Gấp rút chống nóng, phòng dịch bệnh cho tôm nuôi ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh đang bước vào đợt nắng nóng gay gắt kéo dài với nền nhiệt cao. Nhằm bảo toàn các đối tượng nuôi trồng thủy sản, người dân tại nhiều địa phương đang tích cực dùng mọi biện pháp để vừa phòng chống nóng vừa kiểm soát dịch bệnh, giúp tôm sinh trưởng tốt.

Gấp rút chống nóng, phòng dịch bệnh cho tôm nuôi ở Hà Tĩnh

Người nuôi tôm thường xuyên vớt bọt ra khỏi ao trong mùa nắng nóng, giảm thiểu bất lợi về yếu tố môi trường đối với con tôm.

Những ngày qua, nền nhiệt trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 36 - 38 độ C kéo theo nhiệt độ trong hồ nuôi tăng nhanh, buộc anh Trần Văn Mạnh (Thạch Khê, Thạch Hà) phải liên tục cấp nước vào ao nuôi để làm mát môi trường nước, đảm bảo nguồn thức ăn đầy đủ, bổ sung các khoáng chất cần thiết cho tôm nuôi như: vitamin C, men vi sinh…

Anh Mạnh cho biết: “Giữa nắng nóng lại có mưa đan xen làm sức đề kháng của tôm bị giảm sút, rất dễ nhiễm bệnh gan tụy cấp tính, đốm trắng... Hiện, 4 ao thả nuôi cách đây hơn 2 tháng đã đạt kích cỡ 80 - 90 con/kg, chuẩn bị cho thu hoạch nên tôi phải thường xuyên túc trực để theo dõi tình trạng ao nuôi và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh”.

Tại huyện Kỳ Anh - địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất toàn tỉnh, trên các ao đầm, người dân cũng đang “căng mình” kiểm tra, chăm sóc, theo dõi tôm sinh trưởng trong điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi.

Gấp rút chống nóng, phòng dịch bệnh cho tôm nuôi ở Hà Tĩnh

Người nuôi tôm huyện Kỳ Anh thực hiện sục khí thường xuyên để chống nóng cho tôm.

Anh Võ Xuân Thanh (xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh) cho biết: “Vụ này, tôi đầu tư khá lớn vốn vào cải tạo ao hồ nuôi tôm. Hằng ngày, tôi phải kiểm tra tất cả các ao nuôi, sục khí thường xuyên để chống nóng cho tôm, khống chế sự sinh sôi và phát triển của các loại tảo, cấp nước thêm vào hồ lúc trời mát (khoảng sau 17h), sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ giúp ổn định môi trường”.

Gấp rút chống nóng, phòng dịch bệnh cho tôm nuôi ở Hà Tĩnh

Người nuôi tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung các chất khoáng, vi sinh đường ruột, beta-glucan, vitamin...

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh Trần Bá Toàn, nhằm hạn chế tôm nuôi bị rủi ro, thiệt hại trong mùa nắng nóng, ngay đầu vụ, địa phương đã tuyên truyền người dân tập trung phòng trừ và bảo vệ. Nếu không đảm bảo được điều kiện chống nóng thì nên hạn chế diện tích thả nuôi hoặc chia ra nhiều đợt thả nuôi khác nhau. Phòng khuyến cáo các hộ cần cấp nước vào ao đủ lưu lượng để làm mát, tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung các chất khoáng, vi sinh đường ruột, beta-glucan, vitamin...

Gấp rút chống nóng, phòng dịch bệnh cho tôm nuôi ở Hà Tĩnh

Nông dân Hà Tĩnh chủ động nâng và duy trì mức nước trong hồ ở mức cao tối thiểu 1,2m trở lên.

Được biết, thời gian qua, nhiều hộ nuôi tôm ở Hà Tĩnh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để làm ao tròn lót bạt đáy nổi trong nhà lưới, xây dựng bể bằng xi măng có nhà che, lắp hệ thống bạt che nắng… Đây là những cách thức đảm bảo sự phát triển của tôm, hạn chế dịch bệnh trong mùa nắng nóng.

Ông Phạm Văn Huy (Thạch Khê, Thạch Hà) chia sẻ: “Hệ thống ao tròn lót bạt đáy nổi trong nhà lưới giúp nguồn nước trong ao luôn ổn định ở mức 30 - 31 độ C, đủ điều kiện để tôm phát triển. Hình thức nuôi này thuận lợi trong việc chăm sóc, quản lý tôm nuôi, chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường mặc dù mật độ nuôi rất dày từ 200 - 250 con/m3; có thể sử dụng vi sinh định kỳ trong suốt quá trình nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tôm nuôi cho năng suất cao, kích cỡ đồng đều”.

Gấp rút chống nóng, phòng dịch bệnh cho tôm nuôi ở Hà Tĩnh

Hệ thống ao tròn lót bạt đáy nổi trong nhà lưới luôn giúp nguồn nước trong ao luôn ổn định ở mức 30 - 31 độ C.

Được biết, vụ tôm xuân hè 2022, toàn tỉnh thả nuôi trên diện tích hơn 2.000 ha. Thời điểm này, nhiều diện tích chuẩn bị bước vào kỳ thu hoạch nên người nuôi tôm càng cần phải lưu ý đến các biện pháp chăm sóc, đảm bảo sức khỏe cho tôm để có một mùa vụ thắng lợi.

Ông Lưu Quang Cần - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh (Sở NN&PTNT) cho biết: “Năm nay, xu thế thời tiết là mưa nắng thất thường, nhiệt độ dao động ngày đêm lớn làm giảm sức đề kháng của tôm, tăng mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh. Nhiệt độ nước tăng cao trong mùa hè còn là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, vi-rút) phát triển".

Gấp rút chống nóng, phòng dịch bệnh cho tôm nuôi ở Hà Tĩnh

Người nuôi cần thường xuyên kiểm tra các thông số nước, đảm bảo các điều kiện môi trường nằm trong giới hạn thích hợp.

"Vì thế, đối với ao nuôi tôm, người dân cần chủ động nâng và duy trì mực nước ở mức cao tối thiểu 1,2 - 1,5 m trở lên; sử dụng các thiết bị làm giàu ô xy như: máy quạt nước, máy sục khí, máy phun, máy bơm… để tăng cường hàm lượng oxy hoà tan, giảm thiểu lượng khí độc trong ao. Cùng đó, người nuôi định kỳ 7 - 10 ngày phải dùng vôi bột hòa nước tạt khắp mặt ao với lượng 2 - 3kg/100 m3 tùy theo pH nước để khử trùng nước ao, tiêu diệt mầm bệnh; chủ động giảm mật độ nuôi phù hợp với điều kiện môi trường nuôi và khả năng quản lý chăm sóc. Thường xuyên thay nước và sử dụng chế phẩm sinh học, kiểm tra các thông số môi trường, đảm bảo các điều kiện môi trường nằm trong giới hạn thích hợp; bổ sung Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa, tinh dầu tỏi... vào thức ăn để tăng sức đề kháng và phòng bệnh” - ông Cần khuyến cáo.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast