Bất trắc hiện hữu trong cuộc bầu cử trước thời hạn ở Hy Lạp

Quyết định bầu cử lập pháp trước thời hạn ở Hy Lạp vào ngày hôm nay 20/9 của ông Alexis Tsipras đang được nhận định là tiểm ẩn nhiều bất trắc.

Khi quyết định từ chức cuối tháng 8 và tuyên bố bầu cử lập pháp trước thời hạn vào ngày hôm nay 20/9, ông Alexis Tsipras tin rằng mình sẽ xây dựng thành công một đa số mới trong quốc hội Hy Lạp. Nhưng vụ đặt cược này đang đối mặt với rất nhiều nguy cơ.

Bất trắc hiện hữu trong cuộc bầu cử trước thời hạn ở Hy Lạp ảnh 1

Cựu thủ tướng Alexis Tsipras. (ảnh: Reuters)

Cựu thủ tướng Alexis Tsipras đã tính rất kỹ khi đưa ra lá đơn từ chức cách đây gần 1 tháng. Ông tính rằng, với sự ủng hộ vẫn khá cao của dư luận Hy Lạp ở thời điểm đó, trên 60%, nếu cho bầu cử lập pháp sớm, ông có thể dẹp bỏ được sự phản đối đang dâng lên mạnh mẽ không chỉ trong hàng ngũ các đảng đối lập mà còn trong chính nội bộ Syriza. Đó là một vụ cá cược mạo hiểm nhưng đáng giá, với viễn cảnh tạo nên một đa số mới trong quốc hội Hy Lạp.

Nhưng trong một nền chính trị mà những phong trào, đảng phái chính trị trụ cột truyền thống bị phá nát do cuộc khủng hoảng nghiêm trọng kéo dài nhiều năm qua, không có điều gì là chắc chắn.

Cuối tháng 8, ngay sau khi ông Tsipras từ chức, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy nếu bầu lại ngay lúc đó, đảng Syriza và ông Alexis Tsipras sẽ chiến thắng không quá khó khăn với trên 55% phiếu bầu. Tuy nhiên, từ hôm 17 đến 19/9, tức chỉ 1 ngày trước cuộc bầu cử, mọi dự đoán đang trở nên sít sao.

5 cuộc thăm dò dư luận được tổ chức ở Hy Lạp đưa ra kết quả cân bằng: 2 cuộc dự đoán thắng lợi cho ông Alexis Tsipras với chênh lệch phiếu từ 0,3 đến 0,6 điểm phần trăm so với đối thủ chính là Vangelis Meimarakis, ứng cử viên của đảng Tân Dân chủ (ND); 2 cuộc khác nghiêng về chiến thắng của ông Meimarakis với chênh lệch từ 0,3 đến 1,4 điểm phần trăm. Cuộc thăm dò thứ 5 cho kết quả cân bằng: mỗi bên giành khoảng 28% phiếu.

Với tất cả những dự đoán sít sao kể trên, có vẻ như kịch bản dễ xảy ra nhất là sẽ không có một đảng nào giành được quá bán để tự thành lập chính phủ. Cả đảng Syriza lẫn đảng Tân Dân chủ (ND) đều dự đoán giành khoảng 37% số phiếu của cử tri Hy Lạp.

Với đảng Syriza, đây rõ ràng là một dấu hiệu cảnh báo đáng lo ngại. Từ chỗ là đảng chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử tháng 1/2015, Syriza đang có dấu hiệu tan rã. Những cuộc đàm phán marathon mệt mỏi và khắc nghiệt với nhóm chủ nợ của Hy Lạp ròng rã trong nhiều tháng đã chia rẽ nội bộ Syriza. Nhiều nhân vật trụ cột của Syriza, tiêu biểu là cựu Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis đã công khai lên tiếng phản đối việc ông Alexis Tsipras chấp nhận ký các điều khoản với nhóm chủ nợ để đổi lấy gói cứu trợ thứ 3 cho Hy Lạp hồi tháng 8.

Những nhân vật này cho rằng hành động của ông Tsipras là sự “đầu hàng” nhóm chủ nợ và là sự phản bội lại các cử tri Hy Lạp đã bỏ phiếu cho Syriza hồi tháng 1 với mong muốn đảng thiên tả này sẽ chấm dứt các chính sách khắc khổ khiến dân chúng Hy Lạp lao đao trong nhiều năm.

Một bộ phận trong Syriza đã tách ra thành lập đảng riêng để tham gia tranh cử hôm nay và nhiều gương mặt nổi bật cũng đã tuyên bố giống ông Varoufakis rằng sẽ không bỏ phiếu cho ông Alexis Tsipras. Sự chia rẽ công khai này đang làm Syriza suy yếu và sức hút của chính đảng này trở nên phai nhạt. Trong cuộc mít-tinh cuối cùng trước cuộc bầu cử của ông Tsipras tối thứ Sáu (18/9) ở quảng trường Syntagma, lượng người tham dự ít hơn rất nhiều so với trước kia.

Hứa hẹn

Đứng trước những thách thức đó, ông Alexis Tsipras đang đặt cược chiến thắng của mình vào cái mà ông gọi là “thông điệp” mà Syriza sẽ gửi đến châu Âu. “Thông điệp chiến thắng của chúng ta sẽ được gửi đến Pablo (Iglesias) ở Tây Ban Nha, tới Gerry Adams ở Bắc Ireland và tới một vị Thủ tướng cấp tiến ở Bồ Đào Nha”.

Ý đồ của Tsipras rất rõ ràng: gắn liền hình ảnh của Syriza với phong trào thiên tả đang thăng tiến mạnh mẽ tại châu Âu trong thời gian qua, với các đại diện tiêu biểu như Podemos ở Tây Ban Nha. Ông Tsipras cũng hứa hẹn rằng “Syriza sẽ là đảng phái tốt nhất để đàm phán với các chủ nợ về vấn đề nợ công”.

Theo nhiều nhà phân tích, đây là một cách tiếp cận khôn ngoan của ông Tsipras, bởi tuy bị chỉ trích rất nhiều vì đã ký các điều khoản “bị ép buộc” với nhóm chủ nợ nhưng trong vài tháng qua, ông đã thể hiện được mình là một người đàm phán có sức nặng và đang dần lấy được thiện cảm của các lãnh đạo châu Âu.

Người dân Hy Lạp vốn đã quá mệt mỏi với các cuộc đàm phán không lối thoát thời gian qua có thể sẽ không hứng thú với việc thay đổi một Thủ tướng mới và mọi sự rắc rối lại bắt đầu lại từ đầu.

Đổi lại, ứng cử viên Meimarakis của đảng cánh hữu Tân Dân chủ ND thì dùng lá bài “ổn định và an ninh” để thu hút cử tri. Ông Meimarakis hứa hẹn nếu thắng cử sẽ “lập tức chấm dứt cuộc thử nghiệm nguy hiểm của Syriza”, đưa Hy Lạp trở lại bình thường. Đảng ND của ông Meimarakis cũng sử dụng vấn đề người tị nạn đang rất nóng bỏng hiện nay để kiếm phiếu khi chủ trương cứng rắn, siết chặt dòng người tị nạn đổ về Hy Lạp để tăng cường an ninh cho đất nước.

Đây là vấn đề mà Syriza vốn bị chỉ trích nhiều, do đảng này vốn áp dụng các chính sách khá mềm mỏng với dân tị nạn, bất chấp thực tế Hy Lạp đang quá tải vì dòng người tị nạn vượt biển đổ về.

Tuy nhiên, những hứa hẹn sẽ đều bị bỏ lại ngoài hòm phiếu. Điều mà các nhà quan sát cho là khó dự đoán nhất của cuộc bầu cử hôm nay tại Hy Lạp là thái độ của dân chúng. Cử tri Hy Lạp đang kiệt sức vì cuộc khủng hoảng và quá chán nản với các cuộc bỏ phiếu liên miên, từ bầu cử cho đến trưng cầu dân ý, nên số người đi bỏ phiếu là một dấu hỏi lớn. Nếu lượng cử tri đi bầu sụt giảm, đó sẽ là nguy cơ lớn cho Syriza và ông Tsipras.

Theo VOV

Chủ đề Hội nhập Quốc tế

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast