Phụ nữ Hà Tĩnh xây dựng thành công hơn 150 sản phẩm đạt chuẩn OCOP

(Baohatinh.vn) - Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 154/238 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP do phụ nữ làm chủ (tỷ lệ 65%), góp phần cùng các cấp, ngành phấn đấu thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gắn bó với nghề làm nước mắm truyền thống đã 30 năm nay, nhưng chỉ hơn 5 năm trước, bà Lưu Thị Châu (SN 1959, ở thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) mới dám nghĩ sẽ có ngày sản phẩm của mình vươn ra khỏi làng quê, có mặt khắp mọi miền. Điều này chỉ có được nhờ bà Châu đã tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" thông qua sự vận động thực hiện của các cấp hội phụ nữ.

a2.jpg
Bà Lưu Thị Châu (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) là chủ sản phẩm OCOP nước mắm Đồng Châu.

Bà Châu cho biết: "Năm 2018, khi cán bộ hội phụ nữ đến vận động tham gia chương trình OCOP, tôi vẫn còn bỡ ngỡ và do dự lắm. Tuy nhiên, sau khi nghe các chị tuyên truyền, giải thích về ý nghĩa, vai trò, lợi ích từ việc tham gia chương trình; được tạo điều kiện vay vốn sản xuất, tập huấn..., tôi đã mạnh dạn tham gia. Đến nay, sau khi xây dựng thành công sản phẩm OCOP, tôi thấy quyết định của mình là đúng đắn".

Năm 2019, với sự giúp đỡ của các cấp hội phụ nữ, bà Lưu Thị Châu bắt đầu đầu tư mở rộng quy mô cơ sở sản xuất nước mắm. Từ chỗ, mỗi năm chỉ muối 1-2 tấn cá, bà Châu mạnh dạn tăng sản lượng lên 20-25 tấn/năm. Cùng với dòng nước mắm chất lượng, thông qua sự hỗ trợ của các chương trình tập huấn do các cấp hội phụ nữ và các ban, ngành tổ chức, bà Châu đã lựa chọn xây dựng hình thức, mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu... Cuối năm 2020, sản phẩm nước mắm Đồng Châu của bà Châu được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

a1.jpg
Cán bộ Hội LHPN xã Thạch Kim trò chuyện với bà Lưu Thị Châu, chủ sơ sở nước mắm Đồng Châu về hướng phân phối sản phẩm ra thị trường trong thời gian tới.

Đến nay, trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất nước mắm Đồng Châu xuất ra thị trường trên 8.000 lít nước mắm, doanh thu đạt khoảng 1 tỷ đồng, lợi nhuận thu về khoảng 300 triệu đồng/năm. So với trước đây, chỉ bán quanh vùng thì nay nhờ thương hiệu OCOP, nước mắm Đồng Châu đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, mang lại nguồn thu lớn cho gia đình bà Châu.

Chị Phan Thị Mai - Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Kim cho biết: "Toàn xã đã có 7 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó 6 sản phẩm do chị em làm chủ. Nhờ xây dựng thành công OCOP, các hội viên phụ nữ đã phát huy được nghề truyền thống địa phương, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống".

154d2163012t5152l6-a2.jpg
Từ năm 2022, Hội LHPN TX Kỳ Anh đã nỗ lực vận động để ký kết với hàng chục cơ sở phân phối, tiêu thụ các sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu do các hội viên phụ nữ làm chủ trên địa bàn sản xuất. Ảnh tư liệu.

Cùng với xã Thạch Kim (Lộc Hà), thông qua sự vận động, đồng hành của các cấp hội phụ nữ, nhiều chị em tại các địa phương khác trong toàn tỉnh cũng đã tự tin xây dựng thành công các sản phẩm OCOP. Đối với Hội LHPN TX Kỳ Anh, đã vận động hỗ trợ hội viên xây dựng được 21 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

"Sau khi tuyên truyền, vận động, chúng tôi đã sát cánh cùng chị em trong các khâu, các công đoạn xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP, như: tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, tổ chức và phối hợp triển khai nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức về cách làm, cách xây dựng thương hiệu đạt chuẩn. Đồng thời, triển khai nhiều chương trình: ngày hội khởi nghiệp trưng bày quảng bá sản phẩm OCOP do chị em làm chủ, kết nối với các doanh nghiệp, cửa hàng, siêu thị để giúp các hội viên có sản phẩm OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hiệu quả... Qua đó, tạo động lực để chị em yên tâm, nỗ lực duy trì và phát triển các sản phẩm đã xây dựng thành công", chị Trần Thị Hoài - Phó Chủ tịch phụ trách Hội LHPN TX Kỳ Anh chia sẻ.

a4.jpg
Nhờ sự đồng hành của các cấp hội phụ nữ, nhiều sản phẩm OCOP do phụ nữ làm chủ có cơ hội vươn ra thị trường khắp cả nước và xuất khẩu. Trong ảnh: Gian hàng cu-đơ Phong Nga do chị Nguyễn Thị Nga (xã Thạch Đài, Thạch Hà) làm chủ tại Lễ hội Năm du lịch quốc gia Việt Nam - Điện Biên 2024.

Theo Hội LHPN Hà Tĩnh, đến nay, toàn tỉnh có 154/238 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP do phụ nữ làm chủ, chiếm tỷ lệ 65%. Trong đó, một số địa phương có số lượng sản phẩm OCOP do hội viên phụ nữ đứng chủ lớn như: Hương Sơn (25 sản phẩm), TX Kỳ Anh (21 sản phẩm), Can Lộc (17 sản phẩm), Thạch Hà (16 sản phẩm), Cẩm Xuyên (15 sản phẩm), Lộc Hà (10 sản phẩm) …

Để có được điều đó, cùng với chủ trương, sự quan tâm của các ngành, địa phương thì sự vào cuộc của các cấp hội phụ nữ đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Trong đó, hằng năm, các cấp hội phụ nữ trên toàn tỉnh đã phối hợp tổ chức hàng chục lớp tập huấn về chương trình OCOP, khởi nghiệp, phát triển kinh tế, tổ chức cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp, ngày hội khởi nghiệp thường niên..., thu hút hàng nghìn lượt hội viên phụ nữ tham gia. Cùng với trang bị kiến thức, kỹ năng, các chương trình còn lan tỏa mạnh mẽ, khơi nguồn cảm hứng khởi nghiệp phát triển kinh tế cho các hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh.

Hội LHPN Hà Tĩnh luôn xác định, hỗ trợ hội viên xây dựng sản phẩm OCOP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện có hiệu quả đề án 939 của Chính phủ và đề án 01 của Hội LHPN tỉnh. Qua đó, góp phần cùng các cấp, ngành thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Thời gian tới, bên cạnh xây dựng các sản phẩm OCOP mới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các đơn vị hội cơ sở phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức hội trong tuyên truyền vận động, đồng hành cùng các hội viên duy trì việc sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và nhất là kết nối tiêu thụ, để việc xây dựng sản phẩm OCOP thêm hiệu quả và bền vững.

Bà Trương Thị Lượng

Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Tĩnh

Chủ đề Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast