Các mô hình nông nghiệp ở Hà Tĩnh nỗ lực chuyển đổi số trong sản xuất

(Baohatinh.vn) - Không chỉ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong cơ cấu giống, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Tĩnh đang đầu tư mạnh cho quy trình tự động hóa, nền tảng số nhằm tạo thế cạnh tranh và phát triển bền vững.

Các mô hình nông nghiệp ở Hà Tĩnh nỗ lực chuyển đổi số trong sản xuất

Các khâu bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật qua lá tại HTX Nông nghiệp Gia Phúc ở xã Thường Nga (Can Lộc) được thực hiện 100% bằng cơ giới hóa.

Cách đây khoảng 4 năm, HTX Nông nghiệp Gia Phúc ở xã Thường Nga (Can Lộc) bắt tay vào đầu tư xây dựng trại cây ăn quả Khe Lang theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích 30 ha. Đến nay, trại cây ăn quả Khe Lang đã có 5.000 gốc bưởi, 3.500 gốc cam, 2.000 gốc ổi, 1.500 gốc chanh, 1.500 cây thanh long, 800 gốc táo và 500 gốc mít.

Vừa kiến thiết hạ tầng, vừa xây dựng thương hiệu sản phẩm, hiện ổi sạch Khe Lang của HTX Nông nghiệp Gia Phúc đã được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và HTX đang tiếp tục xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm cam, bưởi, táo.

Các mô hình nông nghiệp ở Hà Tĩnh nỗ lực chuyển đổi số trong sản xuất

HTX ứng dụng quản lý, vận hành hệ thống tưới nước tự động, bón phân nhỏ giọt qua app điện tử.

Ông Lê Vạn Hải - Giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phúc cho biết: “Sau 4 năm, một số sản phẩm đã bắt đầu cho thu hoạch như ổi (hơn 20 tấn/năm), thanh long và cam (thu hoạch bói)… Quan trọng hơn, việc đầu tư bài bản, thực hiện quy hoạch chi tiết vùng sản xuất ngay từ đầu đã giúp chúng tôi ứng dụng tốt các tiến bộ KHKT. Hiện nay, trại cây ăn quả đang được thí điểm xây dựng mô hình chuyển đổi số, “đặt tên” cho cây để quản lý sản xuất bằng hệ thống dữ liệu, dán tem truy xuất nguồn gốc. Từ đây, sản phẩm sẽ được “nâng tầm” và có thể nghĩ đến những thị trường lớn hơn qua kết nối với các sàn thương mại điện tử”.

“Đặt tên” cho cây mà ông Lê Vạn Hải nói chính là việc đánh số, ký hiệu theo vùng, theo hàng và từng cây rồi kết nối thông tin về hệ thống dữ liệu quản lý. Quy trình này sẽ giúp người sản xuất quản lý tổng thể quá trình chăm sóc, sinh trưởng của từng cây; định vị nhanh và xử lý sớm các dấu hiệu về sâu bệnh, tránh lây lan gây thiệt hại kinh tế.

Các mô hình nông nghiệp ở Hà Tĩnh nỗ lực chuyển đổi số trong sản xuất

HTX Nông nghiệp Gia Phúc đánh số, ký hiệu cây, thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi số.

Những năm gần đây, lĩnh vực trồng cây ăn quả được nhiều nhà vườn đầu tư công nghệ một cách bài bản, nghiêm túc. Chẳng hạn, đầu tư lắp đặt trạm thời tiết thông minh công nghệ iMetos vào vườn ươm giống ở xã Hương Trà (Hương Khê); mô hình gắn tem mã QR truy xuất cam Khe Mây, cam Thượng Lộc, cam Sơn Mai, nhung hươu Hương Sơn…

Hay, nhiều HTX, hộ sản xuất đã chuyển đổi mô hình quản trị, quản lý bằng việc ứng dụng các phần mềm công nghệ về kế toán, thương mại nhằm tiến sâu vào các sàn giao dịch điện tử.

Các mô hình nông nghiệp ở Hà Tĩnh nỗ lực chuyển đổi số trong sản xuất

Mô hình nuôi tôm trong nhà của HTX Minh Đức.

Mỗi vùng miền tùy vào các lợi thế sản xuất để tìm “lối mở” trong việc ứng dụng KHCN. Ở vùng nuôi tôm công nghệ cao thuộc tổ dân phố Xuân Hòa, thị trấn Lộc Hà (Lộc Hà), bà con chuyển hướng từ ao lót bạt sang nuôi tôm trong nhà.

HTX Minh Đức không phải mô hình đầu tiên, song sự bài bản, quy mô thì vào loại bậc nhất của vùng này.

Các mô hình nông nghiệp ở Hà Tĩnh nỗ lực chuyển đổi số trong sản xuất

Hệ thống nhà nuôi được đầu tư bài bản, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật giúp mô hình tăng giá trị kinh tế.

Anh Lê Văn Cường - cán bộ kỹ thuật HTX Minh Đức cho biết: “Với tổng diện tích 3.500 m2, năm 2019, HTX chuyển sang nuôi tôm trong nhà theo 3 cấp. Cứ mỗi nhà 330 m2 chia thành 10 bể nuôi được trang bị đầy đủ hệ thống đèn, sục khí, bạt che mùa đông và lưới đan mùa hè để giữ nhiệt độ ổn định.

Nhà đầu tiên thả nuôi khoảng 25 vạn con, trong khoảng 10 - 15 ngày bắt đầu san mật độ để chuyển sang nhà thứ 2 và tiếp tục nuôi trong nhà đến thời điểm tôm có đề kháng, kích cỡ ổn định trước khi ra ao trời. Mặc dù phải tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt nhưng tôm nuôi ổn định hơn, dễ quản lý sâu bệnh, giảm chi phí. Đặc biệt, kích cỡ tôm lớn, đạt 30 con/kg, bán giá 200 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 lần so với giá tôm nuôi truyền thống”.

Các mô hình nông nghiệp ở Hà Tĩnh nỗ lực chuyển đổi số trong sản xuất

HTX Rau, củ, quả Thạch Hạ đầu tư gần 1 tỷ đồng để sản xuất dưa lưới công nghệ cao.

Ở vùng đô thị, nông nghiệp công nghệ cao là lựa chọn tối ưu đối với điều kiện quỹ đất hạn hẹp và lợi thế cạnh tranh cao. Chỉ tính trong 2 năm (2019 - 2020), TP Hà Tĩnh đã hỗ trợ xây dựng 49 nhà lưới trồng dưa, rau công nghệ cao với gần 20.000 m2. Mô hình này không chỉ đưa lại thu nhập cao mà còn góp phần thay đổi tư duy làm nông nghiệp đô thị của bà con nông dân.

Anh Nguyễn Đăng Mạnh - Giám đốc HTX Rau, củ, quả Thạch Hạ và các dịch vụ tổng hợp, thôn Liên Hà, xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi đã đầu tư gần 1 tỷ đồng sản xuất dưa lưới công nghệ cao trên diện tích gần 3.000 m2 (6 nhà). Ngoài công nghệ bón phân, tưới nước nhỏ giọt thì chúng tôi đang ứng dụng đồng hồ tự động hóa, thực hiện các quy trình chăm sóc theo lập trình sẵn, đảm bảo sự chính xác cao về kỹ thuật”.

Theo tính toán, khoảng 1 tháng nữa, HTX sẽ thu hoạch vụ đầu tiên đối với giống dưa lưới TL3 và dưa Nhật.

Các mô hình nông nghiệp ở Hà Tĩnh nỗ lực chuyển đổi số trong sản xuất

Mô hình trồng dưa lưới được đầu tư theo công nghệ tưới nước và bón phân nhỏ giọt.

Kế thừa những mô hình đã có, bà con nông dân tiếp tục phát triển sản xuất trên nền tảng công nghệ, chú trọng lĩnh vực chế biến, thị trường. Đó là sự chuyển động tất yếu, cấp bách của sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu và cạnh tranh cao, từng bước tiếp cận chuyển đổi số.

Tuy nhiên, để có kết quả, chúng ta vẫn cần lộ trình mà quan trọng nhất vẫn là thay đổi tư duy người sản xuất; đẩy mạnh chủ trương tích tụ ruộng đất; củng cố hạ tầng phục vụ sản xuất, thương mại và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast