Ông Trump đang tạo ra bước ngoặt trong lịch sử thế giới?

Việc ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ làm dấy lên câu hỏi rằng đây là một bước ngoặc lớn trong lịch sử thế giới hay chỉ là một biến cố nhỏ.

Khi nước Mỹ bước vào giai đoạn then chốt của chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2020 và không có đại hội bầu chọn ứng viên đại diện của đảng nào thảo luận nhiều về chính sách đối ngoại, cuộc cạnh tranh giữa Tổng thống Trump và đối thủ Joe Biden rõ ràng sẽ tập trung chủ yếu vào các vấn đề đối nội.

Tuy nhiên, theo giáo sư Joseph S. Nye thuộc Đại học Harvard, về lâu dài, các nhà sử học sẽ đặt ra câu hỏi: Liệu việc ông Trump lên nắm quyền là một bước ngoặt lớn trong vai trò của Mỹ trên thế giới hay chỉ là một biến cố lịch sử nhỏ. Ở giai đoạn này, câu trả lời vẫn chưa rõ vì không ai biết liệu ông Trump có tái cử vào tháng 11 hay không.

Chia sẻ trên trang Project Syndicate, giáo sư Nye cho biết, trong cuốn sách “Do Morals Matter?” (tạm dịch “Đạo đức có quan trọng không?”) của mình, ông đã đánh giá 14 tổng thống Mỹ kể từ năm 1945 và cho điểm “không hoàn thành” đối với ông Trump. Học giả này hiện xếp đương kim lãnh đạo Nhà Trắng vào nhóm cuối trong bảng đánh giá.

Các tổng thống đứng đầu danh sách như Franklin D. Roosevelt đã nhìn ra sai lầm của chủ nghĩa biệt lập Mỹ trong những năm 1930 và tạo ra một trật tự quốc tế tự do sau năm 1945. Một bước ngoặt là các quyết định thời hậu chiến của Harry S. Truman dẫn đến sự ra đời của các liên minh bền vững, kéo dài đến tận ngày nay. Mỹ đã đầu tư mạnh vào Kế hoạch Marshall năm 1948, thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 1949 và lãnh đạo một liên minh của Liên Hợp Quốc tham chiến tại Triều Tiên năm 1950. Năm 1960, dưới thời Dwight D.Eisenhower, Mỹ đã ký một hiệp ước an ninh mới với Nhật Bản.

Suốt nhiều năm qua, người Mỹ đã trải qua những chia rẽ nghiêm trọng, cả trong nội bộ đất nước và với các quốc gia khác vì sự can thiệp quân sự vào các nước đang phát triển như Iraq. Song, trật tự thể chế tự do tiếp tục nhận được sự ủng hộ rộng rãi cho đến cuộc bầu cử năm 2016, khi ông Trump trở thành ứng cử viên đầu tiên của một chính đảng lớn tấn công nó. Ông Trump cũng hoài nghi về sự can dự của Mỹ ở nước ngoài và mặc dù tăng ngân sách quốc phòng, ông đã sử dụng binh lực một cách dè sẻn.

Chủ nghĩa chống can thiệp của Tổng thống Trump tương đối được lòng dân. Tuy nhiên, cách định nghĩa bó hẹp, mang tính giao dịch về các lợi ích của Mỹ cùng sự hoài nghi của ông về các liên minh và thể chế đa phương không phản ánh ý kiến của đại đa số người dân. Kể từ năm 1974, Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu đã thăm dò dư luận về việc liệu Mỹ nên tham gia tích cực hay đứng ngoài các vấn đề thế giới. Gần 1/3 người dân Mỹ nhất quyết ủng hộ chủ nghĩa biệt lập và con số này đạt mức cao 41% vào năm 2014. Song, trái với phán đoán thông thường, 64% số người được hỏi ủng hộ việc tham gia tích cực vào thời điểm bầu cử năm 2016 và con số đó đã tăng lên mức cao 70% vào năm 2018.

Giáo sư Nye tin, việc ông Trump thắng cử cũng như sức hấp dẫn từ những tuyên bố mang tính dân túy của ông phụ thuộc vào các đứt gãy kinh tế được tô đậm trong cuộc Đại suy thoái năm 2008 và thậm chí còn dựa nhiều hơn vào sự phân cực các thay đổi văn hóa liên quan đến sắc tộc, vai trò của phụ nữ và nhận thức về giới tính. Dù không giành được đa số phiếu phổ thông năm 2016 nhưng ông Trump đã gắn kết thành công sự phẫn nộ của người da trắng về tầm nhìn và ảnh hưởng ngày càng tăng của các sắc tộc và dân tộc thiểu số với chính sách đối ngoại, bằng cách đổ lỗi tình trạng bất an kinh tế và trì trệ tiền lương cho các thỏa thuận thương mại tồi tệ và vấn đề nhập cư.

Tuy nhiên, theo cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, trên cương vị tổng thống, ông Trump không có mấy chiến lược và chính sách đối ngoại của ông chủ yếu được thúc đẩy bởi chính trường trong nước và các lợi ích cá nhân.

Ngay trước khi ông Trump nhậm chức, cây bút Martin Wolf của tờ Financial Times đã mô tả thời điểm này là “sự kết thúc của cả một thời kỳ kinh tế - thời kỳ toàn cầu hóa do phương Tây dẫn đầu và một thời kỳ địa chính trị - thời kỳ đơn cực hậu Chiến tranh Lạnh của trật tự toàn cầu do Mỹ đứng đầu”. Trong trường hợp đó, ông Trump có thể chứng tỏ đã tạo ra một bước ngoặt trong lịch sử của nước Mỹ và thế giới, đặc biệt nếu ông tái đắc cử.

Cuộc tranh luận hiện tại về ông Trump làm sống lại một câu hỏi lâu nay: Liệu những dấu mốc lịch sử quan trọng có phải là kết quả những lựa chọn của các nhà lãnh đạo chính trị hay chúng phần lớn là kết quả của các lực lượng xã hội và kinh tế nằm ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ ai? Đôi khi, lịch sử giống như một dòng sông chảy xiết mà dòng chảy được định hình bởi lượng mưa cũng như địa hình và các nhà lãnh đạo chỉ đơn giản là những con kiến bám vào một khúc gỗ trong dòng chảy đó. Theo ông Nye, họ giống như những người lái bè mảng đang cố gắng chèo lái, tránh xa các tảng đá, thỉnh thoảng bị lật úp và thỉnh thoảng thành công trong việc điều hướng đến bến bờ mong muốn.

Ví dụ, cựu Tổng thống Roosevelt không thể khiến Mỹ tham gia Thế chiến hai cho đến khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, nhưng nhận thức của ông về mối đe dọa do trùm phát xít Hitler gây ra cùng sự sẵn sàng đương đầu với mối đe dọa đó chứng minh rất quan trọng. Sau Thế chiến hai, phản ứng của Mỹ đối với các tham vọng của Liên Xô có thể đã rất khác nếu Henry Wallace, chứ không phải ông Truman đắc cử tổng thống. Sau cuộc bầu cử năm 1952, một chính quyền Robert Taft theo chủ nghĩa biệt lập hoặc một tổng thống Douglas MacArthur quyết đoán có thể sẽ làm gián đoạn việc củng cố tương đối suôn sẻ chiến lược ngăn chặn của ông Truman do người kế nhiệm Eisenhower chủ trì.

John F. Kennedy đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn chiến tranh hạt nhân trong Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba và sau đó ký kết thỏa thuận kiểm soát vũ khí nguyên tử đầu tiên. Song, ông và Lyndon B. Johnson đã khiến nước Mỹ hứng chịu thất bại không đáng có trong Chiến tranh Việt Nam.

Trong những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, các lực lượng kinh tế làm xói mòn Liên Xô và các hành động của Mikhail Gorbachev đã dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của liên bang. Tuy nhiên, kỹ năng đàm phán và xây dựng khả năng phòng thủ của Ronald Reagan và kỹ năng kiểm soát khủng hoảng của George H.W. Bush được cho đã đóng một vai trò quan trọng trong việc mang lại kết thúc hòa bình cho Chiến tranh Lạnh, với một nước Đức thống nhất và gia nhập NATO. Nói cách khác, các nhà lãnh đạo và kỹ năng của họ có ảnh hưởng lớn. Điều đó cũng đồng nghĩa, vai trò của ông Trump không thể dễ dàng bị phủ nhận. Ngoài những thông điệp gây dậy sóng dư luận trên Twitter, ông được tin đã làm suy yếu của các thể chế, liên minh cũng như quyền lực mềm của Mỹ, thứ đã giảm sút kể từ năm 2016 theo kết quả của các cuộc thăm dò dư luận.

Sự giảo hoạt và các kỹ năng tổ chức là thiết yếu đối với các tổng thống Mỹ thành công, nhưng trí tuệ cảm xúc, dẫn đến nhận thức về bản thân, sự tự kiểm soát và hiểu biết ngữ cảnh cũng vậy.

Người kế nhiệm Tổng thống Trump, dù vào năm 2021 hay năm 2025 sẽ phải đối mặt với một thế giới đã đổi thay, một phần vì tính cách và các chính sách của ông. Sự thay đổi đó lớn đến mức nào sẽ phụ thuộc vào việc ông Trump là tổng thống một nhiệm kỳ hay hai nhiệm kỳ. Và sau ngày 3/11, người dân Mỹ sẽ biết họ đang ở một giai đoạn bước ngoặt lịch sử hay đoạn cuối của một biến cố nhỏ.

Theo VNN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói