Thảm họa động đất khoét sâu vết thương chiến tranh của Syria

Người dân vùng tây bắc Syria đã quen cảnh tỉnh giấc giữa đêm trong tiếng bom đạn, máy bay, nhưng lần này họ bị đánh thức trong tình huống hoàn toàn khác.

Khi trận động đất mạnh 7,8 độ xảy ra vào rạng sáng 6/2, Ismail Alabdullah, 36 tuổi, sống ở làng Sarmada, tỉnh Idlib, tây bắc Syria, giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, tưởng đó là tiếng trực thăng thả bom thùng.

“Tôi bật dậy, chạy đến ôm con trai”, tình nguyện viên lực lượng cứu hộ Mũ Trắng của Syria, nói.

Vốn mắc kẹt giữa các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ Syria và các nhóm nổi dậy đang kiểm soát khu vực tây bắc, cuộc sống của khoảng 4,5 triệu dân ở Idlib đã rất khó khăn. Giao tranh lẻ tẻ vẫn xảy ra, 91% người dân trong vùng phải phụ thuộc vào nguồn viện trợ để sinh tồn.

“Chúng tôi đã quen với chuyện đưa nạn nhân ra khỏi các đống đổ nát, nhưng lần này lại khác. Rất nhiều người vẫn còn mắc kẹt, họ sẽ chết vì chúng tôi không đủ thiết bị tiếp cận tất cả mọi người. Không còn gì cả”, Alabdullah nói.

Nhiều năm chiến sự đẩy dịch vụ y tế ở Idlib đến bờ vực sụp đổ. Phần lớn nhà cửa ở khu vực này đều bị hư hại do chiến sự và dễ dàng sụp xuống khi xảy ra động đất. Việc giám sát an toàn xây dựng còn lỏng lẻo tại khu vực cũng khiến các công trình khó chống chịu rung lắc.

Thảm họa động đất khoét sâu vết thương chiến tranh của Syria

Người Syria tìm kiếm nạn nhân và những người sống sót giữa đống đổ nát ở làng Besnia gần thị trấn Harim, tỉnh Idlib, ngày 6/2. Ảnh: AFP.

Số người chết trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ngày 6/2 đã tăng lên gần 5.000 người, trong đó có hơn 1.500 người Syria.

Các bệnh viện và cơ sở y tế ở vùng tây bắc Syria ngày 6/2 lâm vào hỗn loạn. 4 trung tâm do Hiệp hội Y tế Mỹ - Syria điều hành bị hư hại đáng kể, hai trung tâm phải sơ tán hoàn toàn.

Các bác sĩ bị quá tải trước làn sóng người bị thương được đưa đến. Trong làn bụi mù mịt, họ phải điều trị cho các nạn nhân ngay tại hành lang, giữa hàng loạt thi thể.

“Tôi chạy chữa cho nhiều trẻ em hôm nay. Tôi e rằng còn nhiều nạn nhân dưới đống đổ nát hơn nữa. Dưỡng khí sẽ cạn và họ sẽ chết”, Osama Salloum, bác sĩ tại bệnh viện Bab al-Hawa gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, kể.

“Đây là một thảm họa ở quy mô chưa từng thấy. Nỗi sợ không kém gì các cuộc không kích. Tôi lo rằng dư chấn sẽ còn ảnh hưởng tới gia đình mình. Có những bác sĩ chưa rõ tung tích, có lẽ họ cũng không qua khỏi”, ông nói thêm.

Thảm họa động đất khoét sâu vết thương chiến tranh của Syria

Phòng cấp cứu bệnh viện Bab al-Hawa, tỉnh Idlib, tây bắc Syria, sau thảm kịch động đất ngày 6/2. Ảnh: AFP.

Một người đàn ông giấu tên ở thành phố Aleppo cho biết gia đình anh đã chạy ra đường khi động đất xảy ra. Nguồn cung nước và điện bị cắt, chưa có bất kỳ khoản viện trợ nào từ bên ngoài. “Người dân cả khu phố ở ngoài trời giữa giá rét. Ơn trời là họ không sao, nhưng trời rất lạnh và chúng tôi không biết đi đâu”, anh nói.

Trận động đất cũng gây ảnh hưởng đến cửa khẩu Bab al-Hawa, huyết mạch duy nhất kết nối vùng tây bắc Syria với thế giới bên ngoài.

Viện trợ quốc tế đến khu vực này bắt đầu chảy qua cửa khẩu kể từ năm 2014. Các trường hợp cấp cứu vượt quá khả năng điều trị của bệnh viện trong khu vực thường được chuyển lên phía bắc để chăm sóc ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, chương trình nhân đạo do LHQ hậu thuẫn tại tây bắc Syria đã đối mặt với tình trạng thiếu ngân sách trong nhiều năm qua và không bao gồm kế hoạch ứng phó thiên tai.

Hiện cơ sở hạ tầng y tế của Thổ Nhĩ Kỳ cũng quá tải, các sân bay đóng cửa, giao thông bị phong tỏa, chưa rõ những người ở tây bắc Syria sẽ nhận được viện trợ thế nào.

“Chúng tôi vốn sống trong tình thế tuyệt vọng, song không ngờ mọi chuyện lại có thể tồi tệ hơn”, bác sĩ Salloum nói. “Chúng tôi đã sống sót qua nhiều thăng trầm và giờ thảm kịch này lại ập đến”.

Theo Đức Trung (VNE)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast