Giọng cô chùng xuống: - Chị biết em cảnh nhà nông, vài sào ruộng, nắng mưa dầm dãi, đôi con lợn và đàn gà chục con… Tất tần tật chi tiêu của gia đình gồm 2 vợ chồng, cu Tũn và bà nội già yếu trông vào đấy. Chật vật lắm mới đủ, nói chi chuyện dư dả. Vậy mà, tháng rồi, em phải đi mừng đám cưới, đám giỗ lên đến 1,2 triệu đồng.
Minh họa của Huy Tùng
- Đám cưới đã đành rồi. Còn đám giỗ ở nông thôn chắc chỉ cần mang thẻ hương, gói bánh hay nải chuối vừa đẹp mắt, vừa đúng nghĩa?
- Chị chẳng hiểu gì cả. Nông thôn quê em giờ giỗ hết khó cha mẹ, họ cũng mời cả làng, có đám lên đến vài ba chục mâm. Khách đến thắp hương họ đi phong bì 100-200 nghìn đồng cả, nhà em nải chuối, thẻ hương coi sao được.
- Kể cũng khó nhỉ! Lẽ ra gia chủ khi đi mời phải thật lòng dặn trước, đây chỉ là lễ báo đáp cha mẹ và những người có ân nghĩa với gia đình, mong khách đừng nặng nề chuyện phong bì tiền nong. Nhà chị lần trước giỗ ông nội cũng phải dặn họ hàng, làng xóm thế.
- Không chỉ chuyện giỗ, chuyện cưới đâu chị ơi. Xóm em vừa rồi có chuyện lạ đời. Nhà ông B. khá giả, tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày cưới, mời cả làng, dựng rạp, xe cộ, khách khứa đông lắm. Toàn những người sang trọng cả. Đám thợ xây hay được ông ấy thuê lúc đầu bàn nhau cả tốp góp lại mua một lẵng hoa chúc mừng ông chủ. Ngờ đâu, khi đến nơi, thấy người ta xe cộ, áo quần, phong bì, nghĩ mình cả tốp chỉ có lẵng hoa, thế là rủ nhau chạy xe về nhà lo… phong bì. Có đứa phải chạy sang hàng xóm mượn tiền vì trong nhà không còn đồng nào. Em đây cũng phải đi 200 nghìn đồng đó chị!
- Lại thế nữa ư? Kỷ niệm ngày cưới thì cứ tổ chức anh em gia đình, bạn bè thân hữu, thế là đủ, sao phải mời cả làng? Đúng là giàu có rồi thích phô trương, gây phiền hà cho người khác.
Cha ông ta hay nói: Phú quý sinh lễ nghĩa. Thôi thì giàu có rồi phô trương thanh thế cũng được, vì chẳng ai cấm điều đó, nhưng phải để ý đến những người nghèo, đừng gây phiền hà cho họ, để niềm vui của mình luôn được trọn vẹn.