Nữ phó giáo sư 8X quê Hà Tĩnh và hành trình 20 năm gắn bó với môn Vật lý

(Baohatinh.vn) - Ở tuổi 38, Tiến sỹ Trần Phan Thùy Linh (quê thị trấn Đồng Lộc, Can Lộc) vừa vinh dự được phong tặng danh hiệu phó giáo sư (PGS) và cũng là 1 trong 3 nữ PGS trẻ tuổi nhất quê Hà Tĩnh được phong hàm đợt này.

Nữ phó giáo sư 8X quê Hà Tĩnh và hành trình 20 năm gắn bó với môn Vật lý

PGS.TS Trần Phan Thùy Linh.

PGS.TS Trần Phan Thùy Linh (SN 1985) là giảng viên Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trước khi theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, chị từng là học sinh Trường Quốc học Huế và sau đó tốt nghiệp ngành Sư phạm Vật lý (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế). Năm 2014, chị được Đại học Osaka (Nhật Bản) cấp bằng tiến sỹ chuyên ngành Khoa học & Công nghệ chính xác và Vật lý ứng dụng.

Đầu tháng 11 năm nay, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách 588 ứng viên đạt chuẩn chức danh GS.PGS năm 2023, TS Trần Phan Thùy Linh là 1 trong số 24 ứng viên quê Hà Tĩnh được phong hàm. Đặc biệt, chị Trần Phan Thùy Linh là 1 trong 3 nữ PGS trẻ tuổi nhất quê Hà Tĩnh được phong học hàm năm nay, bên cạnh PGS ngành Tâm lý học Nguyễn Thị Ngọc Bé (SN 1986, quê Cẩm Xuyên) và PGS ngành Giáo dục học Trần Thị Ngọc Ánh (SN 1986, quê Thạch Hà).

Chia sẻ về lý do lựa chọn theo đuổi ngành Vật lý, nữ PGS.TS Trần Phan Thùy Linh cười nói: “Nhiều khi con đường sự nghiệp mình chọn lựa cũng như mối nhân duyên”. Chị cho biết, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã đam mê môn Vật lý, luôn nhận ra vẻ đẹp của những công thức, định luật. Tuy nhiên, để có thể theo đuổi được nghề hay không thì phải do nỗ lực của bản thân.

Nữ phó giáo sư 8X quê Hà Tĩnh và hành trình 20 năm gắn bó với môn Vật lý

Chị Trần Phan Thùy Linh tham gia Hội thảo khoa học tự nhiên lần thứ 8 dành cho các nhà khoa học trẻ, thạc sỹ và tiến sỹ toàn quốc năm 2023

Từ sự đam mê và nhận được ủng hộ lớn từ các thầy, cô, Trần Phan Thùy Linh sớm chọn con đường nghiên cứu về chuyên ngành Vật lý lý thuyết. Chị cho biết, chuyên ngành này có nhiệm vụ lý giải thực nghiệm và tiên đoán thực nghiệm vì vậy rất cần sự gắn bó, gần gũi với các hiện tượng của đời sống.

"Hướng nghiên cứu của tôi chủ yếu là nghiên cứu tính chất cấu trúc, tính chất điện tử, tính chất quang và tính chất truyền dẫn của vật liệu... Ngoài việc nghiên cứu, tìm tòi, tôi thường đọc báo, cập nhật các công trình mới được công bố để tiếp thu thêm thông tin, kiến thức và những hướng đi mới trong khoa học", PGS.TS Trần Phan Thùy Linh cho hay.

Đến thời điểm hiện tại, chị Thùy Linh đã công bố khoảng 29 bài báo khoa học, trong đó 18 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế uy tín; xuất bản sách; tham gia nghiên cứu đề tài cấp bộ...

Chia sẻ về việc được phong học hàm PGS, Trần Phan Thùy Linh cho biết: “Đây là vinh dự cá nhân và là một bước ngoặt đối với công việc giảng dạy, nghiên cứu của tôi. Học hàm PGS cũng là động lực để tôi nỗ lực hơn nữa, phát huy trách nhiệm trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học”.

Nữ phó giáo sư 8X quê Hà Tĩnh và hành trình 20 năm gắn bó với môn Vật lý

Ngoài nghiên cứu khoa học, PGS.TS Trần Phan Thùy Linh còn là người gắn bó sâu sắc với nghề giáo, luôn truyền lửa đam mê cho học sinh, sinh viên.

Cũng theo chị Thùy Linh, nghiên cứu khoa học là một chặng đường vất vả và không ít chông gai. Suốt 20 năm theo đuổi việc nghiên cứu, đặc biệt với chuyên ngành Vật lý, chị đã không ít lần thức trắng đêm cùng các con số, phép tính, tài liệu tham khảo. Đặc biệt, chị phải nỗ lực hơn để vừa đạt được thành công trong việc giảng dạy, nghiên cứu, vừa làm tròn vai một người vợ, người mẹ. Nữ PGS trẻ quê Hà Tĩnh cho hay, gia đình, chồng con là điểm tựa lớn, luôn ủng hộ hết mình để chị theo đuổi con đường học thuật.

PGS.TS Trần Phan Thùy Linh nhắn nhủ: “Mỗi ngành nghề đều có khó khăn, vinh quang và nước mắt, các bạn trẻ hãy luôn đam mê, nỗ lực theo đuổi ước mơ và cống hiến hết mình, chắc chắn sẽ đạt được thành công”.

Nữ phó giáo sư 8X quê Hà Tĩnh và hành trình 20 năm gắn bó với môn Vật lý

Năng nổ tham gia các hoạt động Đoàn, hội cùng các bạn trẻ cũng là cách để chị Thùy Linh cân bằng cuộc sống.

PGS.TS Trần Phan Thùy Linh quan niệm, những kết quả mà chị đạt được chỉ là bước khởi đầu và hành trình học tập và nghiên cứu còn rất dài. Thời gian tới, chị sẽ tiếp tục nuôi dưỡng đam mê học tập, giảng dạy, nghiên cứu và học hỏi thêm từ các thầy, cô, những chuyên gia trong nước và quốc tế để nâng cao kiến thức, kĩ năng, đóng góp một phần nhỏ cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

"Tinh thần cống hiến cho quê hương Hà Tĩnh là luôn luôn và mãi mãi, cho dù tôi sống, làm việc ở đâu, trên vị trí công tác nào. Tôi mong muốn trong tương lai sẽ được hợp tác, đào tạo nghiên cứu tại Hà Tĩnh hoặc đồng hành, hỗ trợ học tập cho các em học sinh phổ thông ở quê" - PGS.TS Trần Phan Thùy Linh cho hay.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).