20.000 người có thể bị lây nhiễm Ebola trong tháng 11 tới

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại một cuộc họp báo công bố báo cáo về dịch Ebola.

Dịch bệnh Ebola hoành hành tại các nước Tây Phi vẫn đang là vấn đề y tế khẩn cấp gây nhức nhối cho cộng đồng quốc tế khi tỷ lệ tử vong và các ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng trong những ngày qua.

Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ chuyển xác một nạn nhân Ebola tại bệnh viện Elwa ở Monrovia, Liberia ngày 7/9 (Ảnh: AFP)
Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ chuyển xác một nạn nhân Ebola tại bệnh viện Elwa ở Monrovia, Liberia ngày 7/9 (Ảnh: AFP)

Nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả, dịch Ebola sẽ lây nhiễm cho khoảng 20.000 người ngay trong những ngày đầu tiên của tháng 11 tới đây. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại một cuộc họp báo công bố báo cáo về dịch Ebola hôm 22/9.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, các ổ dịch Ebola tại Tây Phi vẫn là một “vấn đề khẩn cấp, gây quan ngại quốc tế trong lĩnh vực y tế cộng đồng”.

Số liệu thống kê mới nhất của Ủy ban khẩn cấp về Ebola thuộc Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, tính đến ngày 19/9, dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.800 người trong tổng số 5.864 trường hợp nhiễm bệnh, với số ca tử vong tăng thêm 181 chỉ trong vòng 4 ngày, bắt đầu từ ngày từ 14/9.

Trong số 5 quốc gia nằm trong vùng dịch, Liberria hiện là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 3.000 ca nhiễm bệnh và trên 1.500 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, tốc độ lây nhiêm bệnh ở các quốc gia vùng dịch có sự khác biệt rõ ràng.

Tình hình tại Senegal và Nigeria được ghi nhận là tương đối khả quan, do hai nước này đã đạt được tiến bộ trong nỗ lực dập dịch. Senegal đã không phát hiện ca nhiễm mới nào kể từ trường hợp đầu tiên và duy nhất cho tới nay. Nigeria, nơi có 21 người nhiễm và 8 người trong số đó đã tử vong cũng không phát hiện bất kỳ trường hợp mới nào kể từ ngày 8/9 đến nay.

Tiến sĩ Christopher Dye, đồng tác giả của báo cáo nhận định: “Chúng ta cần phải đảm bảo rằng dịch Ebola không lan xa tới các quốc gia khác trong khu vực. Dịch Ebola đã tràn vào Nigeria và Senegal song đến nay, số các ca lây nhiễm không nhiều. Trong 21 ngày qua, tại Nigeria và Senegal không có các trường hợp lây nhiễm mới. Vì vậy chỉ có thể nói rằng Chính phủ Nigeria và Senegal đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đi qua báo cáo này là chúng ta cần phải hành động ngay từ bây giờ nếu không sẽ phải đối mặt với các ca lây nhiễm tăng ngày càng nhanh”.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong thời gian tới, cộng đồng thế giới, đặc biệt là các quốc gia vùng dịch phải có “các biện pháp an ninh thích hợp” nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, những người có nguy cơ lây nhiễm cao.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng kêu gọi các quốc gia nằm trong vùng dịch tăng cường các biện pháp phòng chống, đồng thời sẵn sàng đối phó với nguy cơ lây nhiễm, thông qua việc tăng cường huấn luyện và đào tạo nhân viên y tế.

Giáo sư dịch tễ học Christl Donnelly, đồng tác giả của báo cáo nhận xét: “Nếu không hành động mạnh tay ngay từ bây giờ, dịch Ebola sẽ ngày càng nghiêm trọng và sẽ khó kiểm soát hơn. Một khi các ca lây nhiễm bệnh tăng cao cũng đồng nghĩa với việc các bệnh viện và trung tâm y tế phải tăng số giường bệnh. Nhà nước sẽ phải tăng cường nỗ lực hơn nữa cùng với nhiều ngân sách được chi hơn để kiểm soát dịch bệnh”.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mới đây đã coi virus Ebola là một mối đe dọa đối với hòa bình thế giới.

Theo Hồng Nhung/VOV

Đọc thêm

Chuyển giao phương pháp chữa trị rối loạn phổ tự kỷ trẻ em

Chuyển giao phương pháp chữa trị rối loạn phổ tự kỷ trẻ em

Từ 26-30/8, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần Hà Tĩnh phối hợp với Viện Sức khoẻ tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai tổ chức cập nhật kiến thức về rối loại phổ tự kỷ trẻ em cho các bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ tâm lý tại các bệnh viện ở Hà Tĩnh.
Nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khoẻ lừa dối người tiêu dùng

Nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khoẻ lừa dối người tiêu dùng

Việc quản lý, kiểm soát mua bán, giám sát chất lượng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ qua mạng, trong đó có hàng "xách tay" rất khó khăn. Mặt khác, do lợi nhuận, nhiều đối tượng bất chấp pháp luật sản xuất, nhập khẩu sản phẩm không bảo đảm, làm hàng giả, quảng cáo lừa dối...