Kỹ sư xây dựng Việt tại Nhật có mức lương 30.000 - 100.000 USD mỗi năm

Trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực nhiều ngành nghề, trong đó có xây dựng, Chính phủ Nhật đã nới lỏng chính sách nhập cảnh để thu hút lao động nước ngoài. Đây là cơ hội tốt để các kỹ sư Việt Nam có thể đầu quân cho các công ty xây dựng tại Nhật.

Kỹ sư xây dựng Việt tại Nhật có mức lương 30.000 - 100.000 USD mỗi năm

Kỹ sư Việt Nam làm việc cùng đồng nghiệp tại công trình hầm đô thị ở Yokoyama, Nhật Bản - Ảnh: LÊ LONG

Theo thống kê của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, khoảng 30% trong lực lượng lao động ngành xây dựng ở Nhật trên 55 tuổi và chỉ 10% là dưới 29 tuổi, trong khi tốc độ già hóa dân số vẫn đang tăng mạnh.

Do đó, ngành xây dựng Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ thiếu nhân lực trầm trọng.

Thu nhập như kỹ sư Nhật

Hiện chưa có thống kê chính thức về tổng số kỹ sư xây dựng người Việt tại Nhật, nhưng theo một khảo sát nhỏ của Công ty CP Hanabi (Tokyo) thực hiện với 366 kỹ sư và kiến trúc sư người Việt đang làm việc tại đây, có 198 người (53%) đang làm quản lý thi công công trình, 73 người (20%) làm thiết kế, 15 người (4%) làm về kết cấu thép, còn lại là các công việc khác.

Đa số các kỹ sư Việt Nam được khảo sát đều có xuất phát điểm từ công việc kỹ sư quản lý thi công công trình, gồm hai mảng chính là thi công cơ sở hạ tầng và thi công kiến trúc dân dụng.

Về mức thu nhập của kỹ sư xây dựng, thu nhập của kỹ sư công trình trung bình dao động từ 30.000 - 60.000 USD/năm, kỹ sư chất lượng cao dao động từ 70.000 - 100.000 USD/năm - tương đương mức thu nhập trung bình của người Nhật cùng độ tuổi trong cùng lĩnh vực.

Có thể thấy vị thế và vai trò của người Việt trong ngành xây dựng tại Nhật ngày càng được khẳng định, khi các kỹ sư Việt Nam đang giữ những vị trí quan trọng trong các dự án trọng điểm quy mô lớn.

Những vị trí này đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao và cần thi chứng chỉ hành nghề quốc gia về quản lý thi công công trình như người Nhật. Ngoài ra, các kỹ sư đều có thể chuyển việc tự do sang các mảng khác trong ngành như tư vấn thiết kế, dự toán... mà vẫn giữ được tư cách lưu trú.

Những người muốn xin vào các công ty xây dựng tại Nhật trực tiếp từ Việt Nam cần chuẩn bị một số điều ngay từ khi sắp tốt nghiệp đại học, để có cơ hội thăng tiến trong công việc và thu nhập ổn định như trên.

Trước hết, họ cần có chứng chỉ năng lực tiếng Nhật JLPT N3 trở lên, dù nhiều công ty có thể chấp nhận không cần tiếng Nhật. Họ phải học đúng chuyên ngành xây dựng và tốt nghiệp bậc cao đẳng trở lên.

Trong quá trình làm việc tại Nhật, họ nên tự đặt mục tiêu cho bản thân không chỉ cải thiện năng lực tiếng Nhật hằng ngày, mà còn nâng cao trình độ kỹ năng bằng việc học chứng chỉ quốc gia, luyện thi những bằng cấp cần thiết phục vụ công việc.

Đó sẽ là chìa khóa cho sự phát triển của bản thân và mở ra nhiều cơ hội việc làm mới.

Ba hướng cải tổ lớn

Ở tầm vĩ mô, Nhật Bản đang và sẽ cải cách về cách thức làm việc trong ngành xây dựng trong tương lai gần với ba hướng cải cách lớn.

Thứ nhất là điều chỉnh lại thời gian làm việc dài hạn, khuyến khích chế độ nghỉ 2 ngày mỗi tuần với những công trình công cộng do Nhà nước làm chủ đầu tư và dần áp dụng cho những công trình tư nhân.

Ngoài ra, giới hạn thời gian tăng ca không vượt quá 45 tiếng/tháng và 360 tiếng/năm với người lao động. Cải cách này nhằm giải quyết bài toán tăng năng suất làm việc ở công trình, để vừa đảm bảo tiến độ vừa cho phép người lao động được nghỉ nhiều hơn.

Thứ hai là tạo ra môi trường đãi ngộ và tăng cường chế độ bảo hiểm xã hội phù hợp cho những người có kỹ năng, kinh nghiệm.

Chính phủ Nhật đã xây dựng hệ thống “Construction Career Up System” (CCUS) liên kết tất cả các công trình đã và đang vận hành nhằm mục đích đánh giá kỹ năng và kinh nghiệm của tất cả người lao động, kỹ sư đang làm việc ở công trường.

Hiểu đơn giản thì hệ thống CCUS là nơi lưu lại kinh nghiệm làm việc của một người từ lúc vào nghề cho đến thời điểm hiện tại, qua đó đánh giá được trình độ của mỗi người và có đãi ngộ tương xứng với kinh nghiệm và kỹ năng của họ.

Thứ ba là ứng dụng công nghệ vào xây dựng (i-Construction) nhằm nâng cao hiệu suất làm việc.

Chẳng hạn thúc đẩy những công ty vừa và nhỏ đổi mới, ứng dụng công nghệ nhằm giảm nhân lực, số hóa các hồ sơ thủ tục trong công trình, phân bổ lại hợp lý nhân lực cho các công trình trong bối cảnh số kỹ sư công trường sẽ giảm mạnh...

Thách thức và cơ hội

Trong tương lai, ngành xây dựng tại Nhật sẽ có những biến đổi mạnh mẽ theo từng bối cảnh, từng thời điểm. Những công trình theo trục dọc (nhà cao tầng, chung cư, trung tâm thương mại lớn) đã xây trên 20 năm sẽ bước vào giai đoạn duy trì bảo dưỡng, tu sửa, xây mới.

Mặt khác, các công trình theo trục ngang (hầm đô thị, hầm núi, công trình giao thông, cơ sở hạ tầng) sẽ dần hoàn thiện và mở rộng nhiều hơn với những dự án mới, điển hình là siêu dự án Linear Chuo Shinkansen tuyến Tokyo-Nagoya dự kiến khai thông vào năm 2027.

Đây là thách thức cho cộng đồng kỹ sư xây dựng người Việt tại Nhật vì họ sẽ phải luôn cập nhật kỹ thuật mới, thích nghi với công việc thay đổi liên tục khi có vấn đề cần giải quyết. Nhưng cùng với đó cũng là cơ hội nếu đội ngũ này biết nắm bắt và tận dụng.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast