Lộc Hà có bún Đại Lự - vừa dai sợi vừa thơm ngon

(Baohatinh.vn) - Từ bao đời nay, người dân thôn Đại Lự, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã gắn bó với nghề làm bún truyền thống. Nghề làm bún đã tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy sản xuất phát triển...

Lộc Hà có bún Đại Lự - vừa dai sợi vừa thơm ngon

Chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn Đại Lự (xã Hồng Lộc) chuẩn bị đưa sản phẩm của quê hương đến với người tiêu dùng.

Để chuẩn bị cho phiên chợ chiều, từ lúc 9h sáng, chị Nguyễn Thị Hiền đã phải gấp rút ngâm gạo, nghiền ướt mịn, làm ráo, nhào, ép đùn... để 2h chiều kịp đến cơ sở của anh Đặng Đỉnh lọc bột, làm sợi, hấp chín (sản phẩm cuối cùng).

Khoảng 3h chiều, khi những sợi bún trắng tinh, thơm ngon, sạch được ra lò, sắp ngay ngắn vào thúng cũng là lúc chị Hiền bắt đầu phiên chợ của ngày mới cách nhà hơn 10 km. Và, cũng như bao ngày khác, cùng đồng hành xuống chợ với chị là các chị Hoàng Thị Loan, Trần Thị Sửu, Trần Thị Hiên...

Lộc Hà có bún Đại Lự - vừa dai sợi vừa thơm ngon

Các sợi bún trắng ngần, nóng hổi ra lò.

Chị Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi làm 20 kg gạo, được một thúng bún có trọng lượng gần 50 kg (trong đó 1/2 bún sợi, 1/2 bún lá), mang xuống bán tại chợ Hôm (xã Thạch Kim) với mức giá khoảng 12 - 15.000 đồng/kg. Trừ chi phí sản xuất, xăng xe…, mỗi ngày tôi thu nhập khoảng 300.000 đồng”.

Đam mê với nghề truyền thống của cha ông nên dù đã ở tuổi “cổ lai hy”, bà Nguyễn Thị Thới vẫn ngày ngày lăn lộn với nghề. Bà Thới chia sẻ: “Năm 10 tuổi, tôi đã theo mẹ làm bún và 60 năm qua, tôi luôn gắn bó với ruộng đồng, hạt gạo, sợi bún. Nay tuổi già, sức yếu, không còn làm ruộng được nhưng tôi vẫn làm nghề bún để vừa khuây khỏa, vừa trang trải cuộc sống thường ngày. Hầu như ngày nào tôi cũng làm bún, còn ông nhà thì đạp xe đi bán khắp nơi”.

Được biết, nghề làm bún ở thôn Đại Lự có từ hàng trăm năm nay. Thời điểm này không phải hưng thịnh nhất nhưng người dân nơi đây vẫn luôn có ý thức gìn giữ làng nghề, xem đây như là một nét đẹp văn hóa truyền thống.

Đặc biệt, từ những sợi bún được sản xuất theo quy trình khép kín liên hoàn từ việc tự tạo nguồn nguyên liệu đến khi cho ra thành phẩm cuối cùng đã giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

Lộc Hà có bún Đại Lự - vừa dai sợi vừa thơm ngon

Trước đây, tất cả các công đoạn sản xuất bún ở Đại Lự đều được làm thủ công, nhưng nay đã có 2 cơ sở mua sắm máy móc hỗ trợ khâu lọc bột, nấu sợi để cho ra thành phẩm cuối cùng.

Theo tính toán, mỗi sào ruộng người dân Đại Lự gieo cấy giống lúa Khang Dân 18 và Xuân Mai 12 (cho gạo tốt để làm bún) thì thu về hơn 250 - 300 kg thóc và xay được khoảng 200 kg gạo. Nếu chỉ đơn thuần sản xuất nông nghiệp thì mỗi sào ruộng chỉ thu nhập khoảng 2,2 triệu đồng/vụ, nhưng khi tiếp tục dùng gạo làm bún thì giá trị cao hơn gấp đôi.

Những người làm nghề nhẩm tính, mỗi kg gạo chỉ bán được 11.000 đồng, nhưng khi làm bún thì sẽ cho ra 2,5 kg thành phẩm và được bán với giá 25 - 30.000 đồng.

Lộc Hà có bún Đại Lự - vừa dai sợi vừa thơm ngon

Những lá bún trắng ngần, thơm ngon được bày ngay ngắn trong thúng chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.

Bún Đại Lự là sản phẩm mang đậm hồn cốt của một làng nghề, tâm huyết của những người nông dân. Từ nhiều năm nay, bún Đại Lự đã được bà con mang đi bán khắp các chợ nông thôn ở Lộc Hà, Nghi Xuân, Can Lộc, TP Hà Tĩnh… và luôn được mọi người ưa chuộng.

Chị Trần Thị Thanh - chủ một quán bún chả ở thị trấn Lộc Hà đánh giá: “Trên thị trường có nhiều loại bún, nhưng chúng tôi luôn chọn bún Đại Lự vì chất lượng tốt, màu sắc đẹp, sợi dai, thơm ngon. Ngoài ra, thực phẩm được đảm bảo an toàn ngay từ khi sản xuất nguyên liệu”.

Lộc Hà có bún Đại Lự - vừa dai sợi vừa thơm ngon

Ông Đặng Đình Bát - Trưởng thôn Đại Lự động viên bà con phát huy nghề truyền thống và nhắc nhở phải luôn đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch COVID-19.

Ông Đặng Đình Bát - Trưởng thôn Đại Lự cho biết: “Làng nghề truyền thống không chỉ tạo thêm việc làm, thu nhập cho bà con trong thôn mà còn khuyến khích sản xuất phát triển. Vì để có nguyên liệu tốt, giá rẻ thì bà con phải mở rộng diện tích sản xuất, hạn chế được tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn làn, chăm lo đồng áng. Ngoài ra, nước ngâm gạo, nước rửa chống dính của bún, cám và tấm trong quá trình xay xát gạo… cũng được tận dụng để chăn nuôi quy mô nông hộ, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống”.

“Hiện nay, tuy làng nghề không còn sầm uất như xưa nhưng khoảng 80 hộ với hơn 100 lao động vẫn phấn khởi bám nghề, mỗi ngày làm khoảng 7-8 tạ gạo, mức thu nhập khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập từ nghề bún chiếm khoảng 36% tổng nguồn thu của cả thôn” - Trưởng thôn Đặng Đình Bát thông tin thêm.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast