Dấu ấn vùng đất học Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trong số 183 khoa thi mà nhà nước phong kiến đã mở thì 90 khoa có người Hà Tĩnh đỗ đại khoa. Đến nay, truyền thống hiếu học của Hà Tĩnh vẫn được giữ vững, vun dày.

Dấu ấn vùng đất học Hà Tĩnh

Văn miếu Hà Tĩnh di tích về nền khoa cử Nho học ở miền quê núi Hồng, sông La.

Năm 938, dân tộc Việt Nam dựng nền độc lập, thống nhất quốc gia, xây dựng nhà nước phong kiến, nền giáo dục phong kiến được hình thành và phát triển qua 10 thế kỷ. Nền giáo dục Nho học làng xã ở Hoan Châu (trong đó có vùng Hà Tĩnh ngày nay) từ đầu đời Lý đã phát triển, mặc dù vùng đất này, đời Lý còn gọi là “đất trại”, việc học hành tại đây không được triều đình chú ý bằng vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tuy vậy, nền giáo dục Nho học làng xã ở Hoan Châu kể từ thời Lý qua Trần, đến Lê đều phát triển không ngừng theo xu thế tiến triển khách quan trước nhu cầu học tập của con em trong các làng xã.

Triều đại Tây Sơn tồn tại chỉ 13 năm (1789-1802), song, vua Quang Trung đã có những ý tưởng táo bạo, tiến hành cải cách giáo dục theo hướng thực học, thực tiễn, muốn xây dựng một nền giáo dục thực sự dân tộc, không qua bắt chước khuôn phép nền giáo dục Nho học Trung Quốc. Nhà vua đã cử La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng Sùng Chính viện và cử một số bậc khoa bảng xứ Nghệ dịch một số sách Tứ thư, Ngũ kinh ra chữ Nôm làm sách giáo khoa dạy ở các trường làng, trường phủ, huyện, trấn. Nền giáo dục làng xã xứ Nghệ dưới thời Tây Sơn chủ yếu vẫn là nền giáo dục Nho học dùng chữ Hán làm thứ văn tự ngôn ngữ chính, tuy vậy, lẻ tẻ có nơi đã dùng chữ Nôm thay cho chữ Hán.

Dấu ấn vùng đất học Hà Tĩnh

Làng Đông Thái (Tùng Ảnh, Đức Thọ) nổi tiếng với truyền thống hiếu học, là làng khoa bảng của Hà Tĩnh và cả nước.

Triều Nguyễn xác lập chế độ quân chủ chuyên chế, với quyết tâm chấn hưng việc học đã đạt nhiều thành tựu về giáo dục. Riêng ở Hà Tĩnh, việc học sôi nổi, rầm rộ ở tất cả các làng xã, từ vùng đồng bằng ven biển Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh... đến vùng rừng núi Hương Sơn, Hương Khê ngày nay. Phong trào sâu rộng, có xã có đến vài ba trường học. Dưới Triều Nguyễn, nền khoa cử vùng đất Hoan Châu đạt nhiều “bảng vàng bia đá” sản sinh nhiều người tài. Các nho sĩ Hà Tĩnh nhiều năm đua chen với làng học xứ Bắc, đi thi Trường Nam, hoặc Trường Hà (dưới thời Quang Trung có tổ chức một khóa thi ở Nghệ An còn lại thi ở Nam Hà hoặc Hà Nội), nổi tiếng học giỏi, không ít người chiếm bảng vàng ở ngôi thứ cao. Trong số 183 khoa thi nhà nước phong kiến đã mở thì 90 khoa có người Hà Tĩnh đỗ đại khoa, tỷ lệ gần 50%. Hà Tĩnh có nhiều gương hiếu học, tiêu biểu là Đoàn Tử Quang quê ở Hương Sơn dù đã 82 tuổi còn đi thi để báo hiếu mẹ.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, nền giáo dục phong kiến Việt Nam bị thay đổi toàn bộ, chữ Hán được thay bằng chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Thực dân Pháp mở các trường nhằm đào tạo một số công chức cho bộ máy cai trị và các cơ sở kinh doanh, số trường học và số người đi học rất hạn chế (trong khoảng từ năm 1931-1940, cứ 100 người dân chưa được 3 người đi học và hầu hết chỉ học hết bậc tiểu học).

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cuộc đấu tranh của Nhân dân chống thực dân Pháp, giáo dục được coi là bộ phận quan trọng của cách mạng Việt Nam. Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nền giáo dục mới được tiến hành trên 3 nguyên tắc: dân tộc, khoa học, đại chúng với mục tiêu cao cả là giáo dục đạo đức, phát triển tài năng tuổi trẻ, đặc biệt, chú trọng việc học tập và giảng dạy đều bằng tiếng Việt từ các trường phổ thông đến đại học. Tháng 9/1945, cả nước cùng khai giảng năm học mới. Nhân ngày khai trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho học sinh, trong đó, Người chỉ rõ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Thực hiện lời dạy của Người, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh đã không ngừng phấn đấu góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đưa một tỉnh ở vùng đất nghèo, thất học đến hơn 95% dân số trước Cách mạng tháng Tám trở thành một tỉnh có nền giáo dục quốc dân hoàn chỉnh với đủ các ngành, các cấp học từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đến giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề, giáo dục thường xuyên, cao đẳng và đại học. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả những năm dài của 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ, Hà Tĩnh vẫn kiên trì thực hiện đường lối giáo dục đúng đắn, sáng tạo của Đảng, được chứng minh trong thực tiễn phong trào “thi đua hai tốt” tập trung rõ nét nhất là ở các điển hình tiên tiến, các đơn vị lá cờ đầu từng ngành học, nổi bật như phong trào giáo dục ở xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên).

Dấu ấn vùng đất học Hà Tĩnh

Một góc xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) ngày nay.

Hà Tĩnh luôn được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục, thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”… Hệ thống trường lớp các cấp học, ngành học ngày càng hoàn thiện, cơ sở vật chất trường học được chuẩn hóa ngày càng khang trang theo hướng hiện đại; chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, đậu vào các trường đại học, học sinh giỏi quốc gia thuộc top đầu cả nước; có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế và khu vực.

Dấu ấn vùng đất học Hà Tĩnh

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu tặng hoa chúc mừng em Phan Xuân Hành (học sinh Trường THPT chuyên Hà Tĩnh) đạt HCV Olympic quốc tế môn Hóa học năm 2022.

Ngành GD&ĐT Hà Tĩnh đã góp phần đào tạo hàng chục vạn học sinh qua các thời kỳ, nhiều người trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Nhiều người là giáo sư, tiến sỹ, nhà khoa học tầm cỡ quốc gia, quốc tế, là doanh nhân thành đạt, tướng lĩnh trong các lực lượng vũ trang cùng hàng nghìn quân nhân dũng cảm trên các mặt trận, hàng trăm thanh niên là lực lượng chủ chốt trên các lĩnh vực, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nói đến thành tựu GD&ĐT của tỉnh nhà không thể không nhắc đến vai trò, sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, Người đã chú ý đến việc đánh “giặc dốt” song song với giặc ngoại xâm. Hà Tĩnh là địa phương có nhiều phong trào tiêu biểu, nhiều cơ sở đặc biệt nhận được những lời khuyên, sự chỉ bảo của Bác. Từ việc xóa nạn mù chữ ở huyện Cẩm Xuyên (năm 1948), thành tích bổ túc văn hóa của tỉnh (năm 1949), đến việc thành lập trường mang tên Trần Phú (năm 1964), Trường cấp II Hương Phúc (Hương Khê) bị giặc Mỹ ném bom (năm 1966), đều có thư động viên cũng như thăm hỏi của Bác. Đó là những lời động viên quý giá, đồng thời cũng là kim chỉ nam giúp các địa phương phấn đấu vươn lên để luôn giữ vững vai trò lá cờ tiên tiến của phong trào giáo dục cả nước.

Dấu ấn vùng đất học Hà Tĩnh

Hà Tĩnh tuyên dương 52 “Nhà giáo trẻ tiêu biểu”, “Sinh viên 5 tốt”,“Học sinh 3 tốt”,“Học sinh 3 rèn luyện” cấp tỉnh năm học 2021 - 2022.

Xét tổng thể, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chặng đường gần 80 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục cách mạng trên quê hương Hà Tĩnh là chặng đường ghi dấu những thành quả to lớn trên nhiều phương diện, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng xã hội mới, xứng đáng với một tỉnh mà hiếu học đã trở thành bản sắc, một đỉnh cao truyền thống.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.