Một gia đình quê Hà Tĩnh có 5 cha con là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ

(Baohatinh.vn) - Một gia đình quê Hà Tĩnh có 5 cha con đều là giáo sư, phó giáo sư; 4 người con đều là tiến sĩ, dâu rể cũng đều là giáo sư, nhà giáo, cán bộ cao cấp trong quân đội. Đó là gia đình Phó Giáo sư Lê Bá Hán, quê ở xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang.

Vượt khó, chinh phục đỉnh cao tri thức

Tôi có vinh hạnh quen biết Phó Giáo sư (PGS) Lê Bá Hán và PGS-TS Lê Quang Hưng những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi hai cha con ông đều giảng dạy ở Khoa Văn - Trường Đại học Sư phạm Vinh (Nghệ An). Tôi vô cùng trân quý vợ chồng ông Lê Bá Hán và các con, những tấm gương hiếu học, vượt qua mọi khó khăn, vươn lên chiếm lĩnh tầm cao tri thức.

Một gia đình quê Hà Tĩnh có 5 cha con là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh với PGS Lê Bá Hán (người đứng hàng phía sau) cùng một số cán bộ khoa học ở Đại học Vinh năm 1997 (Ảnh tư liệu)

Năm 1957, sau khi tốt nghiệp với điểm số cao, sinh viên Lê Bá Hán được giữ lại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội làm cán bộ giảng dạy. Với năng lực độc lập công tác, 2 năm sau, ông cùng 15 cán bộ của trường được Bộ Giáo dục cử về xây dựng Trường Đại học Sư phạm Vinh những ngày đầu thành lập. Hơn 4 thập kỷ gắn bó với mái trường, giữa cuộc sống đầy biến động, vợ chồng thầy Lê Bá Hán - cô Nguyễn Thị Lộc và các con cũng trải qua biết bao khó khăn, vất vả.

Chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ngày một ác liệt. Trong 10 năm, Trường Đại học Sư phạm Vinh đã 7 lần sơ tán qua nhiều địa điểm từ Nghệ An, rồi ra tận miền núi Thanh Hóa. Gia đình thầy Hán gồm 7 người cũng trải qua nhiều cuộc “hành quân”, chuyển trường học cho các con. Trong khó khăn, vợ chồng thầy đã không ngừng nỗ lực, luôn là lao động tiên tiến hoặc chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy giỏi. Thầy cô thực sự là những tấm gương để các con học tập. Môi trường sư phạm, sự hăng say làm việc, tận tụy với nghề và lối sống lạc quan của bố mẹ đã thôi thúc, tạo đà cho các con vượt qua gian khổ để học tốt.

Một gia đình quê Hà Tĩnh có 5 cha con là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ

PGS Lê Bá Hán, Tộc trưởng họ Lê chụp ảnh chung với bà con trước nhà thờ họ ở xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang nhân dịp xuân Bính Tuất 2006 (ảnh tư liệu).

Hơn 40 năm gắn bó với Trường Đại học Sư phạm Vinh, PGS Lê Bá Hán từng đảm trách nhiều vị trí quan trọng, như: Chủ nhiệm bộ môn Lý luận văn học, Chủ nhiệm chuyên ngành Lý luận và Lịch sử văn học (hệ đào tạo sau đại học); Chủ tịch Hội đồng Khoa học của trường.

Ông được phong chức danh PGS năm 1984, Nhà giáo ưu tú năm 1992, từng là Ủy viên Hội đồng Học hàm chuyên ngành Văn học trực thuộc Hội đồng chức danh Nhà nước; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2000, sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục vào giảng dạy và làm việc tại Khoa Ngữ văn Trường Đại học Văn Hiến, TP Hồ Chí Minh với chức vụ trưởng khoa. Do bị bệnh hiểm nghèo, năm 2006, ông ra đi trong sự tiếc thương của gia đình, các thế hệ học trò, bạn bè, đồng nghiệp.

“Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”

Cả 4 người con của PGS Lê Bá Hán đều là những người thành đạt trên con đường học vấn và hoạt động khoa học.

Một gia đình quê Hà Tĩnh có 5 cha con là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ

Vợ chồng PGS Lê Bá Hán cùng 4 người con: PGS-TS Lê Thị Hoài Châu, PGS-TS Lê Quang Hùng, TS Lê Thị Hoài Phương, GS-TS Lê Thị Hoài An ở TP Vinh năm 1999. Ảnh tư liệu.

Con gái đầu, PGS-TS Lê Thị Hoài Châu sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh năm 1975 đã trở thành giáo viên dạy Toán tại Trường Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ Tĩnh); năm 1980 là cán bộ giảng dạy tại Đại học Sư phạm Huế, rồi Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Chị là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Lý luận dạy học tại Pháp (năm 1997). PGS-TS Lê Thị Hoài Châu cũng đã chủ trì đào tạo nhiều khóa thạc sĩ theo chương trình hợp tác với Pháp; có nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc được báo cáo tại các hội nghị quốc tế về giảng dạy Toán.

Người con trai duy nhất của thầy Lê Bá Hán là PGS-TS Lê Quang Hưng rất đam mê văn chương, quyết tâm theo nghiệp giảng dạy, nghiên cứu của bố. Năm 1977, tốt nghiệp xuất sắc Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Vinh, anh được giữ lại khoa, làm đồng nghiệp của bố. Anh bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ và năm 1988 chuyển về giảng dạy tại Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 2003 được phong chức danh PGS và năm 2008 được bổ nhiệm Trưởng khoa Việt Nam học. Anh đã xuất bản nhiều công trình phê bình, nghiên cứu văn học được bạn bè, đồng nghiệp đánh giá cao.

Người con thứ ba của gia đình là GS-TS Lê Thị Hoài Phương. Năm 1981, sau khi đỗ đại học khối C với điểm rất cao, chị được Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cử sang học Trường Đại học quốc gia Sân khấu Âm nhạc và Điện ảnh tại thành phố Leningrad (hiện nay là Học viện Nghệ thuật sân khấu Saint Petersburg - Nga). Tại đây, chị tốt nghiệp chuyên ngành Phê bình - Lý luận sân khấu năm 1987 và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Chị được công nhận chức danh PGS năm 2009, GS năm 2016. Chị từng đảm nhiệm các vị trí quan trọng như: Trưởng ban Nghệ thuật kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Từ năm 2019 đến nay, chị là thành viên Hội đồng GS liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao và là hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Năm 2004-2005, chị là một trong 7 nhà khoa học của Việt Nam được nhận học bổng của chương trình trao đổi học giả Fulbright (Hoa Kỳ) sang nghiên cứu tại Trường Đại học Tổng hợp bang Ohio.

GS-TS Lê Thị Hoài An, con gái út của PGS Lê Bá Hán là tấm gương tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung, Toán ứng dụng nói riêng. Chị tốt nghiệp thủ khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy từ tháng 10/1980. Năm 1991, chị sang Pháp trong một chương trình hợp tác giữa Đại học Joseph Fourier - Grenoble 1 và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1.

Một gia đình quê Hà Tĩnh có 5 cha con là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ

GS. Lê Thị Hoài An cùng chồng là GS. Phạm Đình Táo trong buổi lễ nhận Huân chương “Ordre des Palmes Academiques” - giải thưởng quốc gia cho các học giả và nhân vật có đóng góp to lớn trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục do Chính phủ Pháp trao tặng.

Chị đã có 280 công trình khoa học trong lĩnh vực Toán tối ưu và khoa học dữ liệu cùng với thành tích đào tạo 35 tiến sỹ Toán và 4 tiến sỹ khoa học. Chị hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học tính toán - lý thuyết và ứng dụng của Trường Đại học Paul Verlaine - Metz từ 2008 và của Trường Đại học Lorraine từ 2012; chủ tịch hội đồng khoa học, trưởng ban tổ chức, thành viên hội đồng khoa học của nhiều hội nghị quốc tế, chủ trì nhiều dự án vùng, quốc gia, quốc tế. Chị còn là thành viên cao cấp của Viện Hàn lâm Pháp từ năm 2021. Chị là người Pháp gốc Việt đầu tiên, người thứ 3 châu Âu và là nhà nghiên cứu ứng dụng thứ 10 trên thế giới vinh dự nhận được giải thưởng danh giá Constantin Carathéodory Prize do Hiệp hội quốc tế Tối ưu hóa toàn cục trao tặng.

Tháng 7/2013, GS. Lê Thị Hoài An được nhận Huân chương Ordre des Palmes Académiques - giải thưởng quốc gia do Chính phủ Pháp trao tặng cho các học giả và nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục. Hai sự vinh danh nói trên là ghi nhận những đóng góp xuất sắc của GS-TS Lê Thị Hoài An trong việc xây dựng một lĩnh vực cơ bản mới của Tối ưu hóa không lồi và không khả vi tên là DC và DCA (tên tiếng Việt viết tắt là Quy hoạch DC và DCA, tức lý thuyết và thuật toán học ứng dụng). Lĩnh vực này do chồng và là đồng nghiệp của chị - GS Phạm Đình Táo sáng lập ở dạng sơ khai vào năm 1985, sau đó phải đến năm 1994, với những đóng góp của chị với các công trình nghiên cứu nền tảng, chuyên sâu, hai người đã tạo ra những bước quyết định để nó trở thành công cụ kinh điển, ngày càng phổ biến trên thế giới.

Gia đình PGS Lê Bá Hán đã có những đóng góp quý giá cho nền khoa học nước nhà. Không chỉ ông bà và những người con công tác ở trong nước, mà những người làm việc ở nước ngoài như vợ chồng GS-TS Lê Thị Hoài An và GS Phạm Đình Táo luôn hướng về Việt Nam bằng nhiều việc làm đáng trân trọng. Dù công việc bận rộn nhưng GS-TS Lê Thị Hoài An vẫn thường xuyên trở về quê hương với các hoạt động hợp tác dày đặc cùng các trường đại học trong nước. Trong suốt 20 năm qua, chị luôn ưu tiên hướng dẫn và giúp đỡ nghiên cứu sinh người Việt, với mong muốn góp phần phát triển Toán ứng dụng cho đất nước.

Năm 2013, hai vợ chồng chị đã cùng GS Nguyễn Ngọc Thành ở Ba Lan sáng lập và tổ chức thành công Hội nghị quốc tế khoa học về máy tính và Toán học ứng dụng, nơi tập hợp trên 50 nhà khoa học Việt Nam về Toán ứng dụng, công nghệ thông tin ở châu Âu. Chị đã chủ trì nhiều chương trình hợp tác giữa Viện Hàn lâm Pháp (nơi chị được bổ nhiệm là Viện sỹ cao cấp) với các trường đại học của Pháp, Canada với các trường đại học Việt Nam; giúp đỡ và tài trợ học bổng cho nhiều cán bộ và sinh viên Việt Nam mới tốt nghiệp trong nước sang Pháp học tập, nghiên cứu…

Những đóng góp của GS-TS Lê Thị Hoài An nói riêng và gia đình PGS Lê Bá Hán nói chung đã làm rạng rỡ đất nước cũng như quê hương Hà Tĩnh.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.