Video: Trích đoạn trong vở ca kịch "Đi qua ngày giông bão"
2 diễn viên Dư Quang Hưng và Nguyễn Thanh Nguyên thủ vai chính cho 2 tuyến nhân vật đối lập trong vở diễn “Đi qua ngày giông bão” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh. Đây là vở kịch hát dân ca ví giặm được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh dàn dựng để tham dự tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022. Vở diễn có thời lượng 110 phút, do nghệ sỹ ưu tú Duy Hải chỉ đạo nghệ thuật, biên kịch Minh Nguyệt và nghệ sỹ ưu tú An Ninh chắp bút, nghệ sỹ ưu tú Như Lai đạo diễn.
“Đi qua ngày giông bão” là câu chuyện có bối cảnh tại sở TN&MT của một tỉnh đang có nhiều dự án phát triển kinh tế. Trong đó, kịch bản tập trung phản ánh những mâu thuẫn, xung đột giữa 2 tuyến nhân vật chính: một bên là những cán bộ đầu ngành tha hóa, biến chất lợi dụng chức vụ cấu kết với thế lực đen tối, thực hiện những dự án gây thất thoát tài nguyên và ô nhiễm môi trường; tuyến đối lập là những cán bộ, nhà báo trẻ quyết liệt phản đối, vạch trần âm mưu của kẻ xấu nhằm bảo vệ môi trường trong lành và sự bình yên cho cuộc sống..
Một cảnh trong vở ca kịch “Đi qua ngày giông bão” do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh dàn dựng.
Thủ vai Quang (Trưởng phòng Sở Tài nguyên) đại diện cho tuyến phản diện là diễn viên Dư Quang Hưng và thủ vai Phương (nữ kỹ sư trẻ) đại diện cho tuyến nhân vật chính diện là diễn viên Thanh Nguyên.
Diễn viên Quang Hưng cho biết: "Từng thể hiện nhiều vai nhưng đây là vai diễn mà tôi rất tâm đắc. Trong 3 tháng luyện tập cho vai diễn, tôi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc mà mình chưa từng gặp trước đó: lo lắng, bối rối và sau là gần như sống cùng nhân vật. Đến bây giờ, dù đã kết thúc liên hoan nhưng tôi vẫn cảm thấy mình chưa thoát vai mà trong tâm thế sẵn sàng bước lên sân khấu...”.
Diễn viên Dư Quang Hưng (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh).
Diễn viên Dư Quang Hưng (SN 1969) hiện là Đội trưởng Đội kịch của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh. Năm 1991, sau khi tốt nghiệp Trường Văn hóa nghệ thuật Nghệ Tĩnh nay là Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An, anh về đầu quân cho Đoàn ca kịch Hồng Lĩnh (nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh).
Vai Quang do diễn viên Quang Hưng thể hiện là một nhân vật điển hình cho một bộ phận quan chức tha hóa, biến chất. Đối với cấp trên, hắn dùng mưu mẹo qua mắt cấu kết với các công ty “ma” thực hiện những dự án phá hủy tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Đối với đồng nghiệp cấp dưới, khi cần Quang còn thuê cả giang hồ hãm hại, loại bỏ... Để khắc họa tính cách nhân vật mưu mô, xảo quyệt mang vẻ bề ngoài đạo mạo là điều không dễ.
Cảnh mâu thuẫn dẫn đến cao trào xung đột, giữa nhân vật Quang và Phương trong “Đi qua ngày giông bão”.
Diễn viên Quang Hưng cho biết: “Trong những nét diễn khắc họa nhân vật Quang, cái khó nhất vẫn là điệu cười của nhân vật này. Mặc dù kịch bản chỉ nói cái cười đểu giả nhưng đạo diễn muốn tôi phải cười thế nào để lột tả được trong cái âm thanh tưởng như sang ấy là sự đểu cáng, nham hiểm, bần tiện... của nhân vật. Mặt khác, mỗi cảnh diễn điệu cười của nhân vật phải có sự khác nhau. Để tập nét diễn này, nhiều đêm, tôi đã phải đóng chặt cửa phòng để tập luyện”.
Với diễn viên Thanh Nguyên, đây là vai diễn đầu tiên của cô trên sân khấu ca kịch. Thanh Nguyên (SN 1982) vốn là một ca sỹ. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc, Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Nghệ An, chị về đầu quân cho Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh. Dù đã tham gia nhiều vai trò trong các hoạt động biểu diễn nhưng ca kịch là “địa hạt” mới mẻ của cô.
Ca sỹ, diễn viên Thanh Nguyên (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh).
Ca sỹ, diễn viên Thanh Nguyên chia sẻ: “Lần đầu tiên đứng trên sân khấu với vai trò diễn viên của một vở ca kịch, lại là vai chính trong vở diễn tham dự liên hoan toàn quốc, tôi rất lo lắng. Thậm chí lúc mới tập được vài buổi, tôi cảm thấy quá sức vì áp lực, nếu mình làm không tốt sẽ ảnh hưởng tới cả đoàn. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của ban lãnh đạo nhà hát, chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn và nhất là sự giúp đỡ của các anh chị đi trước, như diễn viên Quang Hưng, tôi từng bước hóa thân vào nhân vật một cách nhuần nhuyễn”.
Trong vở “Đi qua ngày giông bão”, Phương là một nữ kỹ sư trẻ, giỏi và tâm huyết, tính cách mạnh mẽ, dám đấu tranh để bảo vệ lẽ phải. Tuy nhiên, cô liên tục bị Trưởng phòng Quang kìm hãm, thậm chí khi bị Phương phát hiện ra những vi phạm của mình, Quang còn ra lệnh cho giang hồ hãm hiếp cô trong rừng... Tràn đầy niềm tin cống hiến, thất vọng và nhục nhã ê chề, lấy lại niềm tin và vực dậy đấu tranh với cái ác... là những sắc thái cảm xúc liên tục trong 7 màn diễn mà Thanh Nguyên phải làm được cho nhân vật Phương của cô.
Tuy lần đầu tiên đảm nhận một vai diễn ca kịch có nội tâm phức tạp nhưng Thanh Nguyên đã làm tốt vai trò của mình. Trong ảnh: Cảnh nhân vật Phương thể hiện sự trăn trở của mình với người yêu khi đứng trước thế lực đen tối phá hoại môi trường.
“Là 2 nhân vật đối lập, trung tâm mâu thuẫn để câu chuyện đi đến cao trào, tôi và anh Quang Hưng có nhiều màn đối đầu “nảy lửa”. Để cân bằng, tạo đất diễn cho tôi, anh Hưng còn “nhường” mảng miếng để diễn viên trẻ không bị lép vế” - Thanh Nguyên chia sẻ.
Diễn viên Quang Hưng trao đổi kịch bản với diễn viên, ca sỹ Thanh Nguyên.
Với sự nỗ lực của của 2 diễn viên Quang Hưng và Thanh Nguyên cùng tập thể nhà hát, vở diễn “Đi qua ngày giông bão” đã mang về cho Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh 1 huy chương bạc tập thể và 6 huy chương cá nhân (2 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 1 huy chương đồng) trong Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022.
Trong đó, với vai Quang và Phương, diễn viên Quang Hưng và Thanh Nguyên đều nhận được huy chương vàng cá nhân.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và lãnh đạo Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh tặng hoa chúc mừng thành công của tập thể cán bộ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022 vừa qua.
Diễn viên Dư Quang Hưng bày tỏ: “Đây là vở diễn và vai diễn tôi đã chờ đợi rất lâu. Bởi, sau 18 năm, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh mới trở lại tham gia một liên hoan chuyên nghiệp toàn quốc trong lĩnh vực ca kịch. Qua đợt tham dự Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc vừa qua, tôi càng có thêm niềm tin và động lực trong việc cùng tập thể nhà hát tiếp tục bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại dân ca ví, giặm. Đặc biệt, tôi mong các cấp, ngành sẽ quan tâm đầu tư để nhà hát tiếp tục dàn dựng nhiều vở ca kịch không chỉ mang đi dự các liên hoan mà phục vụ rộng rãi bà con nhân dân, qua đó lan tỏa hơn nữa giá trị di sản dân ca ví, giặm...”.