Phụ nữ Hà Tĩnh khẳng định bản thân trong hội nhập

(Baohatinh.vn) - Trong xu thế hội nhập tất yếu của thời đại số, phụ nữ Hà Tĩnh đã phát huy những phẩm chất truyền thống, nỗ lực học tập, nhanh chóng vươn lên để làm chủ kiến thức, khẳng định bản thân.

Phụ nữ Hà Tĩnh khẳng định bản thân trong hội nhập

Phụ nữ Nghi Xuân hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài”.

Chị Hoàng Thị Lịch - Giám đốc HTX Hải sản Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên): Tự học hỏi để sản xuất, kinh doanh.

Là phụ nữ thuộc thế hệ 6X (SN 1969), khi bắt đầu bước vào thời đại công nghệ, tôi gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với ý thức là một chủ HTX có gần chục thành viên, tôi quyết tâm không để bản thân và đơn vị mình tụt hậu. Năm 2016, tôi bắt đầu tự tìm tòi và học sử dụng công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt chú trọng đến việc cập nhật, tích lũy kiến thức từ Internet.

Bước đầu tuy gặp nhiều khó khăn nhưng tôi nghĩ chỉ cần chăm chỉ học tập, mình sẽ bắt kịp xu thế. Bắt đầu từ những kiến thức, kỹ năng về cách thức chế biến các mặt hàng hải sản phù hợp với thị hiếu, tôi bắt tay vào thử nghiệm và sản xuất các mặt hàng của HTX do mình phụ trách. Cũng từ Internet, tôi thuê người lập trang Web giới thiệu những sản phẩm của HTX một cách rộng rãi, từ đó có thêm các mối khách hàng là các chuỗi siêu thị, cửa hàng kinh doanh hải sản.

Phụ nữ Hà Tĩnh khẳng định bản thân trong hội nhập

Chị Hoàng Thị Lịch - Giám đốc HTX Hải sản Cửa Nhượng.

Bên cạnh đó, năm 2019, tôi đã tiến hành xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm mực một nắng của HTX. Cuối năm 2020, sản phẩm mực một nắng của chúng tôi được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Nhờ những cố gắng đó, đến nay, cùng với sản phẩm OCOP mực một nắng, HTX chúng tôi còn có 4 sản phẩm khác được bày bán rộng rãi trên 24 siêu thị, cửa hàng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Năm 2021, dù bối cảnh dịch bệnh, doanh thu của HTX Hải sản Cửa Nhượng vẫn đạt 3 tỷ đồng, bằng 125% kế hoạch.

Chị Trần Thị Tuyết - HTX Cam Phương Đông (xã Mỹ Lộc, Can Lộc): Nắm bắt cơ hội, đưa đặc sản lên sàn giao dịch điện tử.

Tôi sinh năm 1990, có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận CNTT. Vụ cam 2021 vừa qua, tôi đã bán được hơn 80 tấn cam mang thương hiệu cam VietGAP của gia đình và của các hộ trong HTX Cam Phương Đông bằng phương thức giao dịch trên sàn điện tử. Điều đó khiến nhiều người bất ngờ nhưng với tôi đó là kết quả của một quá trình nỗ lực nắm bắt cơ hội trong xu thế hội nhập hiện nay.

Tôi bắt đầu kinh doanh hoa quả, chủ yếu là cam vào năm 2014. Lúc đó, vợ chồng tôi có 2 cửa hàng ở thị trấn Nghèn và xã Mỹ Lộc. Tuy nhiên, chất lượng cam thu mua không đồng đều, phương thức bán hàng truyền thống nhỏ lẻ không ổn định, tôi bàn với chồng bỏ vốn đầu tư xây dựng trang trại trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP và tìm cách quảng bá cam miền Trà Sơn đến khách hàng trên cả nước.

Phụ nữ Hà Tĩnh khẳng định bản thân trong hội nhập

Chị Trần Thị Tuyết - HTX Cam Phương Đông (Mỹ Lộc, Can Lộc).

Dốc toàn bộ vốn tích cóp và vay mượn được 600 triệu đồng, chúng tôi mua 5 ha đất đồi hoang và tiến hành cải tạo để trồng cam. Năm 2017, cam bắt đầu cho thu hoạch sản lượng lớn và đạt chất lượng nhưng lại gặp vấn đề về tiêu thụ. Tôi bàn với chồng tìm cách đưa cam lên các sàn giao dịch điện tử để tìm đầu ra. Từ chỗ đảm bảo uy tín, chất lượng, sản phẩm cam của chúng tôi đã được nhiều khách hàng biết đến. Đặc biệt, thông qua các lễ hội cam do tỉnh tổ chức, thương hiệu cam của chúng tôi dần tìm được chỗ đứng. Chúng tôi còn liên kết với 7 hộ trên địa bàn thành lập HTX Cam Phương Đông, trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP và nhận hướng dẫn chăm sóc, cung cấp vật tư nông nghiệp cho họ.

Em Hoàng Thị Mỹ Tâm - Vận động viên karatedo: Màu cờ sắc áo giúp tôi tự tin

Tôi sinh năm 2003, quê ở xã Tượng Sơn, Thạch Hà. Năm 13 tuổi, tôi bắt đầu tham gia tập luyện bộ môn võ thuật Karatedo. Lúc đó với suy nghĩ học võ để nâng cao sức khỏe nhưng từ khi được gọi vào các đội tuyển thi đấu các giải đấu trong nước và quốc tế, tôi lại đặt ra những mục tiêu cho mình. Dưới sự dẫn dắt của các huấn luyện viên, tôi không ngừng tập luyện để mang về những tấm huy chương cho đất nước. Đến nay, tôi đã trải qua hàng chục giải đấu trong nước và quốc tế, giành nhiều huy chương vàng tại các giải đấu quốc tế và khu vực.

Phụ nữ Hà Tĩnh khẳng định bản thân trong hội nhập

Em Hoàng Thị Mỹ Tâm - Vận động viên Đội tuyển Karatedo Việt Nam.

Một trong những kỷ niệm buồn mà tôi nhớ mãi là tại giải đấu cấp khu vực Đông Nam Á và châu Á năm 2017 và 2018, tôi đã thua đối thủ trong trận chung kết, không đạt mục tiêu ban huấn luyện và cả bản thân đặt ra. Tuy nhiên, khoảnh khắc đó sớm qua đi khi tôi nhận được sự động viên từ các thầy và nhất là khán giả quê nhà. Đặc biệt, nghĩ đến bố mẹ, nghĩ đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, trong tôi trỗi dậy sự tự tôn và đặt ra mục tiêu phải chiến thắng chính mình.

Và những nỗ lực của tôi đã được đền đáp khi tại Giải Vô địch Karatedo châu Á 2021 diễn ra tại thành phố Almaty, Kazakhstan từ ngày 18 - 22/12/2021, tôi giành 3 HCV ở các nội dung: đối kháng (Kumite) đơn nữ lứa tuổi U21 (hạng cân 55 kg); Kumite nhóm tuổi trưởng thành và Kumite đồng đội nữ.

Không ngừng tập luyện, trong mỗi giải đấu quốc tế, tôi luôn cảm thấy thoải mái và tự tin, nhất là đứng trước các đối thủ mạnh của nước ngoài. Tôi rất yêu thích hình ảnh các vận động viên nữ Việt Nam, bên ngoài rất dịu dàng, nữ tính nhưng mỗi khi bước vào sàn đấu thì luôn nhanh nhẹn, dẻo dai và mạnh mẽ, quyết đoán. Tôi nghĩ mình thừa kế những nét đẹp đó từ các thế hệ đi trước.

Cô Nguyễn Thị Quỳnh Giang - giáo viên Trường THPT Hồng Lĩnh (TX Hồng Lĩnh): Làm chủ tri thức và công nghệ để kết nối với học sinh.

Tôi sinh năm 1984, là giáo viên môn Ngữ văn. Với giáo viên, chuyển từ hình thức dạy học trực tiếp sang trực tuyến là điều tất yếu trong trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như thời gian qua.

Để kết nối học sinh, dạy học hiệu quả trong môi trường công nghệ - đưa thế giới vào trong lớp học của mình, tôi đã có một quá trình chuẩn bị về các kiến thức và kỹ năng CNTT. Đó là việc tìm hiểu và thực hành sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp như Zoom, Google Meet, VooV Meeting... Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng các hệ thống Zalo, Facebook, Shub Classroom, Google Form… để giao bài tập, trao đổi kết quả học tập và kiểm tra bài tập ở nhà của học sinh hiệu quả.

Phụ nữ Hà Tĩnh khẳng định bản thân trong hội nhập

Cô Nguyễn Thị Quỳnh Giang - giáo viên Trường THPT Hồng Lĩnh.

Dạy học trên nền tảng ứng dụng CNTT đã mở ra một không gian mới giúp giáo viên sáng tạo nhiều hơn trong công tác giảng dạy và mang đến cho học sinh những bài học sống động, gần gũi. CNTT là nhịp cầu nối giữa người dạy và người học. Các tiết dạy Power point cùng với các ứng dụng trò chơi như Kahoot, Quizizz, Mentimeter… đã tạo tâm thế thoải mái cho học sinh.

Song song với đó, chúng tôi luôn động viên học sinh theo dõi các bài giảng trên truyền hình. Từ tháng 9-11/2021, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã phối hợp với Đài PT-TH Hà Tĩnh tổ chức chương trình “Đến lớp cùng HTTV”, bản thân tôi cũng tham gia giảng dạy một số tiết. Tôi nghĩ, một khi đã làm chủ kiến thức và công nghệ, việc dạy học trực tuyến lại là một lợi thế để kết nối học sinh và thế giới.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.