La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp với sự nghiệp giáo dục nhà Tây Sơn và giá trị đối với phát triển giáo dục hiện nay

(Baohatinh.vn) - Nguyễn Thiếp (1723 - 1804) được sinh ra trong một gia đình hiếu học tại làng Mật Thôn, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang (nay thuộc Can Lộc, Hà Tĩnh). Ông là một trong bốn nhân vật được giới học thuật xếp vào hàng phu tử (nhà hiền triết) trong lịch sử dân tộc.

Từ nhỏ Nguyễn Thiếp đã bộc lộ thiên chất thông minh, học rộng, hiểu sâu, sớm nhận biết được nhân tình thế thái, được theo học với người chú Nguyễn Hành (Nguyễn Hành đậu tiến sĩ năm 1733) làm quan Hiến sát sứ ở Thái Nguyên nên cụ sớm hiểu biết được cuộc sống nơi chốn quan trường.

Năm 1743, ông đi thi Hương và đậu hương giải, được bổ làm Huấn Đạo rồi thăng Tri Huyện Thanh Chương (Nghệ An). Ra làm quan giữa thời buổi nhiễu nhương, với cảnh tượng “chúa ác, vua hèn”, giặc giã liên miên, càng ngày Nguyễn Thiếp càng bộc lộ nỗi ưu thời mẫn thế, chán ghét chốn quan trường.

Năm 1786, Nguyễn Thiếp quyết định rũ áo, từ quan, lên núi Thiên Nhẫn lập trại và bắt đầu sống cuộc đời ẩn cư với danh hiệu La Sơn Phu Tử. Ông đã dạy học và đi đây đó khắp núi Hồng, sông Lam. Qua hơn 10 năm dạy học trong nhân dân, uy tín của Nguyễn Thiếp được lưu truyền, lan tỏa khắp cả nước. Ông nổi tiếng là người đạo hạnh thanh cao, có trình độ uyên bác. Cả nước hâm mộ tôn ông là bậc thầy. Ông cũng là con người cao sĩ, sống ẩn dật. Chúa Trịnh nhiều lần mời ông ra làm quan, nhưng ông từ chối. Chỉ đến khi vua Quang Trung kiên nhẫn cầu hiền đến ba lần, ông mới nhận lời giúp.

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp với sự nghiệp giáo dục nhà Tây Sơn và giá trị đối với phát triển giáo dục hiện nay

Nguyễn Thiếp đã 3 lần từ chối lời mời của Nguyễn Huệ. Đến tháng 6/1788, khi Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lần thứ hai, đến đất Nghệ An, ông đã cử Cẩn Tín hầu Nguyễn Quang Đại mang thư đến mời Nguyễn Thiếp đến hội kiến. Lần này, Nguyễn Thiếp đồng ý ra giúp vua Quang Trung. Tranh minh họa Internet.

Sau khi đại thắng quân Thanh, năm 1791, vua Quang Trung cho mời Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân để bàn việc quốc gia đại sự. Cảm động trước sự chân tình của vị vua “áo vải cờ đào”, ông nhận lời giúp vua, cứu nước, đã có những đóng góp to lớn cho nhà Tây Sơn với cương vị cố vấn cấp cao của triều đình, được vua Quang Trung hết mực tin tưởng.

Sinh ra và lớn lên trong chế độ phong kiến, nhưng Nguyễn Thiếp không bị ràng buộc bởi ý thức hệ phong kiến, trung quân một cách mù quáng. Khi Lê Chiêu Thống rước quân Thanh về giày xéo đất nước thì Nguyễn Thiếp kiên quyết dứt khoát hẳn với nhà Lê để đứng hẳn về lập trường dân tộc và hết mình giúp vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh giặc cứu nguy đất nước. Hoàng giáp Bùi Huy Bích (1744-1818) đã ca ngợi:

“... Ngẩng trông am núi cách vời

Núi cao rừng thẳm, tột trời mây xanh

Muốn lên thăm hỏi sự tình

Lại e một nỗi ông khinh người phàm”

Và:

“...Khác người chỉ có một ông

Ấn quan trao trả, non sông thỏa tình

Người ta trỏ Lục Niên thành

Nam Sơn cạnh núi, náu hình am ông”.

Sau khi Quang Trung đánh đuổi giặc Thanh, Nguyễn Thiếp trở thành một trong những vị học giả được vua tin cậy nhất. Vua biết ông không thích tham gia chính sự nên nhờ giải quyết những việc có tính chất học thuật và đặc biệt giao hẳn việc tổ chức nền giáo dục mới. Ngay tại khoa thi Hương đầu tiên dưới triều đại Quang Trung (tổ chức ở Nghệ An vào năm 1789), Nguyễn Thiếp được cử làm Đề điệu kiêm Chánh Chủ khảo.

Ông khuyên nhà vua hòa hoãn với nhà Thanh để tập trung xây dựng đất nước trở thành một quốc gia cường thịnh. Vua Quang Trung rất quý trọng học vấn và tư cách của Nguyễn Thiếp, phong ông là La Sơn phu tử, gọi là tiên sinh không gọi tên. Vua còn tin tưởng giao cho ông việc thẩm định đức độ và tài năng của những người mới ra hợp tác với nhà Tây Sơn. Đặc biệt hơn, Vua còn giao cho ông trọng trách lựa chọn địa điểm để xây dựng kinh đô mới của triều đại nhà Tây Sơn tại khu vực giữa núi Dũng Quyết, thành phố Vinh, Nghệ An. Kinh đô mới được đặt tên là Phượng Hoàng Trung Đô (1).

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp với sự nghiệp giáo dục nhà Tây Sơn và giá trị đối với phát triển giáo dục hiện nay

Đền thờ vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết. Ảnh: internet.

Năm 1791, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp tấu lên vua ba việc về đạo làm vua. Một là vua phải làm thế nào để thực hiện một ông vua có đức. Hai là vua phải làm thế nào để lòng dân quy thuận. Ba là việc giáo dục phải tổ chức thế nào cho hiệu quả.

Sau khi đăng quang Hoàng đế vào năm 1788, Quang Trung đã ban hành Chiếu lập học, văn bản do Ngô Thì Nhậm soạn thảo. Chiếu này nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp bách của việc học như sau: “Xây dựng đất nước lấy việc học làm đầu, tìm lẽ trị bình, tuyển nhân tài làm gấp. Trước kia bốn phương xảy ra nhiều việc biến động, chế độ học hành không được sửa sang, phép khoa cử dần dần sa sút, nhân tài ngày một khan hiếm. Việc đời lúc trị, lúc loạn là lẽ tuần hoàn. Song sau khi loạn càng cần phải hưng khởi chấn chỉnh, lập giáo hoá đặt khoa cử. Đó là quy mô lớn chuyển loạn thành trị vậy.”

Như vậy, theo Quang Trung, việc xây dựng lại quốc gia đồng nhất với xây dựng mới bộ máy cai trị nhưng nhân tài cần thiết cho việc này lại vô cùng thiếu hụt. Do đó, việc học với tư cách nguồn cung ứng nhân sự cho hệ thống cai trị có ý nghĩa sống còn đối với xây dựng lại quốc gia. Tóm lại, Chiếu lập học tiếp tục quan niệm học là để làm quan.

Với “Học pháp” mà cụ nêu trong Tấu khuyên vua Quang Trung ba điều về trị nước, Nguyễn Thiếp đặt việc học ở tầm cao hơn: học không chỉ để đạt được vị thế xã hội mà trước hết để trở thành người có đạo đức. Cụ viết: “Ngọc không chuốt không thành đồ; người không học, không biết đạo. Đạo là những lẽ thường theo để làm người. Kẻ đi học là học điều ấy vậy. Nước Việt ta, từ khi lập quốc đến giờ, chính học lâu ngày mất. Người ta chỉ đua tập lối học từ chương cầu danh lợi mà quên bẵng có cái giáo tam cương, ngũ thường.”

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp với sự nghiệp giáo dục nhà Tây Sơn và giá trị đối với phát triển giáo dục hiện nay

La Giang phu tử, Lam Hồng dị nhân và Là Sơn phu tử là 3 trong rất nhiều biệt hiệu mà người đời vẫn thường dùng khi nói về Nguyễn Thiếp. Trong đó, La Sơn phu tử là biệt hiệu được dùng thường xuyên và quen thuộc nhất, do vua Quang Trung dùng để gọi tên ông. Tranh minh họa từ internet

“Tam cương” (Nhân, Nghĩa, Khí) và “Ngũ thường” (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) là những nguyên tắc đạo đức cơ bản liên quan đến hành vi tốt, cách cư xử đúng mực trong xã hội và cuộc sống hằng ngày. Có được những phẩm chất này, mỗi cá nhân sẽ góp phần tạo nên một tình trạng ổn định, tuân thủ luật pháp và hòa hợp trong xã hội, điều này đến lượt nó sẽ tác động tích cực đến sự thịnh vượng và phát triển bền vững của quốc gia.

Nguyễn Thiếp nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo đức trong việc học còn là vì cụ thấu hiểu rằng sự tương tác đôi chiều giữa đạo đức và việc học. Một mặt, đạo đức tạo điều kiện cho việc học trở nên có giá trị và ý nghĩa hơn, trong khi việc học lại lan tỏa và thể hiện đạo đức. Mặt khác, đạo đức làm cho người học hiểu rằng học không chỉ để tích luỹ kiến thức cho bản thân, mà còn để chia sẻ và truyền đạt kiến thức cho cộng đồng xung quanh, điều này lại có tác dụng làm lan tỏa việc học. Tóm lại, việc học và đạo đức tương hỗ và thúc đẩy lẫn nhau, đem lại sự gắn kết trong cộng đồng và xã hội, từ đó góp phần xây dựng một xã hội đoàn kết và thịnh vượng. Với cách đặt vấn đề như vậy, Nguyễn Thiếp còn định hình tầm quan trọng của việc học trong việc tạo ra sự thay đổi tích cực trong cộng đồng và qua đó thể hiện tầm nhìn xã hội của vị Phu Tử.

Quan điểm giáo dục của Nguyễn Thiếp giúp nhà Tây Sơn cải cách giáo dục là: “Giáo dục tốt thì người tốt nhiều, người tốt nhiều thì triều cương chính, thiên hạ trị”. Theo Nguyễn Thiếp, việc học cần ở chỗ thiết thực. “Người không học, không biết đạo”, ông cho rằng kẻ đi học chỉ để học điều ấy. Ông cũng cho rằng sự học thời Lê - Trịnh không còn giữ được điều cơ bản trên, “người ta chỉ tranh đua học từ chương, cốt cầu công danh mà quên hẳn sự học tam cương, ngũ thường”, từ đó dẫn đến tình trạng “chúa tầm thường, tôi nịnh hót, quốc phá gia vong”. Mọi tệ nạn xã hội đều từ đường hướng giáo dục không thiết thực. Nguyễn Thiếp cũng đề nghị mở rộng ngành sư phạm ra toàn diện, học bao gồm cả học văn, học võ (2).

Về cách dạy, ông lấy tiểu học là gốc, từ đó mở rộng dạy tứ thư, ngũ kinh, các bộ sử. “Học rộng rồi tóm lại cho gọn, theo điều học mà làm. Làm như vậy mới đào tạo được nhân tài, đất nước nhờ đó mà vững yên... Việc giáo dục tốt thì người tốt nhiều, nhiều người tốt thì triều cương chình và thiên hạ trị” (3). Từ đó có thể thấy, Nguyễn Thiếp luôn đề cao việc giáo dục đạo đức trong dạy học.

Thời đó, vua Quang Trung muốn mời La Sơn phu tử ở tại Phú Xuân dạy học cho chính mình nhằm chấn hưng nền giáo dục của đất nước nhưng Nguyễn Thiếp đã về trường cũ, tiếp tục hàng loạt cải cách giáo dục theo sự gợi ý của vua.

Những lời tấu trong bản Luận học pháp của Nguyễn Thiếp đã được vua nghe theo. Ngày 20/8/1791, nhà vua ban chiếu lập “Sùng Chính thư viện” và mời ông làm Viện trưởng. Sau đó nhà vua tiếp tục ban bố Chiếu lập học, khuyến khích các xã mở trường học, những người đã trúng tuyển ở kỳ thi cũ phải thi lại, những người dùng tiền bạc để mua bằng cấp thì phải thu hồi.

Sau khi lập “Sùng Chính thư viện”, Nguyễn Thiếp đã đề ra những cải cách văn hóa, giáo dục một cách cụ thể, khoa học. Nguyễn Thiếp hết lòng chăm sóc việc dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm để dạy học, phổ biến trong dân chúng thực hiện cải cách giáo dục, đào tạo nhân tài. Một mặt ông giúp vua Quang Trung có tài liệu để chuẩn bị quyết định quy chế mới về học tập và thi cử, đưa chữ Nôm vào chương trình học vào chương trình học và thi; mặt khác để chuẩn bị các sách giáo khoa bằng tiếng Việt nhằm tiến hành quy chế giáo dục mới.

Công việc của Viện Sùng Chính có ý nghĩa rất lớn đối với việc đặt cơ sở cho công cuộc cải cách giáo dục của nhà Tây Sơn. Công lao lớn nhất của Nguyễn Thiếp là thực hiện chủ trương của vua Quang Trung đề cao chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của nước ta. Ông đã dịch nhiều bộ sách quan trọng từ chữ Hán sang chữ Nôm, như các bộ: Tiểu học, Tứ thư (gồm 32 tập) và các bộ Kinh thi, Kinh thư, Kinh dịch... sang chữ Nôm để chuẩn bị quy chế mới về học tập và thi cử dưới thời Tây Sơn.

Tháng 9/1792, vua Quang Trung đột ngột băng hà, mọi lo toan cho sự nghiệp giáo dục của La Sơn Phu tử bị đứt quãng; mọi cố gắng của ông cũng thành dang dở. Sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã xử những người theo Tây Sơn vô cùng tàn bạo. Tuy nhiên, đối với Nguyễn Thiếp, Nguyễn Ánh vẫn có lòng kính trọng nhất định, ngỏ ý muốn mời Nguyễn Thiếp ra giúp triều đình nhưng ông đã từ chối. Nguyễn Thiếp về lại Thiên Nhẫn, tiếp tục sống cuộc đời ẩn dật như xưa, không bận lòng đến thế sự. Hai năm sau, ngày 25 tháng Chạp năm Quý Hợi (1804), ông mất tại quê nhà trong niềm tiếc thương vô hạn của giới sĩ phu và người dân hiếu học.

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp có nhiều đóng góp với vua Quang Trung ở các lĩnh vực sau: Thứ nhất, thống nhất với vua Quang Trung thời cơ đánh quân Thanh (Chiến lược “thần tốc” là do ông nêu ra. Ông cũng khẳng định trước là vua Quang Trung sẽ thắng). Thứ hai, nhận chức Viện trưởng Viện Sùng chính, chỉ đạo việc dịch các sách chữ Hán ra chữ Nôm, góp phần đưa chữ Nôm trở thành ngôn ngữ chính của nước ta thời bấy giờ. Thứ ba, đề xuất với vua Quang Trung chính sách giáo dục tiến bộ, nhấn mạnh việc chính học, việc giảng dạy đạo đức trong trường học, tiến hành cải cách giáo dục góp phần thu hút nhân tài cho đất nước. Với tầm hiểu biết sâu rộng, kiến thức uyên bác, ông được vinh danh là một trong những nhà giáo ưu tú nhất thời phong kiến.

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp với sự nghiệp giáo dục nhà Tây Sơn và giá trị đối với phát triển giáo dục hiện nay

“Mật Thôn Nguyễn tộc gia phả” do Nguyễn Thiếp viết, về sau được con cháu tục biên, trở thành tư liệu quý để Giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết nên cuốn sách “La Sơn phu tử”. Ảnh: internet

Đương thời, Nguyễn Thiếp được người dân suy tôn làm Phu tử, uy tín lừng lẫy. Ông tuy không có địa vị khoa bảng cao, chỉ dạy học rồi lui về ở ẩn nhưng vẫn vang danh cả nước được người dân nể phục. Danh tiếng của ông do phẩm chất cao thượng, quá trình tu dưỡng và những đóng góp của ông cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục mà thành. Những tư tưởng về giáo dục được ông đề cập cụ thể trong tác phẩm Luận học pháp cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, bởi đó là những lời tâm huyết đại diện cho nhiều nỗi niềm chung của bao người Việt Nam.

Mở đầu bài tấu, Nguyễn Thiếp viết: “Ngọc không chuốt không thành đồ; người không học, không biết đạo”. Điều này cho thấy ông đã sớm đề cập đến mục đích của việc học. Học để biết rõ đạo thì con người mới biết đối xử tử tế với mọi người xung quanh, phải xác định là không học để mưu cầu danh lợi, không chỉ học cho cá nhân mình, học để “lập đức”, “lập công”, để phò vua giúp nước; từ đó có trách nhiệm với quê hương, đất nước. Quan trọng hơn đó là giáo dục chú trọng vào đạo đức để tạo ra những con người có phẩm hạnh, có tri thức biết làm những việc vì lợi ích chung, có ích cho cộng đồng, cho nước nhà.

Ông phê phán việc học cầu danh lợi cho bản thân. Đó là lối học hình thức, học thuộc lòng, học vẹt, học mà không hiểu được bản chất vấn đề, học mà không biết vận dụng tri thức vào cuộc sống, không biết phát huy tác dụng của việc học vào việc hành và xử đạo ở đời. Học như vậy chỉ có cái danh hão mà không thực chất. Học chỉ để đỗ đạt có danh tiếng, bằng cấp, phẩm hàm, được trọng vọng, để làm quan, để được nhàn nhã bản thân, được nhiều bổng lộc, vinh hoa phú quý cho riêng mình, người thân của mình... và chính lối học ấy đã dẫn đến hậu quả “thần nịnh hót”, ghét bỏ những người ngay thẳng, trung thực, những người hiền tài. Những luân thường, đạo lí trong xã hội bị rạn nứt, rường cột xã tắc lung lay... Đây là những nội đung mà chúng ta đang đấu tranh khắc phục hiện nay. Theo ông, để học tập hiệu quả, phải có phương pháp. Đó là, phải học có hệ thống; học nhiều biết rộng nhưng phải biết nắm lấy cái cốt lõi, học phải đi đôi với hành: “Học rộng rồi tóm lược cho gọn, theo điều học mà làm”. Nguyễn Thiếp vừa chú trọng học đạo đức vừa chú trọng lao động. Trong bài Sơn cư tác Nguyễn Thiếp viết:

Thế sự chi bằng đọc với cày

Lụt thì ta nghỉ, ráo ra tay

Học đừng vụn vặt nên suy rộng

Sách chẳng cần nhiều, cốt tinh hay. (4)

Tư tưởng của Nguyễn Thiếp đã gắn liền việc học đi đôi với hành, học để vận dụng vào cuộc sống trước chúng ta ngày nay hàng trăm năm. Đây là quan điểm tiến bộ, độc đáo vượt ra ngoài khuôn khổ của Nho gia. Việc giảng dạy đạo lý của ông chủ yếu là làm cho con người tự bồi dưỡng nâng cao để xây dựng cuộc đời trong sạch, tiến bộ. Ông dạy như thế, và đã tự mình sống như thế. Nhiều quan điểm của ông có nét tương đồng với quan điểm của Đảng ta về giáo dục hiện nay. Điều này được thể hiện rõ trong trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đó là phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn...

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp với sự nghiệp giáo dục nhà Tây Sơn và giá trị đối với phát triển giáo dục hiện nay

Đền thơ La Sơn phu tử - Nguyễn Thiếp ở xã Kim Song Trường (Can Lộc). Ảnh Thiên Vỹ

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp với sự nghiệp giáo dục nhà Tây Sơn và giá trị đối với phát triển giáo dục hiện nay

La Sơn phu tử - Nguyễn Thiếp tuy đã mất cách nay 219 năm, nhưng danh tiếng của Phu tử mãi mãi được kính trọng. Bởi ông luôn giữ được khí chất thanh cao của một nhà Nho - một người thầy. Tư tưởng của ông không những hợp với thời mà còn hợp với lẽ đời, luôn hướng đến ích quốc, lợi dân. Phu tử còn là tấm gương hiếu học - học không biết mỏi và dạy không biết chán.

Trong những tháng năm sống ẩn dật trên núi Bùi Phong - Thiên Nhẫn, ông đã dạy được nhiều lớp học trò thành đạt, đem lại sự giáo hóa và muốn thay đổi giáo dục cho cả một thời Tây Sơn. Những quan điểm và tư tưởng như chú trọng giáo dục đạo đức trong nhà trường, học tập đi đôi với thực hành, xác định mục đích học tập đúng đắn... của Phu tử vẫn có những giá trị nhất định đối với công cuộc phát triển nền giáo dục nước nhà trong tình hình hiện nay. Tâm huyết, tư tưởng của ông là những giá trị tốt đẹp cho các thế hệ sau học tập, noi theo.

Để tiếp tục phát huy những giá trị, tư tưởng của ông trên lĩnh vực giáo dục, góp phần đưa giáo dục Hà Tĩnh phát triển trong sự phát triển chung của tỉnh, thiết nghĩ cần phải:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp quan trọng của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đối với lịch sử, văn hóa, giáo dục Việt Nam nói chung; với quê hương, con người Hà Tĩnh nói riêng, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, quan điểm tiến bộ của Nguyễn Thiếp đối với sự nghiệp giáo dục. Tiếp tục phát huy những giá trị tích cực, phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, kế thừa hiệu quả, áp dụng sáng tạo các quan điểm, tư tưởng giáo dục tiến bộ của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp về giáo dục vào sự nghiệp phát triển giáo dục của Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay như phương pháp học, xác định mục đích học tập, tăng cường giáo dục đạo đức trong trường học...

Thứ ba, thực hiện nhất quán quan điểm về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Nguyễn Thiếp là tấm gương sáng chói về tri thức và đạo đức cho nhiều thế hệ ở Việt Nam. Cụ là người duy nhất được cả vua, cụ thể là Hoàng đế Quang Trung, lẫn dân gian vinh danh “Phu Tử”. Nguyễn Thiếp cũng là trường hợp duy nhất trong lịch sử nước ta được tất cả các quân vương đương thời, từ Chúa Trịnh Sâm, Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ, Hoàng đế Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản cho đến Chúa Nguyễn Ánh, trọng vọng và khẩn cầu giúp trị nước. Đặc biệt, Nguyễn Huệ đã 7 lần gửi thư, chiếu cho cụ và 4 lần hội kiến với cụ. Trong tư cách cố vấn tối cao của Hoàng đế Quang Trung cả trong thời chiến lẫn thời bình, Nguyễn Thiếp thực sự là một vị quốc sư. Chính trên cương vị này Nguyễn Thiếp đã có những đóng góp to lớn và nổi trội cho quốc gia và dân tộc Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về giáo dục.

Kế thừa, phát huy những quan điểm tiến bộ về giáo dục của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu phát triển toàn diện nền giáo dục của tỉnh nhà, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của toàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

(1) Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam.

(2) Bài viết: Nguyễn Thiếp - Nhà sư phạm quyết tâm cải cách giáo dục của tác giả Dương Tâm, đăng trên vnexpress.net, ngày 19/11/2018.

(3) Tác giả Duy Tường: https://cand.com.vn/Tu-lieu-antg/La-Son-phu-tu-Nguyen-Thiep-va-dai-thang-mua-xuan-nam-Ky-Dau-1789-i418667/; đăng ngày 30/1/2017.

(4) Trích bài thơ Sơn Cư tác, sách La Sơn phu tử - Hoàng Xuân Hãn, 1952, tr 59.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Chủ đề Danh nhân Hà Tĩnh

Chủ đề Kỷ niệm 300 năm ngày sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast