Người Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - “Chúng cháu là những đồng đội của bác Lương, là những người lính Hà Tĩnh. Chú đừng tìm chúng cháu làm gì. Cứ gọi chúng cháu là người Hà Tĩnh, thế thôi chú ạ!”.

Tôi có người bạn là Đặng Minh Sơn, kỹ sư xây dựng, ngụ tại đường Lê Văn Lương, TP Hà Nội. Tôi và Sơn gặp nhau, thân nhau khi hai đứa cùng học đại học. Dù khác trường nhưng những lần chạm nhau trên sân đá bóng đã kết thân hai đứa. Chúng tôi càng thân nhau hơn kể từ khi tôi biết bạn là con liệt sĩ. Bố của Sơn là người lính quân tình nguyện Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong trận tấn công cứ điểm Mường Mộc, tỉnh Xiêng Khoảng, nước bạn Lào năm 1972.

Người Hà Tĩnh

Tổ quốc ghi công những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc, vì nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Năm trước, tôi được mời đi họp cộng tác viên tiêu biểu của Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân, có dịp ghé thăm nhà Sơn. Chẳng ngờ đó là ngày giỗ bố của bạn. Khi người khách cuối cùng nói lời tạm biệt ra về, tôi và Sơn ngồi lại trong phòng khách rộng thênh. Giọng Sơn đượm buồn:

- Mình có chuyện này day dứt quá cậu ạ. Cậu biết đấy, bữa nay là ngày giỗ thứ 50 của bố mình. Nửa thế kỷ qua rồi mà vợ chồng mình vẫn chưa biết mộ bố ở đâu!

Tôi ái ngại nhìn bạn, lặng lẽ hỏi:

- Sao cậu không đi tìm?

- Bố mình hy sinh ở chiến trường Lào, là con liệt sĩ, lại là con một, mình chỉ biết mài đũng quần trên ghế nhà trường. Nước Lào xa xôi thế, nghe nói toàn rừng núi, sang đó phải đủ các kiểu giấy tờ, mình lại chưa từng đi bộ đội, đi đứng làm sao được?

Sơn ho khan mấy tiếng, giọng như tan vào tĩnh lặng:

- Mấy lâu nay, thi thoảng mình cứ mơ thấy một người lính đầu đội mũ quân giải phóng Lào, chân đi dép lốp, mang ba lô cóc về đây. Nhiều khi người lính ấy như ở ngay trước mặt mình, mà sao cứ lúc gần, lúc xa, mình không sao nhìn rõ mặt được. Mà lạ quá, nhìn người lính, mình linh cảm như đã gặp ở đâu rồi. Có lẽ bố mình “về” cậu ạ.

Sơn thắp một nén nhang. Trong khói hương trầm mặc, giọng Sơn trầm xuống:

- Ngày trước cậu cũng là bộ đội đặc công tham chiến ở mặt trận Xiêng Khoảng. Cậu lại từng ở Báo Quân khu, đi lại bên Lào cũng nhiều, vợ chồng mình có ý nhờ cậu…

Tôi lặng lẽ gật đầu:

- Khó đấy! Nhưng mình sẽ cố! Dẫu sao chúng mình cũng cố tìm cho được mộ bác. Mình nghĩ cụ hy sinh ở Lào, chắc anh em cũng đã quy tập về nước rồi…!

Hôm trở về quê, tôi đến chào Sơn. Kính cẩn thắp 3 nén hương lên bàn thờ, tôi thành kính nhìn di ảnh cụ, lầm rầm khấn: “Bác Lương ơi, cháu thay Sơn đi tìm bác đây!”. Những nén hương lập lòe đỏ như báo một điềm lành. Tới bến xe Nước Ngầm, khi chia tay, Sơn trao cho tôi một bọc tiền gói trong giấy báo, nài nỉ:

- Cậu cầm lấy! Chẳng phải mình trả công đâu. Nhưng tìm người thân nơi rừng sâu, núi thẳm, đất khách quê người, đâu phải ngày một, ngày hai. Cậu còn phải nhờ người khác cùng tìm nữa. Rồi tiền tàu, xe, tiền ăn uống… cũng phải có chứ!

Tôi lắc đầu, gạt tay Sơn:

- Cậu đừng làm thế! Mình và cậu không những là bạn chí cốt, mà mình và bác còn là đồng đội của nhau mà!

Người Hà Tĩnh

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào được xây dựng từ năm 1976 trên diện tích gần 7 ha tại thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn – Nghệ An) và là nghĩa trang lớn nhất quy tập các mộ liệt sĩ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào. Ảnh: QĐ (Báo Lao động).

Tôi bắt tay bạn thật chặt, bước lên xe. Suốt dọc đường tôi săm soi tờ giấy Sơn đưa, có dòng địa chỉ: “Liệt sĩ Đặng Minh Lương, quê quán xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Đơn vị Đại đội Đặc công 20, Quân khu 4. Hy sinh ngày 18/4/1972 tại mặt trận Xiêng Khoảng, chiến trường C.” như muốn tìm một điều gì đó ẩn sau trang giấy. Xe chạy đến Bỉm Sơn, một số hành khách lục tục xuống xe. Người khách ngồi cạnh tôi cũng xuống. Tôi đang mê mải nhìn núi rừng xứ Thanh ảo mờ trong sương sớm thì nghe có tiếng nói giọng Hà Tĩnh rất lễ phép:

- Dạ thưa chú, cháu có thể ngồi vào chỗ này được không ạ?

Tôi ngoảnh lại. Đó là một người lính mang quân hàm trung úy, đeo ba lô đứng như chờ ý kiến của tôi. Tôi gật đầu: “Đồng chí cứ tự nhiên!”. Người lính gác ba lô lên giàn rồi ngồi xuống cạnh tôi. Đó là một thanh niên chừng 24-25 tuổi, gương mặt sáng sủa, hơi sạm nắng và cương nghị. Ấn tượng đầu tiên của tôi về người lính là đôi mắt. Đôi mắt ánh lên cái nhìn trong sáng và trung thực. Tự dưng, tôi bật hỏi:

- Cháu (tôi đã thay từ đồng chí bằng từ cháu) quê ở đâu? Đang đi công tác à?

- Dạ cháu quê ở Hương Khê, Hà Tĩnh ạ. Đơn vị cháu đóng quân ở Nghệ An. Cháu ra Thanh Hóa để thẩm tra lý lịch cho mấy đồng chí sắp kết nạp Đảng ạ.

Chúng tôi lại ngồi im lặng. Đột nhiên người lính quay sang tôi, hỏi:

- Cháu thấy chú có vẻ đăm chiêu quá? Chắc chú có điều gì nghĩ ngợi?

Không hiểu sao, nhìn người lính, tôi đã hoàn toàn tin cậy. Tôi liền kể mọi chuyện về bác Lương cho người lính nghe. Khi tôi dứt lời, người lính mới từ tốn:

- Gần đơn vị cháu có nhiều nghĩa trang an táng các liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở chiến trường C về chú ạ!

Tôi mừng quýnh:

- Vậy thì hay quá! Chú cũng định về quê ít ngày rồi đi tìm mộ bác Lương. Cháu có thể cho chú biết nghĩa trang đó nằm ở đâu không?

Người lính nhíu mày, lâu sau cậu ta rụt rè:

- Hay là thế này chú ạ. Để cháu đi tìm đã! Chú cứ cho cháu xin họ, tên, đơn vị, quê quán, ngày hy sinh của bác Lương và địa chỉ, số điện thoại của chú. Về đơn vị, cháu sẽ bàn với anh em trong trung đội, số anh em này người Hà Tĩnh cũng nhiều. Chúng cháu sẽ tranh thủ ngày nghỉ đến các nghĩa trang tìm mộ bác ấy. Có gì cháu sẽ gọi cho chú…!

Tôi xúc động quá. Cứ nắm tay người lính lắc mãi. Chợt nhớ ra, tôi hỏi:

- Chú đoảng thật! Nào chú đã hỏi quê quán và địa chỉ của cháu đâu!

- Dạ, cháu tên là Nguyễn Văn Kính quê ở Hương Khê. Điện thoại của cháu: 089292… mà thôi, bữa sau cháu gọi là chú có số ngay mà…!

Về quê chờ mãi không thấy Kính gọi, tôi thở dài, chuẩn bị lên đường tìm kiếm, thì một chiều, đúng sau 2 tháng gặp người lính trẻ, tôi nhận được cuộc gọi:

- Giữ đúng lời hứa với chú, về đến đơn vị, cháu liền bàn bạc với anh em về việc đi tìm mộ bác Lương. Vùng này nghĩa trang liệt sĩ nhiều, để cho chắc, nghe nói ở nghĩa trang nào có liệt sĩ bộ đội tình nguyện Việt Nam là chúng cháu đến, tìm hết các bia mộ mà không thấy. Chúng cháu nghĩ chắc bác đã được quy tập vào Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào (huyện Anh Sơn, Nghệ An) nên cháu cùng 3 chiến sĩ đến tìm. Nghĩa trang rộng mênh mông, trùng trùng bia mộ, đến gần trưa, chúng cháu mới thấy tên bác Lương trên ngôi mộ số 6, ở hàng số 5, khu E. Tên người, tên xã, tên đơn vị đều đúng như trong giấy chú ghi cho cháu! Cháu gửi kèm sơ đồ nghĩa trang qua Messenger cho chú để tiện đến ạ.

Tôi mở Messenger, dưới sơ đồ nghĩa trang là tin nhắn của Kính: “Chúng cháu là những đồng đội của bác Lương, là những người lính Hà Tĩnh. Chú đừng tìm chúng cháu làm gì. Cứ gọi chúng cháu là người Hà Tĩnh, thế thôi chú ạ!”.

Tôi sững sờ! Vậy là những người lính “làm ơn há dễ trông người trả ơn” đây. Nghĩ thế, nhưng mừng quá, lại thấy có thể tin cậy chắc chắn vào Kính và những người lính, tôi liền gọi điện ra cho Sơn.

Người Hà Tĩnh

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào là nơi yên nghỉ của gần 11.000 liệt sĩ thuộc 47 tỉnh, thành phố trên cả nước hy sinh trên chiến trường nước bạn Lào, trong đó có nhiều phần mộ chưa biết tên liệt sĩ. Ảnh: QĐ (Báo Lao động).

Mấy ngày sau, Sơn chở vợ con vào nhà tôi. Theo sơ đồ của Kính, chúng tôi theo đường số 7 chạy thẳng lên Anh Sơn đến Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào. Chiều vàng hoe nắng, sáng rực lên trùng trùng những bia mộ liệt sĩ. Tôi và Sơn lặng người khi nhìn thấy những chân hương còn mới và những bó hoa sim ngay ngắn trên các ngôi mộ. Sơn thầm thì: “Của những người lính Hà Tĩnh đó mà!” rồi quỳ xuống ôm lấy mộ bố khóc vùi. Vợ con Sơn cũng quỳ xuống òa lên nức nở.

- Bố ơi, 50 năm rồi con không tìm được bố. Những người lính Hà Tĩnh đã tìm bố về cho con đó, bố ơi!

Tháng 7/ 2023

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.