Thấm sâu nghĩa đồng bào

(Baohatinh.vn) - Những ngày đầu tháng ba âm lịch, giữa muôn vàn lo âu, căng thẳng vì đại dịch Covid-19, lòng dân Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng vẫn nhớ đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương: “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba...”.

Thấm sâu nghĩa đồng bào

Hà Tĩnh chủ động các điều kiện đón kiều bào trở về qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Và cũng chính những ngày này, mỗi một người lại càng thấm sâu hơn tình cảm của những người “cùng chung một bọc”, như cách nói của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là nghĩa đồng bào.

Cái nghĩa đồng bào ấy, nó thiêng liêng, bền chặt và có sức mạnh to lớn, diệu kỳ. Từ thuở vua Hùng dựng nước, qua hàng chục thế kỷ đấu tranh với thiên tai, giặc giã, sức mạnh của tình người cùng chung dòng giống Lạc Hồng, chung cội nguồn tiên tổ Việt Nam đã khiến con người xích lại gần nhau, sát cánh bên nhau thành một khối để chiến thắng mọi kẻ thù, bảo vệ đất nước, xây dựng giang sơn gấm vóc Việt Nam hùng cường như ngày hôm nay.

Đại dịch Covid-19 có sức tàn phá ghê gớm, tạo nên một cuộc “đại chiến thế giới” khắp các châu lục, tàn phá cả những đất nước văn minh, hiện đại ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, Việt Nam đã ngăn chặn, bao vây, kiểm soát tốt dịch bệnh.

Việt Nam là điểm đến an toàn và thân thiện. Quê hương Việt Nam luôn là bến đỗ bình yên, là nơi che chở tốt nhất cho những người con đi xa. Người Việt từ khắp các châu lục liên tục đáp máy bay về quê “tránh dịch”.

Thấm sâu nghĩa đồng bào

Cán bộ, chiến sỹ Trường Quân sự tỉnh Hà Tĩnh và người dân tình nguyện chuẩn bị bữa ăn cho đồng bào ở khu cách ly.

Có người đã mang trong mình mầm bệnh mà không hay biết, có người còn khỏe mạnh, có người bay thẳng, có người nối chuyến qua nước thứ ba... Tất cả đều mong muốn về lại mái nhà thân yêu của mình, về lại Tổ quốc của mình, để được sống trong an toàn và sống giữa tình yêu thương của gia đình, cộng đồng.

Tổ quốc như người mẹ hiền luôn dang rộng vòng tay đón những người con của mình, tạo điều kiện tốt nhất để họ được cách ly, theo dõi, xét nghiệm, điều trị... Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để cứu người trong cuộc chiến này, không một ai bị bỏ rơi, người già cũng như trẻ nhỏ”.

Thấm sâu nghĩa đồng bào

Cán bộ Huyện đoàn Thạch Hà và một số đoàn viên thanh niên tự tay chế tạo mũ chống giọt bắn phục vụ phòng dịch.

Chính phủ đã bảo vệ tốt người dân trong nước, kiều bào nước ngoài trở về và giải cứu công dân nước ngoài khi cần. Bộ Ngoại giao khẳng định: Công dân Việt Nam được phép về nước mà không cần giấy xác nhận của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại. Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, Ấn Độ và tại nhiều nước khác đã kịp thời hỗ trợ công dân mắc kẹt tại sân bay.

Đến thời điểm ngày 25/3, theo số liệu từ cơ quan quản lý hàng không, đã có gần 12.000 công dân Việt Nam từ các nước “tâm dịch” trở về. Con số thực tế chắc chắn lớn hơn nhiều, vì rất nhiều công dân đi về qua các cửa khẩu bằng đường bộ ở các tỉnh, thành phố.

Thấm sâu nghĩa đồng bào

Hội viên Hội LHPN Hương Khê - Hà Tĩnh tiếp tế thực phẩm cho khu cách ly tập trung của tỉnh ở xã Hương Bình.

Để đón những người con xa Tổ quốc trở về, các cán bộ, chiến sĩ đã nhường doanh trại, vào rừng, ngủ trong lều bạt dã chiến. Các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch lại thêm phần căng thẳng, lo âu, gồng mình lên để chiến đấu với tử thần.

Hình ảnh những người phục vụ khu cách ly ở ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trải chiếu ngủ trên nền đất, còn nguyên cả áo quần bảo hộ y tế; hay lời kêu gọi của đội ngũ y, bác sĩ cả nước: “Chúng tôi đi làm vì bạn, xin bạn ở nhà vì chúng tôi” kèm theo những hình ảnh đầy quyết tâm của họ đã lay động hàng triệu trái tim Việt Nam.

Thấm sâu nghĩa đồng bào

Đội ngũ y, bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh với thông điệp kêu gọi người dân chung tay chống dịch. Ảnh: Hoàng Hào

Nhiều tổ chức hội đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, giáo viên các trường học... đã tình nguyện lao động, dọn dẹp, cung cấp nhu yếu phẩm cho các khu cách ly. Một cô giáo mầm non ở xã Mỹ Lộc (Can Lộc) kể: “12h đêm, chúng em được lệnh của hiệu trưởng, nội trong buổi sáng ngày mai phải có mặt để dọn dẹp trường lớp sạch sẽ đón đồng bào về cách ly vì khu cách ly ở Cầu Treo phải giãn ra để đón các công dân khác. Vậy là từ sáng sớm, em đã gửi 2 con cho bà ngoại để lên trường làm vệ sinh, đến 12h trưa mới về. Mệt một tý nhưng ai cũng vui vẻ".

Để hỗ trợ những người được cách ly ở Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã ủng hộ 100 triệu đồng, làm ấm lòng những người đi xa trở về. Tối 23/3, khu cách ly tập trung của thị trấn Nghèn (Can Lộc) đón công dân từ Lào và Thái Lan về nước. Để họ có thể được cách ly tốt nhất, lực lượng chức năng đến 20h30’ mới ăn bữa cơm dã chiến vội vàng, ngủ tạm bợ ngoài sân, thay nhau canh gác cả đêm.

Thấm sâu nghĩa đồng bào

Hội LHPN Vũ Quang nấu cơm cho khu cách ly tập trung của huyện

Với tấm lòng tự nguyện, cán bộ, hội viên phụ nữ ở Hà Tĩnh đã gom góp lương thực, thực phẩm từ vườn nhà để gửi đến các khu cách ly trong toàn tỉnh. Chị em còn tham gia nấu nướng, vận chuyển thức ăn, đồ uống đến các khu cách ly, gom góp may khẩu trang tặng những người đang sinh sống và làm việc tại đây. Đoàn viên thanh niên nhiều địa phương may khẩu trang tặng những người nghèo.

Chiến sĩ cảnh sát giao thông thì đo thân nhiệt và tặng khẩu trang cho người đi đường... Những hình ảnh này làm chúng ta liên tưởng đến hậu phương đóng góp sức người sức của cho cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đúng như lời của Bác Hồ kêu gọi năm 1947: “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng. Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào...!”.

Thấm sâu nghĩa đồng bào

Hội viên Hội Nông dân thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) tranh thủ thời gian nhàn rỗi vào ban đêm để may tặng khẩu trang cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Nguyễn Hữu Thanh, một độc giả của tờ Thế giới & Việt Nam đã viết: “Đến giờ phút này, trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, mọi người Việt Nam có thể tự hào về đất nước mình. Những nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc chiến này đã được người dân trong cả nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Việt Nam luôn mở rộng vòng tay đón đồng bào người Việt khắp nơi trên thế giới về với quê hương trong thời điểm khó khăn này. Mọi người dân Việt Nam luôn tin tưởng vào quyết tâm chống dịch Covid-19 của Chính phủ và sẽ đồng hành góp sức cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất”.

Có thể nói, Việt Nam là một quốc gia đặc biệt, bởi khi có giặc, mọi người dân từ già đến trẻ, không phân biệt giàu nghèo, địa vị, thành phần xã hội, đều sát cánh bên nhau để đánh giặc. Hôm nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân lại đoàn kết thành một khối vững chắc, quyết tâm chiến thắng dịch Covid-19.

Thấm sâu nghĩa đồng bào

Các doanh nghiệp trao tượng trưng 200 giường xếp phục vụ trong các khu cách ly tập trung ở Vũ Quang - Hà Tĩnh.

Chỉ thị của Trung ương Đảng, lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam như một lời hiệu triệu toàn dân đóng góp nguồn lực cùng chống dịch. Hàng trăm tỷ đồng đã được ủng hộ, làm ấm lòng những người lính trên tuyến đầu chống dịch và những bệnh nhân, những người con đi xa trở về.

Dù phía trước còn nhiều gian nan nhưng tin tưởng, với truyền thống tương thân tương ái “bầu bí thương nhau”, với nghĩa tình của những người “cùng chung một bọc”, cả dân tộc Việt Nam sẽ chiến thắng dịch Covid-19, để đất nước yên bình và hạnh phúc, tươi đẹp và phát triển hùng cường.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Trong đau thương, mất mát của người dân nhiều tỉnh thành phía Bắc sau bão số 3, nhiều tứ thơ đã được gieo vần. Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu một số bài thơ đầy cảm xúc trong cơn hoạn nạn.
Chuyện cây Hà Nội sau bão

Chuyện cây Hà Nội sau bão

Ngay sau cái đêm kinh hoàng bão YAGI đổ bộ vào Hà Nội, tôi lái xe ra đường. Khắp cả thành phố, cây nằm la liệt, nhiều cây bật gốc, gãy đổ tan hoang.
Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải, xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh) là một trong những di tích đặc trưng cho sinh hoạt tín ngưỡng, chốn trao gửi tâm linh của người dân và du khách thập phương.
Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Hình ảnh cảm động các chiến sĩ đưa dân ra ngoài, các xe đi chậm lại để dìu mọi người trên cầu trong lúc gió to… được cô gái TP. Hồ Chí Minh khắc họa lại trong bộ tranh nói về Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi.
Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Tối 8/9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 và Chương trình Gala tiếng Việt thân thương đã diễn ra với sự tham dự của hơn 600 đại biểu. Những “Sứ giả tiếng Việt” năm 2024 đã được vinh danh và trao tặng bằng khen.
Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Cây nhãn già thách thức mưa nắng, bão bùng, nhìn vào đó, bà luôn tưởng tượng bóng hình Hiếu, vẫn hiển hiện đâu đây trong khu vườn, căn nhà thân thuộc, như chưa từng có cuộc chia ly...
Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Có vẻ như mọi hân hoan, quyến luyến, mọi mỹ cảm, nồng say đều dồn tụ hết vào một chữ thu. Thu xao xuyến, thu bồi hồi, thu bâng khuâng, thu đa cảm...
Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Non nước Cao Bằng chính thức được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu vào ngày 12/4/2018, trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ hai tại Việt Nam sau Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang.
Truyện ngắn: Màu áo lính

Truyện ngắn: Màu áo lính

Phía ngoài ô cửa sổ, loa phát thanh đang vang lên tin tức về những hoạt động mừng ngày tết Độc lập. Ông Việt nhìn ra lá cờ đỏ sao vàng tung bay ngoài song cửa rồi mắt ông ầng ậc nước…
Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm được công nhận cây di sản Việt Nam có tuổi đời hơn 360 năm, nằm trong khuôn viên nhà thờ Phan Tôn Chu và Ngọc Hoa công chúa ở thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.