử.

Vùng đất Nghệ Tĩnh địa linh nhân kiệt đã hun đúc nên một La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Để rồi, bằng tài năng, tâm đức, ông đã tiếp nối, phát huy truyền thống và vinh danh quê hương bằng những cống hiến to lớn cho dân tộc, trong đó có những vần thơ đặc sắc về đất và người sông Lam núi Hồng. Sự gắn bó sâu sắc giữa Nguyễn Thiếp và đất Hồng Lam để lại cho đời một biểu tượng đẹp về mối liên hệ giữa danh nhân và quê hương.

Video: Theo dấu chân nhà hiền triết Nguyễn Thiếp. Thực hiện: Thiên Vỹ - Đức Quang

Chủ đề Danh nhân Hà Tĩnh

Chủ đề Kỷ niệm 300 năm ngày sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp

Đọc thêm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Sở hữu giọng hát ngọt ngào, sâu lắng nhưng cũng đầy nội lực cùng ngoại hình xinh đẹp, nữ ca sĩ GenZ Hoàng Thu Hà (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã xuất sắc vượt qua các vòng thi của Sao Mai xứ Nghệ 2024 để đoạt giải quán quân một cách đầy thuyết phục.
7 năm cõng bạn vào lớp

7 năm cõng bạn vào lớp

Trong suốt 7 năm, hành trình gắn bó với con chữ của Lê Xuân Thịnh Hưng (lớp 10A6, Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) luôn có sự đồng hành của 2 bạn Đức Công và Nhật Hào.
Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những làn điệu ví, giặm ngọt ngào đang ngày ngày được lan tỏa nhờ các tài năng nhí ở Hà Tĩnh. Giọng hát của các em góp phần gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương.
Tuổi cao nêu gương sáng

Tuổi cao nêu gương sáng

Không chỉ có lối sống mẫu mực, giáo dục con cháu sống hiếu thuận, nhiều người cao tuổi ở Hà Tĩnh còn đi đầu, bước trước, thể hiện vai trò nêu gương sáng trong cộng đồng.
Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Hà Tĩnh là vùng đất cổ, có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa, chính trị... nhưng đến nay vẫn chưa có công trình địa chí tổng quan về văn hóa, con người núi Hồng, sông La.