Cung ứng giống lúa ở Hà Tĩnh: Không ít doanh nghiệp “qua mặt” cơ quan quản lý

(Baohatinh.vn) - Sử dụng giống lúa không đúng phẩm cấp, kém chất lượng sẽ gây ra hậu quả lúa nảy mầm kém, năng suất tụt giảm, chất lượng thành phẩm thấp… Thực trạng này ở Hà Tĩnh đã và đang diễn ra bởi nhiều cá nhân, doanh nghiệp vẫn “lờ” quy định, cố tình cung ứng giống kém chất lượng...

Cung ứng giống lúa ở Hà Tĩnh: Không ít doanh nghiệp “qua mặt” cơ quan quản lý

Giống lúa là điều bà con nông dân quan tâm nhất trước mỗi vụ gieo cấy

Giống kém chất lượng “trà trộn”

Mỗi vụ xuân, Hà Tĩnh sử dụng trung bình khoảng 3.600 tấn giống, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong năm. Đây là thời điểm thị trường giống Hà Tĩnh có sự tập trung lớn nhất số lượng doanh nghiệp tham gia cung ứng, vì thế mà những vi phạm về chất lượng giống cũng “rình rập”.

Mới vào sản xuất vụ xuân 2020, Chi cục Quản lý chất lượng Nông - lâm - thủy sản Hà Tĩnh đã “tuýt còi” 4,5 tấn giống lúa Bắc Thịnh không đảm bảo tỷ lệ nảy mầm theo Quy chuẩn Việt Nam 01-54:2011.

Cung ứng giống lúa ở Hà Tĩnh: Không ít doanh nghiệp “qua mặt” cơ quan quản lý

Thiếu tuân thủ quy trình cung ứng, hậu quả là người nông dân chịu thiệt

Trong đó, 3,5 tấn cấp giống xác nhận 2 được phát hiện tại đại lý Nguyễn Thị Chanh (thị trấn Phố Châu, Hương Sơn) do Công ty TNHH Nông lâm TBT (Quảng Ngãi) cung ứng và 1 tấn cấp giống xác nhận 1 tại đại lý Hòa Nam (xã Lâm Trung Thủy - Đức Thọ) do Công ty Giống Cây trồng Bắc Trung bộ (Thanh Hóa) cung ứng. Toàn bộ số giống này buộc phải thu hồi và hai doanh nghiệp cố tình cung ứng giống lúa không đảm bảo chất lượng bị xử phạt lên đến 50 triệu đồng.

Ông Phan Văn Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Giống Bắc Thịnh là một trong những giống lúa khuyến khích mở rộng trong vụ xuân 2020. Chi cục đã đề nghị các địa phương liên quan thông tin đầy đủ đến bà con nông dân về 2 lô giống này, đồng thời tiến hành thu hồi để tránh thiệt hại cho người sản xuất”.

Cung ứng giống lúa ở Hà Tĩnh: Không ít doanh nghiệp “qua mặt” cơ quan quản lý

Quy trình sản xuất, cung ứng giống cần phải được đảm bảo bài bản, khoa học

Cũng theo ông Dũng, mặc dù công tác quản lý chất lượng giống được Sở NN&PTNT Hà Tĩnh “siết chặt” nhưng việc chấp hành pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh giống của các doanh nghiệp thiếu đầy đủ, cộng với sự phối hợp của chính quyền địa phương chưa cao nên tình trạng giống kém chất lượng vẫn xảy ra.

Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp “qua mặt” cơ quan quản lý, cung ứng giống “đi thẳng” xuống đại lý, thậm chí là các xã, thôn. Cho tới khi giống ra đến đồng ruộng thì mới “vỡ lẽ”, việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng giống càng khó khăn hơn.

Sử dụng giống tự làm - “biết rồi, khổ lắm”

Theo tính toán của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, nguồn giống từ các doanh nghiệp và nguồn hỗ trợ từ Trung ương ở mỗi vụ sản xuất đạt bình quân từ 1.700 - 1.800 tấn, tương đương khoảng 30.600 ha lúa. Trong số này, các doanh nghiệp cung ứng chỉ đạt trên 1.000 tấn, chỉ chiếm hơn 1/3 lượng giống trên địa bàn.

Còn lại, khoảng 1.500 - 1.600 tấn (tương đương trên 29.000 ha) chủ yếu là từ nguồn tự để giống của bà con nông dân (chiếm gần 50% tổng lượng giống). Thực trạng này, mặc dù ngành chuyên môn đã thực hiện các giải pháp nhưng có vẻ như không hiệu quả.

Cung ứng giống lúa ở Hà Tĩnh: Không ít doanh nghiệp “qua mặt” cơ quan quản lý

Gần 50% giống do người dân tự để

Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Trong trường hợp người dân không đảm bảo được quy trình sản xuất giống như độ lẫn, bảo quản, sử dụng giống lúa gốc (cấp nguyên chủng)… thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giống. Lúc đó, độ thuần của giống không đảm bảo, tỷ lệ nảy mầm thấp và ảnh hưởng đến năng suất của giống”.

Thực tế này đang khiến nhiều nhà cung ứng trên địa bàn Hà Tĩnh không khỏi lo lắng. Thậm chí, nó có thể “đánh bật” nguồn cung ứng chính ngạch từ các doanh nghiệp bản quyền.

Cung ứng giống lúa ở Hà Tĩnh: Không ít doanh nghiệp “qua mặt” cơ quan quản lý

Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh vào vụ cung ứng cao điểm

Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh hiện là công ty duy nhất ở Hà Tĩnh tổ chức sản xuất giống và phải mất ít nhất 6-7 vụ sản xuất mới hoàn thành quy trình cung ứng một loại giống ra thị trường. Thế nhưng, hàng năm vẫn phải “đứng nhìn” giống của mình bị “đánh cắp” bởi quy trình thiếu bài bản.

Không loại trừ những cá nhân, tổ chức có thể đảm đương tốt quy trình làm giống, tuy nhiên, nếu công tác giống thiếu sự hỗ trợ, quản lý của cơ quan chuyên môn thì chất lượng càng khó kiểm soát. Đó là chưa kể, nó còn xâm phạm thành quả lao động, khoa học của người khác, đồng thời gây ảnh hưởng đến sản xuất của bà con nông dân.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast